Nga sẽ tấn công Ukraine bất chấp những lệnh trừng phạt khủng khiếp nhất?
Moscow đã bác bỏ thông tin rằng Nga có kế hoạch xâm lược nước láng giềng Ukraine, một thành viên của Liên Xô cũ, mặc dù khoảng 100.000 quân lính Nga đã tập trung ở gần biên giới.
Cuối năm 2021, Nga yêu cầu Ukraine không bao giờ được phép kết nạp vào liên minh quân sự NATO và muốn tổ chức này chấm dứt sự hiện diện của mình ở Đông Âu. Tuần trước, Mỹ và NATO đã thẳng thừng từ chối các yêu sách của Nga, tương tự như những thông điệp đã gửi đi nhiều lần trong vài năm qua.
Chính phủ Anh hồi đầu tháng 1 tuyên bố có bằng chứng cho thấy Điện Kremlin đang tìm cách dựng lên một chính phủ thân Nga tại Kiev. Năm 2014, Nga xâm lược và sáp nhập Crimea, một bán đảo trên Biển Đen ở phía nam Ukraine với đa số cư dân là người Nga.
Chính phủ Belarus - nước có chung đường biên giới với cả Nga và Ukraine - là đồng minh thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Cuối tuần trước, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko tuyên bố nước này sẽ tham chiến nếu như Nga bị tấn công.
Nhiều việc cần làm trước khi tấn công Ukraine
Ông Samuel Cranny-Evans, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu quốc phòng và an ninh thuộc Royal United Services Institute, cho rằng Nga vẫn còn nhiều việc phải làm trước khi có thể xâm lược Ukraine
Ông nói với CNBC trong một cuộc điện thoại: "Lực lượng mà Nga tập trung hiện nay chưa đủ sức xâm lược. Nga đã cố tình dàn dựng [tình huống này] theo cách mà chúng ta sẽ biết khi nào đó là một lực lượng xâm lược."
Ông Cranny-Evans nói thêm rằng những gì chúng ta đã thấy cho đến nay "chỉ là bước đầu tiên". Và giờ đây, những thứ như khí tài phòng không, các đoàn vận tải nhiên liệu và đạn dược, cũng như nhân sự vận hành tất cả các thiết bị kể trên đang được chuyển đến biên giới, Nga đang thực hiện bước thứ hai.
"Tôi cho rằng còn nhiều bước phải làm trước khi chúng ta thực sự thấy binh lính Nga đặt chân lên đất Ukraine. Chúng ta có thể thấy một số chiến thuật thăm dò như thử tên lửa đạn đạo hoặc tấn công mạng, có lẽ còn bao gồm cả bất ổn xã hội và ám sát tại Ukraine".
Ông Cranny-Evans suy đoán rằng hành động chiến tranh đầu tiên rất có thể sẽ là các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa nhằm vào các cơ sở hạ tầng công nghiệp và quân sự quan trọng ở Ukraine.
"Tất cả chỉ nhằm thể hiện rằng nếu Ukraine tiếp tục không làm những gì Nga muốn thì Nga có khả năng tấn công các mục tiêu giá trị của Ukraine," ông nói với CNBC. "Cuộc chiến tranh này không phải là chuyện người Nga giết người Ukraine, mà là tấn công vào lối sống của người Ukraine".
Ông Mathieu Boulegue, một thành viên nghiên cứu tại chương trình Nga và Á-Âu của Chatham House, cũng đồng ý rằng người Nga dường như chưa sẵn sàng xâm lược Ukraine.
"Chúng ta hiện chứng kiến một trong những sự tập trung lực lượng lớn nhất ở châu Âu kể từ sau Thế chiến thứ 2, và đây có vẻ như một lực lượng xâm lược", ông Boulegue nói. "Nhưng vẫn còn thiếu một số yếu tố về hậu cần quân sự để làm cho lực lượng này có đầy đủ khả năng duy trì các hoạt động chiến đấu ở cấp độ chiến dịch."
Tuy nhiên, ông Boulegue cho rằng Nga sẵn sàng sử dụng những biện pháp cực đoan để đạt được các mục tiêu chính trị của mình.
