|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thế giới vẫn tài trợ cho 'cỗ máy chiến tranh' của ông Putin

21:35 | 01/06/2022
Chia sẻ
Dù phương Tây đã giáng một loạt đòn trừng phạt vào nền kinh tế Nga nhằm can ngăn ông Putin chấm dứt cuộc chiến tại Ukraine, các nước vẫn đang mua hàng hóa của Nga, gián tiếp tài trợ cho "cỗ máy chiến tranh" của Moscow.

Nga vẫn sống khỏe

Đầu tháng 3 năm nay, khi Mỹ và các đồng minh tung ra một loạt đòn trừng phạt vào Nga, từ Nhà Trắng, Tổng thống Joe Biden tuyên bố rằng phương Tây muốn giáng một “đòn đau vào cỗ máy chiến tranh của ông Putin”.

Song, khi cuộc chiến ở Ukraine sắp sửa bước sang ngày thứ 100, cỗ máy đó vẫn hoạt động rất trơn tru. Nga vẫn hút được lượng lớn tiền mặt, trung bình khoảng 800 triệu USD mỗi ngày trong năm nay, và đó chỉ là từ dầu mỏ và khí đốt.

Trong nhiều năm qua, Nga đã đóng vai trò như một siêu thị hàng hóa khổng lồ, bán đủ thứ mà thế giới cần, không chỉ năng lượng mà còn cả lúa mì, nickel, nhôm và palladium, Bloomberg liệt kê.

Chiến sự tại Ukraine đã buộc Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) phải suy nghĩ lại về quan hệ với siêu cường hàng hóa Nga. Tuy nhiên, mọi cân nhắc đều cần thời gian, dù EU đã tiến một bước xa hơn trong tuần này khi cấm nhập khẩu 90% sản phẩm dầu mỏ của Nga.

Nga đang chịu thiệt hại nặng nề bởi các cấm vận của phương Tây. Doanh nghiệp nước ngoài tháo chạy, nhiều công ty thậm chí còn bỏ lại khối tài sản hàng tỷ USD, và nền kinh tế xứ sở Bạch Dương đang tiến gần tới bờ vực suy thoái sâu.

Tuy nhiên, hiện giờ ông Putin hoàn toàn có thể phớt lờ thiệt hại mà phương Tây gây ra, bởi vì kho bạc của Điện Kremlin đang tràn ngập tiền thu được từ việc bán hàng hóa. Chưa kể, trong bối cảnh giá hàng hóa tăng như vũ bão, Nga lại càng được hưởng lợi.

Riêng doanh thu xuất khẩu dầu của Nga đã tăng 50% so với một năm trước đó. (Ảnh minh họa: Bloomberg).

Ngay cả khi một số quốc gia đã tạm ngừng hoặc dần tẩy chay năng lượng của Nga, doanh thu từ dầu thô và khí đốt của Moscow vẫn sẽ đạt khoảng 285 tỷ USD trong năm nay, theo ước tính của Bloomberg Economics.

Con số trên sẽ vượt qua doanh thu từ dầu khí của năm 2021 khoảng 20%. Nếu tính cả các mặt hàng khác, Nga thậm chí còn có thể bù đắp được 300 tỷ USD dự trữ ngoại hối đang bị phương Tây đóng băng.

 

Giới lãnh đạo châu Âu biết họ nên ngừng mua hàng từ Nga và gián tiếp hỗ trợ tài chính cho cuộc chiến tàn khốc ở Ukraine. Song, chính phủ các nước cũng hiểu rằng hậu quả của nước đi đó đối với nền kinh tế khu vực sẽ rất nghiêm trọng.

Chia sẻ với Bloomberg, ông Jeffrey Schott - thành viên cấp cao tại Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, bày tỏ: “Luôn có những ràng buộc chính trị trong việc sử dụng các biện pháp trừng phạt.

“Bạn muốn tăng tối đa đau đớn cho kẻ thù và giảm thiểu tổn thất cho chính mình, nhưng thật không may, nói thì luôn dễ hơn làm”, ông Schott - cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ, nhấn mạnh.

Mỹ đã cấm vận dầu thô của Nga, nhưng châu Âu chỉ mới bước đầu giảm sự phụ thuộc vào xứ sở Bạch Dương. Điều đó cho Moscow thời gian để tìm kiếm khách hàng mới, chẳng hạn như hai nước tỷ dân Trung Quốc và Ấn Độ, nhằm hạn chế thiệt hại đối với doanh thu xuất khẩu và cỗ máy chiến tranh của họ.

Cho nên, tiền vẫn đang chảy vào tài khoản của chính quyền ông Putin. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), chỉ riêng doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ của Nga đã tăng hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.

Hoặc theo ước tính của SberCIB Investment Research (trụ sở tại Moscow), tổng lợi nhuận của các nhà sản xuất dầu mỏ hàng đầu tại Nga đã đạt mức đỉnh gần một thập kỷ trong quý I năm nay.

Tương tự, xuất khẩu lúa mì của Nga vẫn rất nhộn nhịp và “bội thu” vì giá đang rất cao. Điều này diễn ra trong bối cảnh phương Tây chưa tính đến chuyện trừng phạt ngành nông nghiệp Nga vì thế giới vẫn cần ngũ cốc.

