|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ai mới thực sự có quyền định đoạt cục diện chiến sự tại Ukraine?

15:24 | 30/05/2022
Chia sẻ
Quyết quyết định kết cục của cuộc chiến tại Ukraine không thực sự nằm trong tay Kiev, trái lại vận mệnh của quốc gia Đông Âu phụ thuộc hoàn toàn vào Nga và phương Tây.

Chia sẻ với truyền thông, Tổng thống Volodymyr Zelensky từng khẳng định rằng cuộc chiến ở Ukraine sẽ được định đoạt trên chiến trường, nhưng chỉ có thể kết thúc thông qua đàm phán.

Khi nào Nga và Ukraine ngừng giao tranh và theo điều kiện gì thì phương Tây nói rằng quyền quyết định là ở Ukraine. Tuy nhiên, khi chiến sự đã kéo dài hơn ba tháng, các nước phương Tây lại chứng tỏ mình mới nắm quyền định đoạt kết cục của cuộc chiến.

Hai phe chủ chốt

Theo lời ông Ivan Krastev, chuyên gia thuộc Trung tâm Chiến lược Tự do, phương Tây đang chia thành hai phe lớn. Một bên ủng hộ hòa bình, muốn ngừng giao tranh và bắt đầu đàm phán càng sớm càng tốt. Bên còn lại muốn đòi công lý, cho rằng Nga phải trả giá đắt cho hành động gây hấn của họ.

Lập luận của phe đầu chủ yếu xoay quanh vấn đề lãnh thổ của Ukraine: chấp nhận cho Nga giữ các khu vực mà họ chiếm được từ đầu cuộc chiến đến nay; hoặc buộc Nga trở lại vạch xuất phát ngày 24/2; hoặc đẩy lùi quân đội Nga, qua đó giúp Ukraine khôi phục các vùng đất bị Moscow chiếm đóng từ năm 2014.

Cuộc tranh luận của phe hòa bình còn liên quan đến nhiều điểm khác, chẳng hạn như tổn thất, rủi ro và lợi ích nếu kéo dài chiến sự; hoặc vị trí của Nga trong khuôn khổ châu Âu, tờ Economist liệt kê thêm.

Phe hòa bình đang nỗ lực hành động. Đức kêu gọi hai nước Liên Xô cũ ngừng bắn; Italy đề xuất một thỏa thuận chính trị gồm 4 giai đoạn; Pháp đề cập đến một thỏa thuận hòa bình mà không gây “sỉ nhục” cho Nga. Tuy nhiên, Ba Lan và các nước vùng Baltic, dẫn đầu là Anh, vẫn đang phản đối.

(Ảnh minh họa: Economist/AFP/DPA/Getty Images/Reuters/PA).

Còn Mỹ thì theo phe nào? Nước hậu thuẫn quan trọng nhất của Ukraine vẫn chưa vạch ra quan điểm rõ ràng, ngoại trừ ra tay hỗ trợ để Kiev có vị thế thương lượng vững chắc hơn. Cho đến nay, Washington đã chi gần 14 tỷ USD cho cuộc chiến và Quốc hội vừa phân bổ thêm 40 tỷ USD khác.

Mỹ cũng kêu gọi viện trợ quân sự cho Ukraine từ hơn 40 quốc gia khác. Tuy nhiên, sự giúp đỡ của chính quyền Tổng thống Joe Biden không phải là không giới hạn. Mỹ quả thực có cung cấp đạn dược cho Ukraine, nhưng không phải các hệ thống tên lửa tầm xa mà Kiev cần.

Loạt bình luận của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin càng làm tăng thêm sự mơ hồ, Economist lưu ý. Sau khi đến thăm Kiev vào tháng trước, ông đã ủng hộ phe công lý, khẳng định phương Tây nên giúp Ukraine giành “chiến thắng” và “làm suy yếu” Nga.

Ba tuần sau, dường như ông Austin đã chuyển qua phe ủng hộ hòa bình, kêu gọi “ngừng bắn ngay lập tức” sau một cuộc điện đàm cùng người đồng cấp Nga Sergei Shoigu. Lầu Năm Góc lại khẳng định lập trường chính sách của Mỹ không đổi.

Một đòn khác giáng vào lập luận của phe ủng hộ công lý là bài xã luận trên tờ New York Times của cựu Ngoại trưởng Henry Kissinger.

Ông nói đánh bại Nga là một suy nghĩ phi thực tế và nguy hiểm. Theo lời vị cựu ngoại trưởng, các bên nên tiến hành đàm phán trong vòng hai tháng tới để tránh “những biến động và căng thẳng khó có thể giải quyết trong tương lai”.

Tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos tuần trước, ông Kissinger nói thêm, lý tưởng nhất là đưa mọi thứ trở về mốc 24/2; ngược lại, theo đuổi “một cuộc chiến kéo dài không thể mang lại hòa bình cho Ukraine, mà còn khơi mào cuộc chiến mới với Nga”.

Cựu Ngoại trưởng Kissinger cho rằng Nga đang giữ một vai trò quan trọng trong cán cân quyền lực của châu Âu và các nước không nên đẩy Moscow vào một “liên minh vĩnh viễn” với Trung Quốc.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ra thăm chiến trường. (Ảnh: Getty Images).

Quyền quyết định không nằm trong tay Ukraine

Hiện tại, những rạn nứt giữa các chính phủ phương Tây đang được che đậy bằng lập luận rằng tương lai là do Ukraine định đoạt. Tuy nhiên, các lựa chọn của Ukraine lại phụ thuộc bởi những gì phương Tây cung cấp.

Tại một cuộc họp ở Davos, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh: “Châu Âu và thế giới nói chung nên đoàn kết. Chúng tôi sẽ trụ vững nếu các bạn đoàn kết”. Nhà lãnh đạo nói “Ukraine sẽ chiến đấu cho đến khi giành lại được tất cả vùng lãnh thổ đã mất”.

Tuy nhiên, dường như ông Zelensky cũng chừa đường để thỏa hiệp với Nga. Ông bày tỏ, các cuộc đàm phán với Moscow có thể bắt đầu sau khi quân đội Nga rút về vị trí của mình trước ngày động binh 24/2.

Mỹ, châu Âu và Ukraine sẽ phải tiếp tục điều chỉnh lập trường theo những gì các bên còn lại kỳ vọng. “Ukraine đàm phán với các đối tác phương Tây còn hơn những gì họ trao đổi với người Nga”, nhà phân tích Olga Oliker của viện chính sách Crisis Group cho hay.

Thái độ lập lờ của các bên cũng phản ánh những bất ổn của cuộc chiến. Liệu Ukraine có thể chiến thắng hay không, khi mà họ đã giữ vững Kiev và đẩy lùi Nga khỏi Kharkiv; hay Ukraine đang thua vì Nga đã chiếm được Mariupol và có thể sớm bao vây Severodonetsk?

Phe ủng hộ hòa bình lo ngại rằng giao tranh càng kéo dài, thiệt hại về người và của đối với Ukraine cũng như phần còn lại của thế giới càng lớn. Phe đòi công lý phản bác rằng các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga chỉ mới bắt đầu có tác dụng, đồng thời Ukraine có thể thắng khi cuộc chiến tiếp tục và vũ khí tối tân tới tay nước này.

Đằng sau những lập luận trên là hai nỗi lo trái ngược nhau. Một là quân đội Nga vẫn còn rất mạnh và sẽ chiếm ưu thế nếu cuộc chiến trở nên khốc liệt hơn. Hai là nếu bị dồn vào đường cùng, Nga có thể tấn công NATO hoặc sử dụng vũ khí hóa học hoặc thậm chí vũ khí hạt nhân để tránh bị thua cuộc.

Hiện tại, Ukraine có vẻ vẫn còn lý do để lạc quan. Họ đã đẩy lùi cuộc tấn công của quân đội Nga và vũ khí do phương Tây cung cấp vẫn xuất hiện trên tiền tuyến.

Song, phát biểu trước truyền thông, ông Mykhailo Podolyak - trưởng đoàn đàm phán của Tổng thống Zelensky, cho biết ông ngày càng lo ngại về “sự yếu mềm” của một số nước châu Âu.

“Họ không nói trực tiếp, nhưng dường như họ đang muốn chúng tôi đầu hàng Nga”, ông Podolyak nói. Ngoài ra, vị quan chức cũng phàn nàn về “sức ì” của Washington: vũ khí không đến đủ số lượng mà Ukraine cần.

Ông Volodymyz Fesenko, một nhà phân tích chính trị ở Kiev, cho hay: “Điều nghịch lý là hai bên vẫn tin họ có thể chiến thắng. Chỉ khi họ thực sự bế tắc và nhận ra điều đó, thì các cuộc đàm phán mới có thể xảy ra”.

Khả Nhân

Bậc thầy đầu tư: Michael Burry, người đàn ông ‘độc nhãn’ nhìn thấu cuộc khủng hoảng nhà đất Mỹ
Michael Burry là một thiên tài dị biệt, rất dở trong việc nói chuyện với mọi người nhưng rất giỏi phát hiện các cơ hội trong thị trường tài chính. Ông là một trong những người hiếm hoi phát hiện sớm cuộc khủng hoảng trong thị trường nhà đất Mỹ và lãi đậm từ sự kiện đó.