|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá dầu tăng vượt tầm kiểm soát, Tổng thống Biden phải cố làm thân với quốc gia ông từng xa lánh

15:27 | 10/06/2022
Chia sẻ
Tổng thống Biden đã xa lánh Arab Saudi trong vài năm qua. Song, đứng trước áp lực từ cú sốc giá năng lượng, ông buộc lòng phải tìm cách hàn gắn mối quan hệ với Riyadh.

“Cơm không lành, canh không ngọt”

Đối với nhiều nhà quan sát, có vẻ như mối quan hệ hợp tác được gầy dựng từ 77 năm trước tại hồ Great Bitter, giữa Tổng thống Franklin Roosevelt và Vua Abdulaziz, đang đi đến hồi kết.

Mối quan hệ này đã rạn nứt từ xa xưa. Arab Saudi từng phản đối việc thành lập Israel vào năm 1948 và cắt nguồn cung dầu cho Mỹ vào cuối năm 1973, dẫn đến việc giá xăng dầu và lạm phát tại Mỹ tăng đột biến.

Sau đó, liên minh hai nước lại đứng trước thử thách khác vào ngày 11/9/2001, khi Mỹ bị tấn công thảm khốc và Arab Saudi bị phương Tây cáo buộc là có liên quan đến những kẻ khủng bố, Bloomberg cho hay.

Tuy nhiên, ông Bob McNally - Chủ tịch hãng tư vấn Rapidan Energy Group, đồng thời là cựu quan chức Nhà Trắng, lưu ý mối quan hệ đã chạm đáy dưới thời đương kim Tổng thống Joe Biden.

Khi vận động tranh cử, ông Biden thề sẽ biến Arab Saudi thành “kẻ bị ruồng bỏ” sau vụ thảm sát nhà báo Jamal Khashoggi của tờ Washington Post. Khi đã vào tới Nhà Trắng, ông Biden đã tạm thời đóng băng việc bán vũ khí cho Riyadh sau cuộc chiến ở Yemen.

Tổng thống Biden còn vạch ra một tầm nhìn nhằm biến Mỹ thành cường quốc năng lượng tái tạo, ít phụ thuộc vào thị trường dầu mỏ mà Arab Saudi đang giữ vị trí đầu tàu. Nhậm chức đã gần hai năm, ông Biden cũng chỉ làm việc với Vua Salman nay đã 86 tuổi mà từ chối giao thiệp với Thái tử Mohammed.

Song, thái độ của ông Biden bắt đầu thay đổi khi giá dầu tăng vào mùa hè năm ngoái cùng với sự phục hồi về nhu cầu nhiên liệu. Sau khi Tổng thống Vladimir Putin tấn công Ukraine vào tháng 2 năm nay, kích hoạt các lệnh cấm vận Nga và kéo giá dầu lên gần 140 USD/thùng, Washington đã đẩy mạnh nỗ lực liên kết với Riyadh.

Điều ông Biden muốn nhưng không làm được

Tại sao Mỹ lại đảo chiều thái độ với Arab Saudi? Hiện giờ, ông Biden đang cần một đồng minh có thể giúp lật lại trật tự thị trường dầu mỏ.

Giá một thùng dầu thô đã tăng hơn 50% trong năm nay lên 120 USD và thậm chí có thể kiểm tra mức 200 USD nếu các lệnh trừng phạt của châu Âu đóng băng hoạt động xuất khẩu năng lượng của Nga, Bloomberg Intelligence cho biết.

Tại Mỹ, giá xăng đã đạt kỷ lục mới và mùa du lịch chỉ mới bắt đầu. Lạm phát tăng nóng dần trở thành một mối nguy chính trị cho ông Biden, người sẽ phải đối mặt với cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào cuối năm nay với tỷ lệ tín nhiệm hiện đã tụt xuống khoảng 40%.

Giá xăng tại một trạm bán lẻ ở bang Maryland, Mỹ ngày 28/5. (Ảnh: Bloomberg).

Khác với các nhà lãnh đạo Arab Saudi, ông Biden không thể trực tiếp kiểm soát sản lượng dầu trong nước. Chưa kể, trong những năm gần đây, dưới phong trào chuyển đổi năng lượng sạch, các chính sách môi trường của ông Biden và áp lực từ các cổ đông, doanh nghiệp dầu khí Mỹ ngày càng ngần ngại tăng sản lượng.

