|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Tại sao Nga sa lầy ở Ukraine dù binh lực mạnh gấp nhiều lần?

21:36 | 20/03/2022
Chia sẻ
Nga được coi là siêu cường quân sự số 2 thế giới nhưng lại đang bế tắc trước Ukraine xếp thứ 22. Hậu cần là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất.
Tại sao Nga sa lầy ở Ukraine dù binh lực mạnh gấp nhiều lần? - Ảnh 1.

Tổ chức GlobalFirepower đánh giá Nga là nước có quân đội mạnh thứ 2 thế giới, chỉ sau Mỹ. Trong khi đó, Ukraine chỉ đứng thứ 22, xếp sau Israel, Tây Ban Nha, Arab Saudi, Australia, Đức, …

Xét theo mọi tiêu chí, từ số lượng quân thường trực cho tới khí tài của các đơn vị hải, lục, không quân, Nga đều trên cơ Ukraine gấp nhiều lần.

Khi cuộc xung đột chưa nổ ra, có lẽ không ai dám nghĩ rằng Ukraine lại có thể cầm cự trước quân Nga tới hơn ba tuần, và có khả năng còn lâu hơn nữa.

Trong ngày đầu giao tranh, tình báo Phương Tây đã lo sợ thủ đô Kiev của Ukraine sẽ rơi vào tay Nga trong vài giờ. Thực tế hiện nay, Ukraine vẫn kiểm soát hầu hết các thành phố lớn và đà tiến của Nga đã bị chặn ở nhiều nơi.

Tại sao Nga sa lầy ở Ukraine dù binh lực mạnh gấp nhiều lần? - Ảnh 2.

Một trong những nguyên nhân quan trọng nhất lý giải cho tình trạng bế tắc của quân đội Nga là hậu cần.

Tầm quan trọng của hậu cần trong chiến tranh là không thể xem nhẹ. Đại tướng John J. Pershing, Tư lệnh Lực lượng Viễn chinh Mỹ ở mặt trận phía tây trong Thế chiến thứ I, từng nói: "Bộ binh có thể thắng vài trận đánh, nhưng phải có hậu cần mới thắng được cả cuộc chiến tranh".

6 thập kỷ sau, Đại tướng Robert H. Barrow, Tư lệnh Thủy quân Lục chiến Mỹ, nói ý tương tự: "Bọn nghiệp dư ngồi bàn chiến thuật, dân chuyên nghiệp nói chuyện hậu cần".

Nếu hệ thống tiếp tế lương thực, đạn dược, nhiên liệu, … bị cắt đứt, dù có bao nhiêu binh lính, súng ống, thiết giáp, máy bay, … cũng vô dụng.

Khi quân Nga không có đường sắt

Do diện tích đất liền rộng lớn và dân cư thưa thớt nên Nga chú trọng phát triển hệ thống đường sắt để vận chuyển hàng hóa đường dài. Từ khi ra đời đến nay, đường sắt luôn là phương thức vận tải trên bộ nhanh nhất và có chi phí thấp nhất.

Tờ Forbes cho biết nhà nước Nga sở hữu 20.000 trong tổng số 21.000 đầu máy xe lửa, nắm giữ 66.000 toa tàu các loại.

Hệ thống đường sắt đóng vai trò quan trọng trong việc đưa khoảng 175.000 binh sĩ Nga cùng toàn bộ các vũ khí, khí tài và vật tư quân sự cần thiết tới giáp biên giới với Ukraine.

Tất nhiên Ukraine hiểu rõ đặc điểm này của quân đội Nga nên khi xung đột bắt đầu, quân đội Ukraine đã cho nổ tung các tuyến đường sắt trên hướng tiến công của Nga.

Hôm 26/2, tức chỉ hai ngày sau khi Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố khơi mào "chiến dịch quân sự đặc biệt", công ty đường sắt nhà nước của Ukraine thông báo: "Hệ thống đường sắt từng vận chuyển hàng hóa trị giá hàng triệu USD giữa Nga và Ukraine đã bị phá hủy".

Tại sao Nga sa lầy ở Ukraine dù binh lực mạnh gấp nhiều lần? - Ảnh 3.

Nga và Ukraine – hai nước từng sống chung dưới mái nhà Liên Xô - đều không xa lạ gì với chiến lược "tiêu thổ kháng chiến" này. Trong giai đoạn đầu của Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại (1941 – 1942), Hồng quân Liên Xô thường xuyên phá hủy đường sắt mỗi khi rút lui.

