|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Nga trụ được trong ngắn hạn nhưng khó cầm cự lâu

14:23 | 01/06/2022
Chia sẻ
Sau một loạt các lệnh trừng phạt từ phương Tây, nền kinh tế Nga vẫn trụ vững, Ngân hàng trung ương thậm chí còn hạ lãi suất do kỳ vọng lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, khó khăn trong thương mại quốc tế và sụt giảm nghiêm trọng của chi tiêu đang khiến triển vọng dài hạn thêm u ám.

Với ông Oleg Kechin, chủ sở hữu của một chuỗi tiệm cắt tóc, những dự báo rằng kinh tế Nga sẽ rơi vào khủng hoảng trầm trọng nhất trong hàng chục năm dường như hơi quá trớn. Mặc dù Tổng thống Mỹ hứa rằng những lệnh trừng phạt của phương Tây sẽ tàn phá nền kinh tế Nga, công việc kinh doanh của ông Kechin vẫn thu hút được khách hàng, Reuters cho hay.

“Chẳng có khủng hoảng nào trầm trọng cả. Nhìn chung, mọi thứ vẫn ổn”, ông nói. “Mọi người đang nói về việc giảm sức mua, tuy nhiên tôi chưa nhận thấy gì”.

Tuy nhiên, nếu một số chỉ báo là đúng, sự tự tin này có thể có thể đang được đặt sai chỗ. Thương mại của Nga với thế giới bên ngoài đã sụt giảm, người tiêu dùng ngại chi tiêu và giá những mặt hàng thông thường đã bắt đầu bóp nghẹt ngân sách hộ gia đình.

 Ngân hàng trung ương Nga (CBR) đã cắt giảm lãi suất ba lần sau khi bất ngờ tăng vào hồi tháng 3. 

Các quan chức Moscow khăng khăng rằng nền kinh tế đang trụ vững. Ngân hàng trung ương Nga đã cắt giảm lãi suất thêm 300 điểm cơ bản xuống còn 11% vào hôm 26/5, và có khả năng sẽ hạ dự báo lạm phát năm nay thấp hơn mức 18-23% trước đó.

Chính phủ Nga thực hiện kiểm soát vốn và yêu cầu nhà xuất khẩu phải bán một nửa lượng tiền tệ mạnh thu được đã giúp rouble phục hồi mạnh mẽ, hiện tại ở mức khoảng 66 RUB đổi 1 USD.

Tổng thống Vladimir Putin chào đón sự ra đi của doanh nghiệp nước ngoài và tuyên bố các công ty Nga sẽ nhanh chóng thay thế khoảng trống mà phương Tây đã để lại. Ông tuyên bố rằng Nga không thể bị cô lập khỏi thương mại quốc tế.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều tin rằng nền kinh tế sẽ lành lặn mà thoát khỏi khủng hoảng. Anh Roman, 25 tuổi tại Moscow cho biết cuộc sống của tầng lớp trung lưu không “khác biệt quá lớn” so với trước đây, tuy nhiên đã có nhiều dấu hiệu đáng lo ngại.

“Một điều làm tôi khó chịu … đó là giá cả hàng hóa hằng ngày và thậm chí là rau quả liên tục tăng. Tôi cho rằng đây là dấu hiệu cho những điều tồi tệ hơn sắp tới”, anh nói. “Tình hình thị trường lao động trong lĩnh vực của tôi cũng không được khả quan cho lắm”.

Khủng hoảng cầu

Một vài chỉ báo cho thấy những mối lo của anh Roman là có cơ sở. Tờ nhật báo Kommersant trích dẫn số liệu sơ bộ của Bộ Tài chính cho biết số lượng hóa đơn VAT phản ánh chi tiêu của người dân đã giảm 54% vào tháng 4 so với cùng kỳ.

Bộ trưởng Kinh tế Maxim Reshetnikov nói vào hôm 27/5 rằng đang có một “cuộc khủng hoảng cầu” trong kinh doanh và chi tiêu của người tiêu dùng.

Nga đã ngừng cung cấp đa số dữ liệu về dòng chảy tài chính. Tuy nhiên, số liệu được tổng hợp bởi Ngân hàng trung ương Phần Lan dựa trên dữ liệu hải quan cho thấy nhập khẩu vào Nga đã sụt giảm, cả từ phương Đông lẫn phương Tây.

Xuất khẩu của Trung Quốc sang Nga đã hụt khoảng 1/4 trong tháng 4. Các đơn hàng từ Việt Nam, Hàn Quốc, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc) đã giảm một nửa, Ngân hàng trung ương Phần Lan cho biết.

