|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

'Thuốc thử liều cao' đối với nền kinh tế đầu tàu châu Âu

04:17 | 22/08/2023
Chia sẻ
Sau nhiều tháng giá thành sản xuất hàng hóa nói chung ở Đức luôn ở mức cao, lần đầu tiên giá thành đã giảm mạnh trở lại.

Giá thành sản xuất đang trở thành vấn đề của nền kinh tế Đức. (Ảnh: ING Think).

Theo số liệu của Cơ quan thống kê liên bang Đức (Destatis), giá thành sản xuất hàng hóa, sản phẩm thương mại tại nước này trong tháng 7/2023 đã giảm 6% so với cùng tháng năm ngoái. Nếu so với tháng Sáu trước đó, giá thành sản xuất đã giảm 1,1%.

Đây là lần giảm đầu tiên kể từ tháng 11/2020 và là lần giảm mạnh nhất kể từ tháng 10/2009 sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Tuy vậy, Destatis cũng cho biết sự sụt giảm mạnh này một phần do giá thành sản xuất đã tăng chóng mặt sau khi xung đột tại Ukraine (U-crai-na) bùng nổ hồi cuối tháng 2/2022. Sau hơn 1 năm diễn ra xung đột, giá năng lượng và hàng hóa, sản phẩm trung gian như kim loại, gỗ... hiện đã trở nên rẻ hơn đáng kể.

Giá năng lượng nói chung trong tháng Bảy giảm 19,3% so với cùng kỳ năm ngoái và giảm 2,5% so với tháng Sáu. Trong đó, giá điện giảm mạnh nhất, tới 30% theo năm và có tác động lớn nhất đến tốc độ giảm giá năng lượng. Giá khí đốt tự nhiên giảm thấp hơn, ở mức 16,2% còn giá xăng dầu giảm 16,6%.

Giá hàng hóa trung gian cũng giảm 3,4% so với một năm trước đó và giảm 1% so với tháng Sáu. Điều này chủ yếu là do giá kim loại giảm mạnh. So với tháng 7/2022, giá kim loại giảm trung bình 10,5%. Trong đó, giá gang, thép và hợp kim giảm 17,7%, thép cây giảm 39,2%.

Giá phân bón và hợp chất đạm (giảm 36,1%), gỗ (giảm 28,9%) cũng giảm rất mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.

Mặc dù vậy, giá hàng tiêu dùng vẫn tăng mạnh, chủ yếu do thực phẩm tăng giá. Giá hàng tiêu dùng không lâu bền trong tháng 7/2023 tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó thực phẩm tăng 9,2%. Giá hàng hóa lâu bền cũng tăng 5,8%, đặc biệt là đồ nội thất và đồ gia dụng tăng mạnh.

Giá tư liệu sản xuất cũng tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó máy móc tăng 6,7%, phương tiện có động cơ và phụ tùng xe cơ giới tăng 5,1%.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nền kinh tế đầu tàu châu Âu sẽ vẫn phải đối mặt với nguy cơ suy thoái trong thời gian dài sắp tới. Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu Đức cũng thừa nhận, các chỉ số kinh tế hàng đầu hiện tại vẫn chưa cho thấy sự phục hồi kinh tế bền vững trong những tháng tới. Hiện tại, số người thất nghiệp và số doanh nghiệp phá sản đang tiếp tục tăng lên, báo hiệu nền kinh tế Đức còn gặp rất nhiều khó khăn.

Vũ Tùng

Khối ngoại chưa dừng bán ròng tuần VN-Index hồi phục
Bất chấp xu hướng hồi phục của TTCK, NĐT nước ngoài đẩy mạnh bán ròng gần 5.200 tỷ đồng trên HOSE. Điểm sáng là trong phiên cuối tuần khối ngoại đảo chiều mua ròng nhẹ hơn 31 tỷ đồng. Đây là phiên mua ròng đầu tiên sau 21 ngày bán ròng liên tiếp.