Khi Hồng quân chuyển sang phản công (1943 – 1945), phát xít Đức cũng phá hỏng hệ thống đường ray và ga tàu để làm chậm bước tiến của Liên Xô.

Quay lại năm 2022, khi không thể sử dụng đường sắt, Nga phải tìm kiếm các phương tiện vận tải khác để duy trì chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Phương án đầu tiên được nghĩ đến là đường hàng không. Trong ngày đầu tiên của chiến dịch, hàng chục máy bay trực thăng Nga đã đưa binh lính đổ bộ xuống sân bay Hostomel ở gần thủ đô Kiev và kiểm soát căn cứ quan trọng này.

Những ngày sau đó, Nga có thể đưa quân đội đến ngay trước cửa ngõ của Kiev và tấn công thẳng vào "đầu não lãnh đạo" của Ukraine. Chính việc Nga chiếm được Hostomel đã khiến Phương Tây lo ngại và dự báo Kiev sắp thất thủ đến nơi. Ukraine nắm rõ tầm quan trọng của sân bay này nên đã điều động Lữ đoàn Phản ứng nhanh số 4 đến chiếm lại.

Về sau, Nga một lần nữa chiếm được sân bay Hostomel nhưng cũng không thể vận tải quy mô lớn bằng đường hàng không do Ukraine vẫn còn nhiều vũ khí phòng không.

Việc Nga thất bại trong việc phá hủy triệt để các cơ sở radar – tên lửa của đối phương khiến cho vùng trời Ukraine hiện nay vẫn đang trong tình trạng tranh chấp. Không quân Nga có ưu thế nhưng không phải tuyệt đối, máy bay Ukraine đôi lúc vẫn cất cánh và tấn công lực lượng mặt đất của Nga.

Các tên lửa phòng không Stinger do Mỹ và châu Âu viện trợ cho Ukraine cũng gây ra cản trở lớn đối với không quân Nga.

Vắng bóng xe tải

Khi vận tải hàng không bất thành và kế hoạch nhanh chóng chiếm Kiev thất bại, Nga buộc phải sử dụng tới xe tải để tiếp tế cho đội quân.

Vấn đề là Nga không có đủ xe tải để phục vụ 175.000 binh sĩ. Bên cạnh đó, xe tải có tầm hoạt động tương đối ngắn, tốc độ chậm, tiêu hao nhiều nhiên liệu và rất dễ bị tấn công.

Trung tá Alex Vershinin của Lục quân Mỹ ước tính quân đội Nga chỉ có khoảng 4.000 xe tải thuộc 10 lữ đoàn hỗ trợ hậu cần.

Quân Nga sử dụng lượng lớn pháo phản lực nhiều nòng và mỗi xe tải chỉ chở đủ tên lửa cho một dàn pháo bắn một lần. Chỉ riêng nhiệm vụ tiếp đạn cho các hệ thống pháo phản lực đã chiếm mất một nửa lượng xe tải của quân đội Nga, chưa kể nhu cầu chở nhiên liệu, thực phẩm, đạn được cho các đơn vị khác.

"Quân đội Nga không có đủ xe tải để đáp ứng nhu cầu hậu cần ở cự ly ngoài 90 dặm (144 km) tính từ kho quân nhu", Trung tá Vershinin nhận định.

Hệ thống pháo phản lực của Nga. (Ảnh: TASS, Sputnik).

Đây cũng không phải là lần đầu tiên Nga thiếu xe tải. Trong Thế chiến thứ II, Liên Xô dồn sức sản xuất xe tăng, súng ống và đạn dược nên không còn đủ nguồn lực để chế tạo các loại phương tiện khác.

May thay, khi đó Mỹ là đồng minh của Liên Xô và đã viện trợ 200.000 chiếc xe tải Studebaker loại 2,5 tấn thông qua chương trình Lend-Lease. Nhiều binh sĩ và chỉ huy Liên Xô tin rằng những chiếc Studebaker của Mỹ có vai trò quan trọng không kém gì xe tăng T-34 trong chiến thắng trước phát xít Đức.