Bộ Kinh tế cho biết các nhà sản xuất đang thiết lập lại chuỗi cung ứng bị phá hủy bởi các lệnh trừng phạt. Bộ khẳng định rằng 2.000 “doanh nghiệp xương sống” của nền kinh tế có thể tiếp cận với các chương trình cho vay ưu đãi.

Lạm phát của Nga đang ở mức hai con số.

Tuy nhiên, lạm phát vẫn đang ở mức 17%, cao nhất trong vòng hai thập kỷ. Lạm phát cao như vậy có nghĩa là việc tăng 10% lương hưu và lương cơ bản được Tổng thống Putin tuyên bố vẫn không đủ để bù đắp.

Tăng giá có lẽ không phải là vấn đề lớn nhất mà Nga phải đối mặt. Đồng rouble mạnh có thể ngăn cản lạm phát, nhưng sẽ không đủ để bảo vệ nền kinh tế Nga khỏi sự cô lập ngày một lớn hơn.

Ông Reshetnikov cho biết “có nguy cơ Nga sẽ rơi vào vòng xoáy giảm phát, khi mà lượng tiền giảm trong nền kinh tế có thể dẫn tới giảm sản lượng, giảm giá và lặp đi lặp lại”.

Trong khi đó, chi phí tài chính cho chiến dịch quân sự tại Ukraine sẽ tạo áp lực lên ngân sách. Vào ngày 27/5, Bộ trưởng Tài chính Anton Siluanov cho biết Moscow sẽ cần “nguồn tài chính khổng lồ” để phục vụ "chiến dịch quân sự đặc biệt”.

Kích thích kinh tế

Nga đã phải sử dụng tới Quỹ Tài sản Quốc gia với khoảng 110 tỷ USD tài sản thanh khoản để hỗ trợ tiêu dùng. Bộ Kinh tế cho biết tiêu dùng vào năm 2022 đã tăng 22%.

Bộ trưởng Tài chính cho biết Moscow đã dành 8 nghìn tỷ rúp (123 tỷ USD) kích thích cho "hoàn cảnh hiện tại", mặc dù không rõ bao nhiêu trong số đó là tiền mới và trong khoảng thời gian nào.

Tác động của việc doanh nghiệp phương Tây rời đi đối với sản lượng kinh tế và việc làm trong các ngành kinh tế vẫn chưa rõ ràng. Ông Sergei Guriev, giáo sư kinh tế tại Viện nghiên cứu chính trị Paris kỳ vọng rằng ảnh hưởng sẽ được cảm nhận rõ hơn trong vòng vài tháng tới.

“Nỗi đau thực sự vẫn chưa bắt đầu bởi một vài công ty phương Tây rút khỏi Nga vẫn đang trả lương, trong khi số khác tiếp tục sản xuất bằng lượng hàng tồn kho”, ông cho biết.

Về lâu dài, kinh tế Nga có thể sẽ hứng chịu nhiều sóng gió giống như Iran khi bị phương Tây trừng phạt.

Không phải lúc nào các lệnh trừng phạt cũng mang đến kết quả ngay lập tức.

Các nhà kinh tế của Morgan Stanley dự đoán tiêu dùng hộ gia đình ở Nga sẽ giảm 13%, trong khi đầu tư mất khoảng 22%. Nhà kinh tế trưởng của Morgan Stanley phụ trách khu vực này cho biết tốc độ tăng trưởng trong dài hạn của Nga chỉ khoảng 1%/năm.

Triển vọng dường như đang giảm sút đối với các công ty nhỏ hơn của Nga, mặc dù có rất ít cách để đánh giá một cách chính xác vì rất ít dữ liệu chính thức hiện được công bố và các doanh nghiệp không còn phải báo cáo kết quả.

Bà Anastasia Kiseleva, đối tác của một công ty quan hệ công chúng nhỏ ở Moscow, cho biết: “Rất ít công ty muốn lập chiến lược hoặc lập kế hoạch hợp đồng dài hạn, quy mô lớn vào lúc này”.

"Các doanh nghiệp nhỏ sẽ cố gắng tồn tại một cách thuần túy, không phát triển hoặc tạo ra bất kỳ điều gì mới."

Tuy nhiên, chế độ sinh tồn không phải là điều gì mới mẻ đối với nhiều người Nga, những người đã trải qua nhiều cuộc khủng hoảng sâu sắc kể từ khi Liên Xô sụp đổ năm 1991.

"Điều tồi tệ nhất đang ở phía trước", ông Yevgeniy Sheremetov, người điều hành một công ty du lịch gần Hồ Baikal ở Siberia nói. "Nhưng người dân Nga đã quen với khó khăn. Tôi có một ngôi nhà mùa hè, với khoai tây và dưa chuột. Sau những năm 1990, không gì có thể khiến tôi sợ hãi".

Minh Quang