Chia sẻ với Bloomberg, bà Karen Young, thành viên cấp cao tại Viện Trung Đông tại thủ đô Washington, nhận định: “Người Arab Saudi đang dần khôi phục lại vị thế quyền lực của mình”.

Trên thực tế, Nhà Trắng còn nhiều việc phải làm trước khi Arab Saudi và UAE đồng ý bơm thêm dầu thô để hạ giá năng lượng. Quyết định nâng nguồn cung thêm 648.000 thùng/ngày của OPEC+ mới đây gần như không thể thay đổi thị trường.

JPMorgan lưu ý rằng OPEC+ chỉ có thể bơm khoảng 25% con số dự kiến, vì nhiều nước thành viên không thể hoàn thành hạn ngạch đề ra. Chưa kể, còn một vấn đề lớn hơn: thế giới đang thiếu hụt công suất lọc dầu trầm trọng.

Trưởng bộ phận phân tích hàng hóa Jeff Currie của Goldman Sachs bình luận: “Bức tranh chung không thay đổi. Thị trường sẽ thắt chặt hơn nữa khi chúng ta bước vào các tháng mùa hè”.

Nhận thấy cần phải nhanh chóng thiết lập lại mối quan hệ với Riyadh, ông Biden đã cử ông Brett McGurk - đặc phái viên khu vực Trung Đông và ông Amos Hochstein - cố vấn cấp cao về an ninh năng lượng thực hiện các chuyến thăm Arab Saudi và UAE kể từ cuối năm ngoái.

Yêu cầu chưa được đáp ứng của Arab Saudi

Arab Saudi đang kiếm được 1 tỷ USD mỗi ngày từ dầu mỏ và nền kinh tế này - cùng với Ấn Độ, được dự đoán sẽ là hai nước ghi nhận tốc độ tăng trưởng nhanh nhất trong nhóm G20 năm nay.

Vì lẽ đó, giữa lúc thị trường năng lượng hỗn loạn như hiện giờ, Arab Saudi - nhà xuất khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, lại một lần nữa có lợi thế để đưa ra các yêu cầu riêng. Đặc biệt, Riyadh đang muốn tái khẳng định chương trình nghị sự mà họ đã theo đuổi nhiều năm qua.

Thái tử Mohammed bin Salman muốn ông Biden phải thừa nhận mình là người cai trị thực tế của Arab Saudi, sau khi Tổng thống Mỹ xa lánh ông vì liên quan vụ sát hại nhà báo Khasoggi. Đồng thời, Thái tử còn muốn vốn đầu tư và khí tài quân sự của Mỹ.

Cũng quan trọng không kém là Thái tử Mohammed muốn Washington phải cam kết bảo vệ Riyadh. Hiện, Arab Saudi đang hứng chịu khá nhiều cuộc tấn công từ Iran và các lực lượng ủy nhiệm của nước này.

Theo nguồn thạo tin của Bloomberg, chính phủ Arab Saudi và UAE muốn Mỹ phải đưa ra các thỏa thuận bằng văn bản. Mỹ chưa bao giờ chính thức bảo lãnh Arab Saudi và lời hứa của Washington trong nhiều thập kỷ qua cũng được coi là không đáng tin, một nguồn tin nói.

Ông Ebtesam Al-Ketbi, Giám đốc Trung tâm Chính sách Emirates ở Abu Dhabi, cho hay: “Đôi khi Mỹ không coi trọng các nước Trung Đông. Nếu ông Biden đưa ra cam kết về an ninh cho Arab Saudi, mối quan hệ của hai bên sẽ hòa hợp và lâu bền hơn”.

 

Mặt khác, giới phân tích không tin Riyadh sẽ sớm từ bỏ một đối tác quan trọng khác là Moscow. Liên minh OPEC+ mang lại lợi ích cho cả hai nước, đặc biệt là kể từ khi đại dịch bùng phát vào năm 2020.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xây dựng được mối quan hệ khăng khiết với Thái tử Mohammed. Trong năm nay, ông chủ Điện Kremlin đã nhiều lần gọi điện để thảo luận về thị trường dầu mỏ và an ninh khu vực.

“Nga đóng một vai trò quan trọng trong việc duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ. Và đối với một nhà sản xuất dầu như Arab Saudi, không gì hệ trọng bằng việc tồn tại trong biến động. Không đời nào người Arab Saudi quay lưng với Nga”, ông McNally của Rapidan nhấn mạnh.

Yên Khê

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.