|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Bay vòng qua Bắc Cực: Hành khách hào hứng, hãng hàng không méo mặt vì tốn xăng hơn 40%

08:24 | 21/03/2022
Chia sẻ
Việc Nga đóng cửa không phận quan trọng của mình đã khiến nhiều hãng bay phải đi đường vòng, làm tăng chi phí vận hành lên đáng kể.
Bay vòng qua Bắc Cực: Hành khách hào hứng, hãng hàng không méo mặt vì tốn xăng hơn 40% - Ảnh 1.

Một chiếc tàu bay Airbus A320 của Finnair. (Ảnh: Reuters).

Sau khi cuộc xung đột tại Ukraine nổ ra hồi cuối tháng 2, Liên minh châu Âu (EU) đã cấm cửa tàu bay Nga và Nga cũng đóng cửa không phận với tàu bay của châu Âu.

Hệ quả là các hãng hàng không châu Âu phải thiết kế lại toàn bộ mạng đường bay tới nhiều nước châu Á. Theo CNN, các chặng đến và đi Đông Á phát sinh nhiều vấn đề nhất vì Nga – đất nước rộng lớn nhất hành tình – đứng chắn ngay giữa đường.

Bay vòng qua Bắc Cực: Hành khách hào hứng, hãng hàng không méo mặt vì tốn xăng hơn 40% - Ảnh 2.

Thời Chiến tranh Lạnh, các hãng hàng không Phương Tây cũng từng phải bay tránh không phận Nga, làm tăng thời gian bay và tiêu tốn thêm nhiên liệu.

Ví dụ với chặng từ Helsinki tới Tokyo mà hãng Finnair của Phần Lan khai thác: Trước các lệnh cấm, tàu bay sẽ cất cánh rồi nhanh chóng tiến vào không phận Nga và bay khoảng 4.800 km, vào không phận Trung Quốc và bay tiếp khoảng 1.600 km, rồi lại vào không phận Nga ở gần thành phố Vladivostok.

Cuối cùng, tàu bay của Finnair bay vào vùng Biển Nhật Bản rồi quay xuống phía nam và hạ cánh ở sân bay Narita, Tokyo. Tổng cộng, hành trình này dài khoảng 8.000 km và diễn ra trong 9 giờ.

Chuyến bay cuối cùng đi theo hành trình cũ nói trên được thực hiện vào 26/2. Ngày hôm sau, Nga đóng cửa không phận với các hãng hàng không Phần Lan nên Finnair phải tạm dừng bay tới các nước châu Á, bao gồm Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Tuy vậy, Finnair đã có những sự chuẩn bị nhất định cho kịch bản này.

Ông Riku Kohvakka, Giám đốc kế hoạch bay của Finnair nói: "Chúng tôi đã thực hiện những tính toán sơ bộ đầu tiên khoảng hai tuần trước khi không phận đóng cửa".

Giải pháp mà Finnair đưa ra là bay qua Bắc Cực. Thay vì đi theo hướng đông nam vào không phận Nga, giờ đây tàu bay sẽ đi thẳng lên phía bắc, đi qua quần đảo Svalbard của Na Uy, qua Cực Bắc và qua bang Alaska của Mỹ.

Sau đó, tàu bay Finnair sẽ bay xuống Thái Bình Dương, cẩn thận tránh không phận Nga, và tiến vào Nhật Bản.

Hành trình hiện nay diễn ra trong 13 giờ (trước đây là 9 giờ), dài khoảng 12.800 km (trước đây là 8.000 km) và tiêu tốn nhiều nhiên liệu hơn trước tới 40%.

Bay vòng qua Bắc Cực: Hành khách hào hứng, hãng hàng không méo mặt vì tốn xăng hơn 40% - Ảnh 3.

Màu trắng là đường bay cũ của Finnair từ Helsinki qua không phận Nga tới Tokyo, màu đỏ là đường bay mới vòng qua Bắc Cực. (Nguồn: CNN).

