'Vũ khí chiến lược' của Nga không chỉ có dầu khí và bom hạt nhân mà còn cả bầu trời
Ngày 1/9/1983, chiếc Boeing 747 của hãng hàng không Korean Air đang thực hiện chuyến bay số 007 từ New York (Mỹ) đến Seoul (Hàn Quốc). Một phần do chưa có hệ thống định vị GPS nên chiếc tàu bay thương mại này đã bay lạc vào không phận cấm của Liên bang Xô Viết gần đảo Sakhalin.
Chiến đấu cơ Su-15 của Hồng quân Xô Viết nhanh chóng cất cánh và phóng tên lửa phá hủy chiếc tàu bay xấu số, tất cả 269 hành khách và phi hành đoàn đều thiệt mạng.
Các tàu bay thương mại thời đó muốn di chuyển giữa hai thị trường sầm uất khổng lồ là châu Âu và Đông Bắc Á không được bay theo đường thẳng qua Liên Xô và Trung Quốc mà phải đi đường vòng xuống phía nam qua Trung Đông, hoặc vòng qua Bắc Cực và tạm dừng ở sân bay Anchorage (Alaska, Mỹ) để tiếp nhiên liệu.
Vì thế mà Anchorage thời Chiến tranh Lạnh đã tự hào gọi mình là "ngã tư của thế giới" khi hàng nghìn chuyến bay đường dài phải dừng chân ở đây.
Nga "vũ khí hóa" bầu trời
Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, không phận của Nga, Trung Quốc và các nước Liên Xô cũ cũng được mở cửa cho các hãng hàng không thay vì bị đóng kín như trước. Sân bay Anchorage ở Alaska đột nhiên vắng vẻ lạ thường vì tàu bay giờ đây nườm nượp bay thẳng qua hoang mạc Siberia của nước Nga, thời gian và nhiên liệu tiêu hao giảm xuống đáng kể.
Nga hiểu rõ ý nghĩa của không phận nước mình đối với ngành hàng không thế giới nên đã tận dụng cơ hội này để kiếm tiền cũng như gia tăng ảnh hưởng địa chính trị.
Số tiền mà các hãng bay phải trả cho Nga không giống nhau và thường được giữ bí mật. Tuy vậy, một số nguồn tin ước tính phí bay qua Nga trung bình lên tới 100 USD/vé hành khách khứ hồi. Một chuyến bay có thể chở 200 hành khách, và mỗi ngày có tới hàng nghìn chuyến bay, tính ra số tiền mà Nga thu được là không hề nhỏ.
Năm 2019, tức là ngay trước khi COVID-19 tàn phá ngành hàng không toàn cầu, hơn 300.000 chuyến bay di chuyển qua không phận Nga.
Tờ Politico năm 2011 cho biết chỉ riêng các hãng hàng không châu Âu đã phải trả cho Nga 350 triệu euro tiền phí bay qua mỗi năm. Nếu tính cả các hãng hàng không châu Á và lượng chuyến bay tăng thêm theo thời gian, con số dễ dàng lên tới hàng tỷ USD.
Tuy nhiên, không phải cứ ra chút tiền là có thể được bay qua bầu trời nước Nga.
Hơn 130 quốc gia đã ký Thỏa thuận bay quá cảnh của Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO), cho phép tất cả hãng hàng không của các nước thành viên được phép bay qua không phận nước mình nếu không hạ cánh.
Nga không ký thỏa thuận này và luôn yêu cầu các hãng hàng không nước ngoài phải xin phép trước khi bay qua. Thông thường, mỗi quốc gia châu Âu chỉ có một hãng bay được Nga cấp phép.
Quy định ngặt nghèo của Nga khiến cho việc sở hữu quyền bay qua đất nước rộng lớn nhất hành tinh trở thành một phần thưởng mà các hãng hàng không châu Âu khao khát. Pháp chỉ có Air France, Tây Ban Nha chỉ có Iberia, Đức chỉ có Lufthansa được bay qua Nga. Nước Anh là ngoại lệ khi có hai hãng được Nga đồng ý là British Airways và Virgin Atlantic.
Chỉ những hãng thành danh nói trên mới có thể vận hành một cách hiệu quả đường bay giữa châu Âu và Đông Bắc Á. Những hãng bay giá rẻ, mới thành lập, không có quyền bay qua không phận Nga sẽ không thể cạnh tranh nổi vì phải bay đường vòng, làm tăng thời gian và chi phí nhiên liệu.
Nga thường xuyên dùng việc cấp phép bay qua không phận của mình làm vũ khí trong các cuộc đấu địa chính trị. Năm 2014, khi Nga bị Phương Tây trừng phạt vì chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine, Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev đã đe dọa sẽ chỉ cho phép hãng hàng không của "các quốc gia thân thiện" bay qua.
