|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tàu sân bay duy nhất của Nga: Món 'đồ chơi' tốn kém nhưng vô dụng

22:13 | 31/05/2022
Chia sẻ
Lịch sử ra đời và quá trình hoạt động đầy tai nạn trắc trở khiến cho "Đô đốc Kuznetsov" - tàu sân bay duy nhất của Nga liên tục phải sửa chữa và nâng cấp. Với tình hình hiện tại, con tàu sẽ khó có thể tham chiến tại Ukraine.

Ra đời muộn màng

Theo hãng thông tấn TASS, sau Thế chiến II, các nhà lãnh đạo Liên Xô không thể thống nhất trong việc đóng và sử dụng tàu sân bay. Một vài chính trị gia, nhà công nghiệp và tư lệnh ủng hộ việc xây dựng một tàu sân bay sử dụng năng lượng hạt nhân có kích thước lớn như lớp Nimitz của Mỹ.

Tuy nhiên, phe đối lập chỉ ra mức chi phí đắt đỏ của việc đóng tàu sân bay, đồng thời ủng hộ xây dựng hạm đội tàu ngầm có nhiều sức răn đe và giá cả hợp lý hơn.

Tàu sân bay duy nhất của Nga nhỏ hơn đáng kể so với các tàu thuộc lớp Nimitz của Mỹ.

Kết quả là, cho đến tận những năm 1980, Hải quân Nga không có tàu sân bay có khả năng mang theo máy bay cất hạ cánh thông thường.

Đô đốc Kuznetsov không phải là tàu sân bay đầu tiên của Hải quân Liên Xô. Minsk, Kiev, Baku và Novorossiysk là tên những con tàu có thể mang máy bay từng phục vụ cho Liên Xô. Tuy nhiên, máy bay mà những tàu này mang theo chỉ là trực thăng hoặc máy bay Yak-38 có khả năng cất hạ cánh thẳng đứng.

Đầu những năm 1970, Liên Xô lên kế hoạch đóng một tàu sân bay lớn, có khả năng hoạt động xa căn cứ. Tàu sân bay mới của Hải quân sẽ mang được máy bay cất hạ cánh bằng cách chạy đà như bình thường, cùng với tên lửa chống hạm P-700 Granit. Do vậy, con tàu được xếp vào nhóm “tàu tuần dương hạng nặng mang máy bay”.

Ban đầu, con tàu dự kiến được đặt tên là Liên Xô. Đến năm 1982, tàu được đổi tên thành Riga - thủ đô của nước cộng hòa Latvia trong Liên bang Xô viết. Cuối năm đó, cái tên lại được đổi thành Leonid Brezhnev để tưởng nhớ Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Liên Xô.

Vào năm 1987, tại thời điểm bắt đầu giai đoạn đổi mới và sau những chỉ trích về thời kỳ đình trệ, con tàu một lần nữa được đổi thành Tbilisi - thủ đô nước cộng hòa Georgia. Kể từ tháng 10/1990, tàu sân bay được gọi là "Đô đốc Hạm đội Liên Xô Kuznetsov" nhằm vinh danh Đô đốc Nikolai Kuznetsov, người đứng đầu Hải quân Liên Xô giai đoạn 1939-1947 và 1951-1955.

Con tàu được hạ thủy tại Xưởng đóng tàu Biển Đen (Mykolaiv, hiện thuộc lãnh thổ Ukraine) vào ngày 1/9/1982. Ngày 21/10/1989, tàu Đô đốc Kuznetsov được đưa ra Biển Đen, và thử nghiệm bay. Đến ngày 20/1/1991, con tàu chính thức gia nhập Hạm đội Phương Bắc của Hải quân Liên Xô.

Xưởng đóng tàu Biển Đen tại thành phố Mykolaiv, Ukraine. (Ảnh: Smart-Maritime).

Vụ trộm thế kỷ

Theo tổ chức phi lợi nhuận Trung tâm Đánh giá và Dự báo Chiến lược (CSEF), vào ngày 24/8/1991, Ukraine được công nhận là một quốc gia độc lập. Liên Xô thông qua một Đạo luật xác định rằng tất cả những đơn vị quân sự nằm trên thổ Ukraine sẽ được Kiev kế thừa.