Nếu không bay vòng qua Cực Bắc, Finnair có thể đi đường vòng xuống phía nam: qua các nước vùng biển Baltic, Ba Lan, Slovakia, Hungary, Romania, Bulgaria, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Azerbaijan, Turkmenistan, Uzbekistan, Kazakhstan, Trung Quốc, Hàn Quốc và cuối cùng là Nhật Bản.

Khoảng cách theo đường phía nam này dài hơn, nhưng nếu điều kiện gió thuận lợi, thời gian bay sẽ giống như đường vòng qua Cực Bắc.

Hành khách hồ hởi

Các hành khách tỏ ra rất hào hứng với đường bay qua Bắc Cực. Phi công Aleksi Kuosmanen của Finnair nói: "Mọi người rất háo hức. Nhiều người hỏi tôi khi nào thì máy bay sẽ qua vùng cực và liệu có thể trông thấy cực quang (ánh sáng phương bắc) hay không".

Thời gian và khoảng cách bay tăng mạnh khiến cho mỗi chuyến bay tiêu tốn thêm 20 tấn xăng. Finnair phải ưu tiên vận chuyển hàng hóa do nhu cầu cao hơn.

Chiếc tàu bay Airbus A350-900 của hãng có sức chứa tối đa 330 người nhưng thực tế chỉ chở theo 50 người. "Buổi tối, tôi đi dọc theo hành lang máy bay và thấy các hành khách có không gian rất rộng rãi".

Bay vòng qua Bắc Cực: Hành khách hào hứng, hãng hàng không méo mặt vì tốn xăng hơn 40% - Ảnh 5.

The Aurora Borealis (Northern Lights) is seen over the sky near Rovaniemi in Lapland, Finland. REUTERS/Alexander Kuznetsov

Hãng hàng không thêm vất vả

Từ phía các hãng hàng không, thử thách mà đường bay mới đặt ra là rất lớn.

Các tàu bay ngày nay phải đạt chứng nhận ETOPS về thời gian mà tàu bay hai động cơ có thể tiếp tục hoạt động khi một động cơ bị hỏng.

Finnair thường khai thác với chứng nhận ETOPS 180, tức là khi một trong hai động cơ gặp trục trặc thì tàu bay của hãng có thể bay tiếp ba tiếng nữa. 

Các đường bay được thiết kế theo tiêu chuẩn ETOPS này phải đảm bảo máy bay luôn ở trong phạm vi ba giờ bay tính từ một sân bay dự phòng nào đó, phòng trường hợp cần hạ cánh khẩn cấp. Chính quy định về ETOPS này khiến cho các hãng hàng không đôi khi phải bay đường vòng theo vị trí của các sân bay dự phòng chứ không thể bay thẳng qua đại dương.

Ở vùng Bắc Cực băng tuyết bao la, số lượng sân bay dự phòng rất ít, vì vậy Finnair đã phải xin nới rộng chứng chỉ ETOPS từ 180 lên 300 phút.

Ngoài Finnair, Japan Airlines cũng bay qua Bắc Cực để kết nối London và Tokyo. Chặng bay qua không phận Nga trước kia dài 12 tiếng, hiện nay mất khoảng 14,5 tiếng.

Thời gian bay dài hơn đòi hỏi các hãng phải phân bổ nhiều phi công hơn do mỗi người không được phép làm việc liên tục quá lâu và cần có thời gian nghỉ ngơi đầy đủ sau mỗi ca. 

Trước đây, Finnair cần ba phi công để khai thác chặng Helsinki - Tokyo. Hiện nay khi thời gian bay tăng lên, hãng cần tới 4 người.

Phi công Aleksi Kuosmanen khẳng định việc bay qua Bắc Cực không có gì nguy hiểm hơn so với các chặng bay khác, ngược lại còn khá thú vị. "Có lẽ bất cứ phi công đường dài nào cũng muốn bay qua vùng cực. Một khi phi công đã được chuẩn bị kỹ càng, bay qua vùng cực cũng không khác gì công việc thường ngày".

Song Ngọc