|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Vì sao giá gạo tại Nhật Bản liên tục leo đỉnh nhưng thị phần của Việt Nam vẫn chỉ là 'bé hạt tiêu'?

15:21 | 27/03/2025
Chia sẻ
Là một trong những quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa thể thắng lớn tại thị trường Nhật Bản, nhất là trong bối cảnh nước này đang thiếu hụt nguồn cung khiến giá liên tục leo thang.

Giá gạo Nhật Bản tăng mạnh, đi ngược xu thế chung của thế giới

Theo dữ liệu từ Bộ Nội vụ Nhật Bản, giá gạo đầu năm nay đã tăng 71% so với cùng thời điểm của năm ngoái, mức tăng mạnh nhất kể từ khi dữ liệu so sánh được thu thập từ năm 1971. Điều này đi ngược với xu hướng giá gạo chung của thế giới những tháng gần đây, sau khi Ấn Độ xoá bỏ hoàn toàn các lệnh cấm xuất khẩu gạo. 

Giá gạo tại Nhật Bản đã tăng ở mức hai con số kể từ tháng 6 năm ngoái và tiếp tục leo thang ngay cả trong mùa thu, khi vụ thu hoạch mới bắt đầu được đưa ra thị trường, theo Nikkei Asia.

Dấu hiệu thiếu hụt gạo đã xuất hiện từ mùa xuân và trở nên rõ rệt hơn sau cảnh báo động đất quy mô lớn đầu tiên của Nhật Bản được ban hành vào tháng 8.

Nhu cầu gạo tăng vọt, các cửa hàng rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn cung, đẩy giá lên cao. Nếu người tiêu dùng tích trữ gạo từ mùa hè, đáng lẽ lượng mua sẽ giảm vào mùa thu. Tuy nhiên, khảo sát của Bộ Nội vụ Nhật Bản cho thấy lượng mua gạo trong tháng 10/2024 vẫn tăng 13% so với một năm trước đó, trong khi tháng 11 ghi nhận mức tăng 14% ngay cả khi giá lập đỉnh. 

Để bổ sung nguồn cung, năm ngoái Nhật Bản nhập khẩu 754.417 tăng 6,4% so với năm 2023. Đây cũng là mức nhập khẩu cao nhất kể từ năm 2006.

 Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (H.Mĩ tổng hợp)

Trong năm nay, chính phủ Nhật Bản lần đầu tiên trong lịch sử xả 165.000 tấn gạo trong kho dự trữ nhằm kìm chế đà tăng giá gạo hồi tháng 2. Trong đó, 140.000 tấn đã được bán ra. Hiện tại, Nhật Bản đang tổ chức buổi đấu giá gạo thứ hai với khối lượng. Lượng gạo đấu giá thành công dự kiến sẽ được giao cho nhà thầu từ giữa tháng 4 tới.

Việt Nam cũng được hưởng lợi từ xu hướng nhu cầu gạo Nhật Bản tăng cao khi năm ngoái xuất khẩu được 3.226 tấn, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Tháng 1 năm nay, lượng gạo xuất khẩu sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng mạnh, cao gấp 4 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 580 tấn. Dòng gạo mà Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường này gạo trắng, gạo thơm và gạo hữu cơ. Thời gian gần đây, một số loại gạo được xuất sang Nhật Bản có xu hướng tăng.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty Trách nhiệm Hữu hạn VRICE, cho biết hiện đang trong mùa thu hoạch gạo Japonica. Giá gạo thành phẩm tính đến ngày 25/3 khoảng 15.500 - 16.500 đồng/kg tăng khoảng 10% so với thời điểm vụ thu hoạch từ năm ngoái (tháng 8). Thời điểm cuối năm 2024 khi hết mùa, giá thậm chí tăng 19% lên 18.000 đồng/kg. 

Gạo Việt Nam bán sang Nhật Bản cũng được giá hơn, đạt khoảng 824 USD/tấn, cao hơn 37% so với mặt bằng chung xuất khẩu sang các thị trường.

