|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Trừ khi Iran được 'cởi trói', quyết định sản lượng của OPEC+ khó giúp hạ nhiệt giá dầu

16:52 | 03/06/2022
Chia sẻ
Đa phần các chuyên gia mà Bloomberg phỏng vấn đều có chung nhận định rằng quyết định tăng sản lượng mạnh tay của OPEC+ thực chất không có ý nghĩa lớn với thị trường hiện nay.

Kết quả cuộc họp sản lượng tháng 6 của OPEC+ đã khiến thị trường toàn cầu bất ngờ, giúp giá dầu đảo chiều tăng điểm so với đầu phiên. Cụ thể, OPEC+ đã nhất trí tăng sản lượng lên 648.000 thùng/ngày trong tháng 7 và 8, cao hơn 50% so với các tháng trước.

Theo kế hoạch công bố trước đó, liên minh dầu mỏ sẽ chỉ nâng sản lượng thêm 432.000 thùng dầu/ngày trong ba tháng 7, 8 và 9. Như vậy, nhóm các quốc gia chi phối nguồn cung dầu toàn cầu này đã quyết định tăng sản lượng mạnh hơn dự báo.

Tuy nhiên, giới thương nhân vẫn nghi ngờ liệu OPEC+ có thể bơm thêm dầu ra thị trường như mục tiêu vừa đề ra hay không, vì một số nước thành viên đã phải rất chật vật tăng sản lượng từ cuối năm ngoái.

Giá dầu thô thế giới đã xác lập tháng tăng điểm thứ 6 liên tiếp - chuỗi dài nhất trong một thập kỷ qua. Đà tăng có vẻ sẽ tiếp tục khi tình trạng thâm hụt nguồn cung ngày càng trở nên nghiêm trọng do chiến sự giữa Nga và Ukraine.

Trừ khi Iran được "cởi trói", quyết định sản lượng của OPEC+ khó giúp hạ nhiệt giá dầu. (Ảnh minh họa: Getty Images).

Bloomberg đã phỏng vấn các chuyên gia phân tích hàng đầu về quyết định sản lượng mới của OPEC+ và ý nghĩa của bước đi này đối với giá dầu trong tương lai, cụ thể như sau:

Golman Sachs Group

Trong một ghi chú, hai nhà phân tích Damien Courvalin và Callum Bruce của Goldman Sachs cho biết quyết định mới của OPEC+ đồng nghĩa rằng sản lượng dầu thô trong mùa hè năm nay sẽ tăng thêm khoảng 200.000 thùng/ngày.

OPEC+ vẫn giữ nguyên hạn ngạch sản lượng của Nga, trong khi nhiều nước thành viên khác tiếp tục không thể hoàn thành mục tiêu nguồn cung. Điều đó cho thấy sản lượng của liên minh dầu mỏ không thể đi lên trong nửa cuối năm nay.

Ngược lại, Goldman Sachs còn nhận thấy trong phần còn lại của năm 2022, nguồn cung “vàng đen” của OPEC+ có rủi ro suy giảm, bởi lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ Nga của Liên minh châu Âu (EU) và sự ì ạch trong quá trình đàm phán thỏa thuận hạt nhân với Iran.

Đại gia ngân hàng Mỹ nhấn mạnh rằng giá dầu Brent chuẩn quốc tế có thể đạt khoảng 125 USD/thùng trong nửa cuối năm, một mức giá tương đối cao.

ING Groep

Trong một cuộc phỏng vấn, ông Warren Patterson - trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa của ngân hàng ING, cho biết mức tăng nguồn cung thoạt trông có vẻ lớn, nhưng rất khó để OPEC+ thực sự hoàn thành mục tiêu.

Theo vị chuyên gia, sản lượng dầu thô của Nga có thể sẽ đi xuống trong những tháng tới khi các lệnh trừng phạt của châu Âu phát huy tác dụng, trong khi công suất dự phòng của OPEC+ đang rất eo hẹp.

Ngân hàng có trụ sở tại Singapore này giữ nguyên dự báo rằng giá dầu Brent sẽ đạt trung bình 122 USD/thùng trong nửa cuối năm 2022.

 

Citigroup

Theo hai nhà phân tích Eric Lee và Francesco Martoccia của Citi, trên thực tế, sản lượng của OPEC+ chỉ có thể tăng thêm 132.000 thùng/ngày mỗi tháng từ các nước Arab Saudi, UAE, Kuwait và Iraq.

Trong một ghi chú, các chuyên gia của Citi lưu ý thêm rằng giá dầu thô đã tăng cao hơn trong tuần qua khi thị trường tiếp nhận thông tin EU sẽ cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga, Trung Quốc sắp nới lỏng phong tỏa và mùa cao điểm lái xe tại Mỹ đã bắt đầu.

FGE

Trong cuộc phỏng vấn cùng Bloomberg TV, Chủ tịch hãng tư vấn năng lượng FGE - Fereidun Fesharaki cho rằng việc kỳ vọng OPEC bơm ra hàng triệu thùng dầu để giải quyết tình trạng thâm hụt nguồn cung của Nga là không hợp lý.

Hiện tại, ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga không chỉ chịu ảnh hưởng bởi cấm vận của EU mà khá nhiều khách hàng cũng đang tránh mua dầu thô của Nga vì lo sợ bị kéo vào căng thẳng giữa Moscow và phương Tây.

Nếu OPEC bơm thêm 1,5 triệu thùng dầu ra thị trường mỗi ngày, liên minh này sẽ không còn công suất dự phòng để phản ứng khi nhu cầu đi lên trong một đến hai tháng tới, tính từ giờ, ông Fesharaki cho hay.

Các biện pháp trừng phạt nhắm vào dầu mỏ của Nga sẽ giữ giá dầu trên ngưỡng 100 USD/thùng. Nếu thỏa thuận hạt nhân được tái ký và Iran được phép xuất khẩu dầu trở lại, thì may ra giá dầu thô có thể ngay lập tức tụt 10 đến 15 USD/thùng.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Yên Khê

Trước thềm Diễn đàn Đầu tư Việt Nam: Đầu tư thụ động trong bối cảnh vĩ mô không chắc chắn
Trong năm 2024, lãi suất tiền gửi có kỳ hạn đang ở mức thấp. 4 ngân hàng quốc doanh có mức huy đông kỳ hạn 12 tháng đang ở mức 4,6%-5,0%. Trong khi đó thị trường trái phiếu, cũng như thị trường bất động sản đều chưa phục hồi, dẫn đến thiếu các kênh đầu tư tài chính hấp dẫn. Lượng tiền gửi trong ngân hàng đang ở mức cao nhất trong lịch sử đạt gần 6,84 triệu tỷ đồng vào tháng 7/2024.