Ngày nay, Mỹ kịch liệt lên án hành động quân sự của Nga ở Ukraine, Tổng thống Mỹ Joe Biden gọi ông Putin là "tội phạm chiến tranh" nên sẽ không có chuyện Mỹ gửi xe tải đến giúp Nga.

Bùn lầy khắp nơi

Sau khi Olympic mùa đông Bắc Kinh bế mạc hôm 20/2, Nga mới bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine vào rạng sáng 24/2. Có thể ông Putin kỳ vọng quân đội Nga sẽ nhanh chóng chiến thắng chỉ trong vài ngày.

Thực tế là quân Ukraine kháng cự quyết liệt, giao tranh đã kéo dài suốt gần một tháng qua. Băng tuyết trên các cánh đồng tan vào đầu mùa xuân khiến cho mặt đất từ đông cứng biến thành bùn nhão. Xe cộ của Nga gần như chỉ có có thể di chuyển trên các con đường trải nhựa, dễ bị chặn đánh.

Tại sao Nga sa lầy ở Ukraine dù binh lực mạnh gấp nhiều lần? - Ảnh 7.

Đoàn xe quân sự Nga nối đuôi nhau trên con đường dài 64 km gần thủ đô Kiev, nhìn từ vệ tinh ngày 28/2/2022. (Ảnh: Maxar Technologies, Reuters).

Tờ Washington Post trích dẫn hình ảnh từ vệ tinh của Planet Labs PBC và nhiều nhà nghiên cứu cho thấy Ukraine đã cố tình xả nước từ Hồ chứa nước Kiev để làm ngập cả một vùng rộng lớn, gây thêm khó khăn cho việc di chuyển của quân Nga.

Gần thủ đô Kiev, đoàn xe quân sự Nga nối đuôi nhau trên một con đường dài 64 km cũng vì không còn đường đi nào khác. Đoàn xe đứng im trong suốt ba tuần liền vì thiếu nhiên liệu, thực phẩm, đạn dược.

Quân Ukraine bắt được nhiều xe tăng và thiết giáp còn nguyên vẹn bị quân Nga bỏ lại do hết dầu, lính Nga vào nhà dân để kiếm đồ ăn.

Mắt xích yếu nhất bị tấn công không ngừng

Các tướng lĩnh Ukraine hiểu rõ hậu cần chính là mắt xích yếu nhất của quân đội Nga và đã huy động binh sĩ cũng như người dân tránh thế mạnh của Nga để tập trung khoét sâu vào điểm yếu.

"Chúng ta cần phải cắt đứt đường hỗ trợ hậu cần của quân Nga. Đừng động vào mấy chiếc xe tăng ... Hãy phá hủy đoàn xe đi sau. Nếu kẻ địch không có nhiên liệu, đạn dược, thực phẩm và thợ sửa chữa, bọn chúng sẽ không còn sức chiến đấu", Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov nói.

Người dân Ukraine được yêu cầu báo cáo cho quân đội biết mỗi khi các đơn vị Nga đi qua. Quân chính quy đảm nhận nhiệm vụ đối phó với xe tăng Nga, lực lượng dân quân sẽ tấn công các xe tiếp tế, đặc biệt là xe bồn chở nhiên liệu.

Bộ Tổng tham mưu Ukraine đăng tải một đồ họa thông tin (infographic) hướng dẫn người dân cách chọn mục tiêu: "Nếu một đoàn xe thiết giáp Nga đi qua nơi bạn sinh sống, theo sau nó sẽ là các xe chở nhiên liệu, đạn dược và lương thực. Nếu không có đạn, xe tăng địch sẽ chỉ như chiếc máy kéo. Nếu không có xăng dầu, xe tăng cũng chỉ như cục sắt vụn. Nếu không có đồ ăn, kẻ địch sẽ đầu hàng làm tù binh".


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Đức Quyền - Song Ngọc

Ngành thép quý III: Hoà Phát là điểm sáng, hai gọng kìm bóp chặt lợi nhuận nhóm tôn mạ
Trong nhóm sản xuất và thương mại thép, Hoà Phát nổi lên là điểm sáng trong khi VNSteel, SMC, Tisco,... lần lượt báo lỗ. Với nhóm tôn mạ, ngoài áp lực cạnh tranh từ tôn mạ nhập khẩu của Trung Quốc và Hàn Quốc thì chi phí vận chuyển leo thang đã bóp nghẹt lợi nhuận nhóm này trong quý vừa qua.