Tháng 11/1991, tàu Đô đốc Kuznetsov đang được thử nghiệm tại Feodosiya trên bán đảo Crimea. Tổng thống Ukraine đương thời, ông Leonid Kravchuk đã gửi một bức điện tới thuyền trưởng, tuyên bố con tàu là tài sản của Ukraine và yêu cầu ở lại cảng Sevastopol cho đến khi chính phủ ra quyết định cuối cùng.

Tuy nhiên, Phó Chỉ huy thứ nhất của Hạm đội phương Bắc, ông Yuri Ustimenko đã bay đến Ukraine ngay lập tức và yêu cầu con tàu nhổ neo đi tới Severodvinsk, Nga.

Vào lúc 23h40 ngày 1/12/1991, khi đèn điều hướng tắt, con tàu rời bến cảng và dành hơn ba tuần để đi đến căn cứ cuối cùng mà không có bất kỳ máy bay nào và thiếu 2/3 thủy thủ đoàn, những người đang nghỉ phép vào thời điểm đó. Sau khi đi từ Biển Đen ra Biển Địa Trung Hải, Đại Tây Dương và vòng lên Bắc Băng Dương, vào ngày 27/12/1911, tàu Đô đốc Kuznetsov đã thả neo tại cảng Severodvinsk.

Có thể nói, tàu Đô đốc Kuznetsov đã may mắn hơn nhiều so với những chị em của mình. Những tàu chiến cỡ lớn khác mà Ukraine kế thừa từ Liên Xô sau đó hoặc được bán, hoặc được phá dỡ.

Tàu tuần dương hạng nặng mang máy bay Kiev được Ukraine bán cho một doanh nhân Trung Quốc, sau đó chuyển đổi mục đích sử dụng thành khách sạn.

Tàu sân bay “Varyag” đã hoàn thành khoảng 2/3 cũng được bán cho Trung Quốc với mức giá chỉ 20 triệu USD. Sau đó, con tàu được hoàn thiện trở thành Liêu Ninh 1 vào năm 2012.

Đáng tiếc nhất có lẽ là dự án tàu sân bay hạt nhân “Ulyanovsk” với khối lượng giãn nước dự kiến 85.000 tấn tại xưởng đóng tàu Mykolaiv đã bị cắt thành sắt vụn do không thể hoàn thiện.

Tàu sân bay Liêu Ninh 1 của Trung Quốc dựa trên phần thân gần hoàn thiện của con tàu “Varyag”. (Ảnh: Reuters).

Con tàu đen đủi

Có lẽ ít có con tàu nào lại gặp nhiều sự đen đủi như Đô đốc Kuznetsov. Mặc dù thoát khỏi cảnh bị bán hoặc tháo dỡ làm sắt vụn như những người chị em của mình, con tàu vẫn không ngừng gặp phải vận rủi.

Theo Business Insider, tàu Đô đốc Kuznetsov bị hỏng nhiều tới mức luôn phải có tàu sửa chữa và tàu kéo đồng hành trong các chuyến hải trình. Vào năm 2009, ngoài khơi bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ, một vụ hỏa hoạn đã làm một thuyền viên thiệt mạng. Cùng năm đó, con tàu gặp sự cố khiến 300 tấn dầu tràn ra bờ biển Ireland.

Lần triển khai trong nhiệm vụ chiến đấu duy nhất của tàu Đô đốc Kuznetsov tại Syria năm 2016 đã diễn ra không hề êm đẹp. Hai máy bay chiến đấu đã lao xuống nước sau khi không thể hạ cánh vì lỗi dây hãm. Một chiếc bay lòng vòng trên trời trong hơn một giờ đồng hồ nhưng sự cố dây hãm vẫn chưa khắc phục xong, phi công phải nhảy dù và cho máy bay rơi xuống biển.

Vụ việc đã buộc số máy bay còn lại của phi đội trên tàu phải chuyển đến Căn cứ Không quân Khmeimim ở Syria.

Khi đang được sửa chữa vào năm 2018, một vụ tai nạn hy hữu khiến ụ nổi PD-50 chìm xuống đáy biển và chiếc cần cẩu 70 tấn đổ sập gây hư hỏng sàn đáp. Vụ việc này cũng khiến một công nhân thiệt mạng và 4 người khác bị thương.