 Nguồn: Tổng Cục Hải quan (H.Mĩ tổng hợp)

Thị phần gạo của Việt Nam tại Nhật Bản còn hạn chế

Tuy nhiên, nhìn vào con số tăng trưởng có vẻ lớn nhưng xét về mặt định lượng thì gạo Việt Nam xuất khẩu sang Nhật Bản còn khá khiêm tốn. Nói cách khác, gạo Việt đang khó tận dụng triệt để được thị trường Nhật Bản - nơi mà giá gạo đang đi ngược so với xu hướng đi xuống của thế giới. 

Theo đó, lượng gạo hơn 3.200 tấn mà Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong tổng số 9 triệu tấn được bán sang các thị trường.

Theo số liệu từ Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) thị phần gạo của Việt Nam tại Nhật Bản năm ngoái chỉ chiếm 0,3%. Dẫu vậy, con số này trong tháng 1 năm nay đã được nâng lên 1,3%. Nhật Bản chủ yếu nhập khẩu gạo từ các ông lớn khác với thị phần áp đảo như Thái Lan (42%), Mỹ (30%), Trung Quốc (19%)…

  Nguồn: Trung tâm Thương mại Quốc tế (H.Mĩ tổng hợp)

Lý giải cho điều này ông Có cho biết, Nhật Bản là thị trường rất khó tính, nhất là vấn đề an toàn thực phẩm. Thời gian qua, nhiều nhà nhập khẩu của Nhật Bản liên hệ đến doanh nghiệp Việt để mua gạo thơm Jasmine hay giống gạo Nhật. Tuy nhiên, chính phủ nước này yêu cầu khắt khe về nồng độ phóng xạ, thuốc trừ sâu nên nhiều đơn hàng vẫn chưa thể thực hiện.

“Đối với vấn đề thuốc trừ sâu, Việt Nam đã xử lý được. Tuy nhiên đối với nồng độ phóng xạ, Nhật Bản cho rằng trước đây Việt Nam chịu tác động bởi chiến tranh trước đó nên nguy cơ cao gạo nhiễm phóng xạ. Do đó, gạo Việt Nam rất khó thâm nhập được vào thị trường này”, ông Có nói.

Tạp chí điện tử Kinh Doanh dẫn thông tin từ  Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản cho biết lần gần nhất gạo Việt Nam trúng thầu xuất khẩu số lượng lớn sang Nhật Bản là từ năm 2012, tuy nhiên sau đó gạo Việt Nam bị phát hiện dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép nên không được các công ty Nhật đưa vào danh sách tham gia đấu thầu nữa. Vì vậy, gạo Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Nhật từ đó đến nay chủ yếu qua đường phi mậu dịch với số lượng không đáng kể và chủ yếu dùng làm chế biến thực phẩm như bánh, tương miso.

Bên cạnh đó, nền nông nghiệp Nhật Bản vẫn duy trì những hộ sản xuất quy mô nhỏ, sản lượng thấp và phụ thuộc lớn vào trợ cấp từ Chính phủ. Nhật Bản gia nhập đàm phán CPTPP trong bối cảnh nền nông nghiệp nước này vẫn chưa thực sự được chuẩn bị đủ để duy trì và tồn tại trước sức ép từ cạnh tranh nội khối.

Nhằm đáp ứng nghĩa vụ mở cửa thị trường kể từ khi đàm phán gia nhập WTO, Nhật Bản hiện đang nhập khẩu gạo theo hai cơ chế: Tiếp cận thị trường thông thường (Ordinary Market Access – OMA) và Cơ chế mua bán song song (Simultaneous Buy and Sell – SBS) với tổng lượng nhập khẩu 770.000 tấn mỗi năm, trong đó 670.000 tấn theo cơ chế OMA, 100.000 tấn theo cơ chế SBS. Tuy nhiên không phải lúc nào Nhật Bản cũng nhập khẩu đủ lượng 100.000 tấn theo cơ chế SBS.

H.Mĩ