Đại sứ Ukraine trách Đức chậm trễ trong viện trợ vũ khí
Theo RT, Đại sứ Ukraine tại Đức, ông Andrey Melnik đã đăng tải một hình ảnh trên trang Twitter cá nhân hàm ý rằng Đức quá chậm trễ trong việc gửi vũ khí tới Ukraine. Ông Melnik đã từng nhiều lần có những động thái tương tự với Đức.
Vào ngày 26/5, ông Melnik đăng tải hình ảnh một con sên với viên đạn được dính lên trên vỏ, cùng dòng chữ “Vũ khí Đức đang trên đường tới Ukraine”. Ông viết một cách châm biếm: “Pff. Nga không được thắng cuộc chiến này”.
Tuần trước, Bộ Quốc phòng Đức tuyên bố sẽ chuyển 15 hệ thống phòng không di động Gepard vào tháng 7, cùng 59.000 viên đạn và huấn luyện cho phía Ukraine. Vào tháng 4, Đức đồng ý và chi trả cho Krauss-Maffei Wegmann, nhà sản xuất của Gepard để gửi 50 hệ thống tới Ukraine.
Berlin cũng gửi nhiều tên lửa chống tăng và 7 hệ thống lựu pháo tự hành tới Ukraine. Tuy nhiên, thỏa thuận về việc chuyển ít nhất xe tăng Leopard 1 cho Kiev đã không thành công, do thiếu đạn dược và phụ tùng.
Ông Melnik cảm ơn lô Gepard, nhưng cho rằng Đức thiếu "trí tưởng tượng và lòng dũng cảm" khi không gửi nhiều vũ khí hạng nặng hơn.
Trong một bài phỏng vấn với tờ báo Bild của Đức, vị Đại sứ đã yêu cầu 88 xe tăng Leopard, 100 xe chiến đấu bộ binh Marder và nhiều lựu pháo tự hành. Ông cũng kêu gọi Berlin thông qua một đạo luật tương tự như “Lend-Lease” của Mỹ, cho phép cung cấp vũ khí và đạn dược không giới hạn cho Ukraine.
Gần đây, khi Thủ tướng Olaf Scholz nhấn mạnh rằng Đức phải cố gắng “tránh xung đột vũ trang trực tiếp với Nga”, ông Melnik nói với tờ Bild rằng Berlin “rất giỏi trong việc đưa ra những lời bào chữa vô lý cho việc không hành động gì”.
Theo DW, Kiev đã nói với Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier vào tháng 4 rằng ông “không được chào đón” do từng có quan hệ nồng ấm với Moscow.
Thủ tướng Scholz gọi động thái này của Kiev là “không thể chấp nhận được khi nói với một Tổng thống từ đất nước đã hỗ trợ quân sự và tài chính nhiều đến như vậy rằng ông ấy không được chào đón”.
Thay vì hạ nhiệt căng thẳng, Đại sứ Melnik tuyên bố rằng ông Scholz hành xử như “một miếng xúc xích gan giận giữ”.
“Nghe có vẻ không giống một chính khách cho lắm khi cư xử như một 'beleidigte Leberwurst' [xúc xích gan giận dữ]”, ông nói với hãng thông tấn DPA. Thuật ngữ “beleidigte Leberwurst” dùng để chỉ những người có tâm hồn mỏng manh và dễ cáu kỉnh.
Mặc dù Thủ tướng Scholz khẳng định sẽ không “phản ứng thái quá” với phát biểu của Đại sứ Ukraine, nhiều nghị sĩ Đức đã phàn nàn và thậm chí đòi trục xuất ông Melnik.
Đại sứ Melnik cũng từng chế nhạo CEO hãng xe hơi Volkswagen vì đã thúc giục Ukraine và Nga thương lượng hòa bình. Ông gọi việc Đức phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng của Nga là "đáng xấu hổ" và mô tả lời mời đến một buổi hòa nhạc tại tư dinh của Tổng thống Steinmeier vào tháng 3 là "một sự sỉ nhục" do trong buổi tiệc có các nghệ sĩ Nga biểu diễn.
NATO “chẳng làm gì cả”
Theo The Guardian, vào hôm 26/5 tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), Ngoại trưởng Ukraine, Dmytro Kuleba tố cáo NATO “không làm gì cả” khi Nga tấn công Ukraine.
Ông Kuleba ca ngợi EU vì quyết định “mang tính cách mạng” trong việc hỗ trợ Kiev, nhưng đồng thời cho rằng liên minh quân sự NATO “hoàn toàn đứng ngoài cuộc”.
“NATO với tư cách là một liên minh, một tổ chức đã hoàn toàn đứng ngoài cuộc và không làm gì cả. Tôi rất tiếc phải nói điều này”, ông phát biểu tải WEF.
Ông cho biết trong thời gian đầu của cuộc xung đột, “công chúng tưởng rằng NATO là lực lượng mạnh mẽ còn EU chỉ biết quan ngoại”. “Tuy nhiên, xung đột là là lúc mà mặt nạ được lột trần”, ông nói thêm. Ngoại trưởng Kuleba đồng ý rằng một vài thành viên NATO “đang giúp đỡ Ukraine” nhưng cả khối không có chiến lược nào nhất quán.
Ông cũng phủ nhận tuyên bố của Moscow về việc sẵn sàng cung cấp một hành lang nhân đạo cho phép tàu chở lương thực rời khỏi Ukraine đổi lại việc dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt. Ngoại trưởng Kuleba tuyên bố tại Davos: “Bạn sẽ không thể tìm thấy một ví dụ tốt hơn về hành vi tống tiền trong quan hệ quốc tế”.
“Nếu ai tin tưởng vào lời hứa của Nga, tôi nghĩ họ có vấn đề", ông nói.