Cần cẩu 70 tấn của ụ nổi PD-50 đổ xuống khiến một công nhân thiệt mạng và 4 người khác bị thương. (Ảnh: Nikolay Zhuravlev/Sputnik).

Hai công nhân đã thiệt mạng cùng 11 người khác bị thương vào năm 2019 do hỏa hoạn trong phòng máy sau một tai nạn hàn. Hải quân Mỹ thậm chí còn từng nghĩ rằng con tàu sân bay sẽ chìm ở Địa Trung Hải.

Hiện tại, tàu Đô đốc Kuznetsov đang được cập cảng để hiện đại hóa. Biến thể trên tàu sân bay MiG-29K sẽ thay thế cho máy bay Su-33. Số máy bay sẽ được tăng từ 24 lên 26 máy bay. Tên lửa hành trình mới sẽ được triển khai. Hệ thống điện tử và thông tin liên lạc tiên tiến sẽ được bổ sung. 

Theo TASS, dự kiến con tàu sẽ quay trở lại phục vụ vào nửa đầu năm 2023.

Khó tham chiến tại Ukraine

Với việc liên tục gặp tai nạn và phải sửa chữa cho tới năm 2023, tàu Đô đốc Kuznetsov sẽ khó có thể tham chiến tại chiến trường Ukraine. Kể cả trong trường hợp cuộc xung đột kéo dài, ít có khả năng Nga sẽ điều động tàu sân bay duy nhất của mình xuống Biển Đen.

Theo Foregin Policy, kể từ cuối tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố đóng cửa hoàn toàn eo biển Bosporus với các loại tàu chiến của Nga, ngoại trừ trường hợp trở lại cảng xuất phát. Tàu sân bay của Nga mặc dù được loại trừ khỏi công ước Montreux nhưng lệnh cấm mới của Ankara sẽ khiến Đô đốc Kuznetsov không thể tới Biển Đen.

Ngoài ra, sau sự kiện chìm soái hạm Moskva của Hạm đội Biển Đen, chắc chắn Nga sẽ cần cẩn thận hơn, đặc biệt với tàu sân bay duy nhất của mình.

Điều khiến tàu Đô đốc Kuznetsov gặp nhiều tai nạn và vận xui như vậy đến từ năng lực ngành đóng tàu của Moscow. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga không còn những cảng đóng tàu đủ sức sửa chữa và đóng mới các tàu sân bay có kích thước lớn như Đô đốc Kuznetsov.

Cảng nước ấm duy nhất có đủ khả năng đóng mới những tàu có kích thước như Đô đốc Kuznetsov lại nằm tại Mykolaiv, Ukraine. Với tình hình cuộc xung đột hiện nay, kể cả nếu Nga kiểm soát được khu vực này thì cũng không thể nào nhanh chóng khôi phục lại ngành công nghiệp đóng tàu như thời Liên Xô.

Nga có mức chi tiêu quốc phòng đứng thứ 5, trong khi tiềm lực quân sự đứng thứ 2 thế giới nên cần phải ưu tiên một số lĩnh vực quốc phòng.

Mặc dù là quốc gia có tiềm lực quân sự lớn thứ hai trên thế giới, nhưng chi tiêu quốc phòng của Moscow chưa bằng 1/10 so với Mỹ, quốc gia đang vận hành 11 tàu sân bay. 

Sức mạnh quân sự của Nga chủ yếu đến từ những vũ khí, trang bị được thừa hưởng từ thời Liên Xô và tới nay đều cần được hiện đại hóa. Với mức chi tiêu quốc phòng nhỏ hơn nhiều so với thời Liên Xô, Moscow phải ưu tiên một số lĩnh vực, ví dụ như tên lửa chiến lược, phòng không, không quân và tàu ngầm.

Ngoài một số vụ tai nạn đáng tiếc, vấn nạn tham nhũng ở Nga cũng góp phần làm ảnh hưởng tới hoạt động của con tàu sân bay. Vào tháng 3/2021, ông Yevgeny Zudin, Tổng giám đốc Nhà máy đóng tàu số 10 ở Polyarny, bị bắt vì tình nghi trộm cắp 45 triệu rúp (tương đương 600.000 USD) được phân bổ để sửa chữa Tàu chiến Hạm đội Phương Bắc của Hải quân Nga.

Minh Quang

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.