Thặng dư tài khoản vãng lai của Nga, thước đo thương mại hàng hóa và dịch vụ sâu rộng nhất, đã tăng hơn ba lần trong 4 tháng đầu năm nay lên gần 96 tỷ USD. Con số này - hiện đạt đỉnh ít nhất là so với năm 1994, cho thấy giá hàng hóa đang rất đắt đỏ.

Đồng ruble đã trở thành một công cụ khác để ông Putin phô trương sức mạnh. Mới đầu, dưới sức ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt, đồng ruble có giai đoạn lao dốc nghiêm trọng và bị ông chủ Nhà Trắng Joe Biden chế nhạo là “đống đổ nát” (rouble).

Tuy nhiên, giờ đây đồng nội tệ của Nga đã trở thành đồng tiền có hiệu suất tốt nhất thế giới năm nay khi so với đồng USD, Bloomberg cho hay.

Tổng thống Putin cũng cố gắng tận dụng vị thế “siêu cường hàng hóa” của Nga. Trong bối cảnh thế giới lo lắng về tình trạng thiếu hụt lương thực, ông Putin nói sẽ chỉ cho phép xuất khẩu ngũ cốc và phân bón nếu phương Tây dỡ bỏ trừng phạt với Nga.

Ông Janis Kluge, thành viên cấp cao tại Viện Quốc tế và An ninh Đức ở Berlin, cho hay: “Nếu mục tiêu của các lệnh trừng phạt là ngăn chặn quân đội Nga, thì mong muốn đó của phương Tây đã không thành hiện thực”.

“Nga vẫn có thể tài trợ cho nỗ lực chiến tranh ở Ukraine, vẫn có thể bù đắp một số thiệt hại mà các biện pháp trừng phạt gây ra cho người dân trong nước”, ông Kluge nói thêm.

 

Lỗ hổng ở đâu?

Một trong những lỗ hổng lớn nhất của các lệnh trừng phạt là việc các quốc gia khác sẵn sàng mua dầu của Nga, theo Bloomberg.

Từ khi chiến sự tại Ukraine bắt đầu hồi cuối tháng 2 đến đầu tháng 5, các nhà máy lọc dầu của Ấn Độ đã mua hơn 40 triệu thùng dầu của Nga. Theo tính toán của Bloomberg, con số này cao hơn 20% so với lượng dầu mà Ấn Độ nhập khẩu từ Nga trong năm 2021.

Các doanh nghiệp tại đất nước Nam Á thường tìm kiếm các giao dịch tư nhân thay vì đấu thầu công khai để mua được dầu thô của Nga với giá rẻ hơn giá thị trường, Bloomberg thông tin thêm.

Ông Putin trò chuyện với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm đến cảng Vladivostok ở miền viễn đông Nga vào năm 2019. (Ảnh: Getty Images).

Trung Quốc cũng đang tăng cường hợp tác năng lượng với Nga. Các nhà máy lọc dầu của nước này không chỉ tăng nhập khẩu mà còn đang đàm phán để bổ sung kho dự trữ năng lượng bằng dầu của Nga.

Câu chuyện tương tự cũng xảy ra đối với sản phẩm than cốc. Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, nhập khẩu than cốc Nga của đất nước tỷ dân đã tăng tháng thứ ba liên tiếp trong tháng 4 vừa qua, cao gấp đôi mức cùng kỳ năm ngoái.

Một số người bán dầu và than cốc của Nga còn cố gắng tạo điều kiện cho khách hàng Trung Quốc bằng cách cho phép giao dịch bằng đồng nhân dân tệ.

Ông Wouter Jacobs, Giám đốc Trung tâm Thương mại và Hàng hóa Erasmus tại Đại học Erasmush (Rotterdam, Hà Lan), cho hay: “Phần lớn thế giới không tham gia cùng phương Tây trừng phạt Nga. Giao dịch thương mại vẫn sẽ tiếp tục, các nước vẫn cần nhiên liệu hóa thạch…”

 

Liên quan đến khí đốt, Nga có ít lựa chọn về khách hàng hơn. Song, một số quốc gia vẫn phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung của Nga, tức là dù muốn hay không, họ vẫn phải mua khí đốt từ xứ sở Bạch Dương. Khoảng 40% nhu cầu khí đốt của EU là do Nga cung ứng và đây sẽ là liên kết khó cắt đứt nhất của khối kinh tế chung.

Các đợt giao hàng từ Nga sang châu Âu thậm chí còn tăng vọt trong tháng 2 và tháng 3, khi cuộc tấn công của Moscow vào Ukraine khiến giá khí đốt tại lục địa già leo thang chóng mặt nhưng sản phẩm của Gazprom rẻ hơn so với các nhà cung ứng khác.

Sau đó, lượng khí đốt mà Nga xuất khẩu sang châu Âu đã giảm đáng kể do thời tiết ấm lên và các đối tác của EU, chẳng hạn như Mỹ, đã nhảy vào lấp chỗ trống của Nga. Bản thân Nga cũng cắt cung khí đốt của Ba Lan, Bulgaria, Phần Lan, Hà Lan và Đan Mạch.

Tuy nhiên, dù EU nỗ lực giảm sự phụ thuộc đối với khí đốt của Nga thì mỗi bước đi của khối kinh tế chung đều ẩn chứa những phức tạp nhất định. Khá nhiều công ty năng lượng lớn tại châu Âu vẫn tiếp tục mua khí đốt từ Nga.

Yên Khê