Tuy cuối cùng Nga không dùng đến biện pháp này nhưng lời dọa dẫm của Moscow đủ để khiến các hãng hàng không châu Âu lo sốt vó.
Năm 2017, Nga tiếp tục dọa sẽ đóng không phận với hãng bay KLM của Hà Lan vì một hãng hàng không của Nga bị giới chức Hà Lan giảm slot cất hạ cánh ở sân bay Schiphol.
Tháng 4/2018, Nga lại ngầm đe dọa sẽ đóng không phận với các hãng bay của Mỹ vì bất đồng về cuộc chiến ở Syria.
Tháng 10/2021, các hãng hàng không Mỹ lại chật vật xin cấp phép bay qua Nga và sau cùng phải nhờ đến sự can thiệp của Bộ Ngoại giao Mỹ mới thành công.
Hiệp hội Airlines for America (A4A) nhấn mạnh tầm quan trọng của đường bay này: "Quyền bay qua không phận Nga đóng vai trò thiết yếu trong việc duy trì và mở rộng mạng lưới của các hãng hàng không Mỹ trên toàn cầu".
Nếu không được bay qua Nga, các hãng sẽ phải đi đường vòng và dẫn tới "tăng thời gian, thêm nhiều điểm dừng kỹ thuật, phát thải CO2 nhiều hơn, …", A4A giải thích.
Đầu năm 2022, căng thẳng giữa Nga và Phương Tây lại bùng lên khi Mỹ và NATO cáo buộc Nga tập trung 130.000 binh sĩ cùng vũ khí hạng nặng để chuẩn bị xâm lược Ukraine.
Câu chuyện về quyền bay qua không phận Nga lại được đưa ra bàn thảo.
Nga và Phương Tây căng thẳng, hàng không thế giới run sợ
Trong bối cảnh Nga tập trung hàng trăm nghìn quân cùng vũ khí hiện đại gần biên giới với Ukraine, Mỹ và các nước NATO đã liên tục đe dọa sẽ áp dụng loạt biện pháp trừng phạt quyết liệt chưa từng thấy nếu Nga xâm lược nước láng giềng.
Một trong những phương án mạnh tay nhất là đuổi Nga ra khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, khiến cho các hãng hàng không nói riêng và mọi tổ chức, cá nhân của Nga nói chung không thể chuyển hay nhận tiền với nước ngoài.
Để trả đũa, Nga có thể cấm các hãng hàng không nước ngoài bay qua không phận nước mình. Tất nhiên nếu cấm bay thì Nga sẽ mất đi một nguồn thu ngoại tệ nhưng thiệt hại với các hãng bay nước ngoài sẽ lớn hơn nhiều.
Nếu không qua Nga, các chặng bay từ bờ Đông nước Mỹ hoặc châu Âu sang Đông Bắc Á sẽ phải bay vòng qua khu vực Trung Đông đầy bất ổn hoặc vòng xa hơn nữa xuống phía nam, làm tăng thời gian bay và tiêu tốn lượng nhiên liệu khổng lồ.
Reuters dẫn lời bà Elisabeth Braw, chuyên gia cao cấp tại Viện Doanh nghiệp Mỹ, nhận định: "Cho đến nay, Nga chưa đe dọa sẽ cấm bay nhưng chắc chắn Moscow biết mình đang nắm trong tay một vũ khí đáng sợ".
Một lựa chọn khác của Nga là không tuyên bố cấm bay chính thức nhưng cố tình gây khó khăn. Nhà phân tích Robert Mann nói: "Mỗi chuyến bay qua không phận Nga đều phải được cấp phép trước và không phải lúc nào Nga cũng đồng ý. Nếu tình hình trở nên nghiêm trọng, Nga có thể sẽ không thèm trả lời các yêu cầu cấp phép".
Cơ quan Hàng không Liên bang Nga cho biết trong năm 2021, lực lượng 8.000 kiểm soát viên không lưu của Nga điều phối gần 194.300 chuyến bay nước ngoài qua không phận nước này, tương đương trung bình 532 chuyến mỗi ngày. Con số này thấp hơn 37% so với trước dịch nhưng đã tăng 16% so với năm 2020.
Ông Yuji Hirako, CEO của All Nippon Airways (Nhật Bản) nói: "Nếu tình huống khẩn cấp xảy ra, chúng tôi sẽ buộc phải tránh không phận Nga và bay theo tuyến phía nam. Do nhu cầu bay quốc tế quá thấp vì COVID-19, có thể chúng tôi sẽ quyết định dừng bay hoàn toàn" nếu Nga cấm bay.