"Nga không điều động gần 100.000 quân và chừng đó lính dự bị chỉ để gửi đi một thông điệp. Nga đã nâng tầm quan trọng của vấn đề lên cao tới mức việc hạ nhiệt gần như là không thể, trừ khi Nga nhận lại được một cái gì đó", ông Boulegue nhận định.
Trong khi đó, ông Cranny-Evans nói rằng: "Theo lý thuyết quân sự của Nga, họ chỉ thực sự tấn công khi họ chắc chắn rằng người Ukraine đã bị đánh bại. Vì vậy, về lý thuyết, Ukraine có thể đã thua trận trước khi xe tăng Nga tiến qua biên giới."
Một số thành viên NATO đã bày tỏ ủng hộ Ukraine khi quân đội tiếp tục được tập trung tại biên giới với Nga.
Phát biểu tại Quốc hội tuần trước, Thủ tướng Anh Boris Johnson cảnh báo rằng "nhiều người con của nước Nga sẽ không bao giờ trở về nhà với mẹ" nếu Nga xâm lược Ukraine.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh Liz Truss cho biết Vương quốc Anh sẽ công bố các dự luật trong tuần này để cho phép Anh trừng phạt kinh tế các ngân hàng, các nhà tài phiệt và các công ty năng lượng của Nga.
Hôm Chủ nhật (30/1), ông Bob Menendez, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ, nói với CNN rằng ủy ban đang tính đến "biện pháp trừng phạt kinh khủng khiếp chưa từng thấy" nhằm làm tê liệt nền kinh tế Nga để bảo vệ Ukraine.
Các bộ trưởng Đức cũng nói rằng Nga sẽ phải đối mặt với hậu quả kinh tế "khổng lồ" nếu có bất kỳ hành động gây hấn nào đối với Ukraine.
"Thiệt hại tài chính nghiêm trọng"
"Nga có thể chịu những tổn hại tài chính nghiêm trọng nếu các biện pháp trừng phạt phù hợp được đưa ra và thực thi đúng đắn," nhà phân tích Cranny-Evans nói.
Ngay cả khi không có các biện pháp trừng phạt, toàn bộ hoạt động quân sự gần đây nhiều khả năng đã rất tốn kém đối với Nga, và những chi phí đó sẽ chỉ tiếp tục tăng nếu quân đội của nước này xâm lược Ukraine.
"Chiến dịch quân sự quy mô lớn rõ ràng đi kèm với chi phí đáng kể về tiêu thụ nhiên liệu, đạn dược, thương vong và thay thế thương vong đó", ông Henry Boyd, nhà phân tích quốc phòng và quân sự tại Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, trao đổi với CNBC.
Ông Boyd cho rằng hành động quân sự gần đây ở biên giới Ukraine đã gây ra "hậu quả dây chuyền" trong nước do một lượng lớn phương tiện vận tải dân sự được chuyển hướng dùng cho quân đội trong vài tháng qua.
Ông nói thêm: "Bạn cũng đã thấy những tác động mà các tin đồn về hành động quân sự và biện pháp trừng phạt kinh tế gây ra đối với thị trường chứng khoán Nga. Vì vậy, tôi nghĩ rằng mọi người đã gián tiếp nhìn thấy mức độ thiệt hại kinh tế mà các hành động quân sự gây ra cho đến nay".
Lượng nguồn lực và tiền bạc được dùng trong các chiến dịch quân sự gần đây - ví dụ như đợt không kích của Phương Tây tại Libya năm 2011 - có thể sẽ "không thấm vào đâu" so với chi phí mà Nga phải trả cho một cuộc tấn công trên bộ quy mô lớn, nhà phân tích Henry Boyd nhận định.
"Tuy nhiên, kịch bản bi quan hiện nay là cho dù kinh tế Nga có chịu thiệt hại ngắn hạn to lớn đến đâu và rủi ro khủng khiếp đến đâu, Nga vẫn sẽ coi cái giá phải trả là xứng đáng để bảo vệ điều mà Nga coi là tình hình ổn định chính trị thiết yếu trong khu vực lân cận".
Nhà phân tích Boulegue của Chatham House thì nhận định: "Nếu Nga cảm thấy buộc phải phát động chiến tranh - bất kể quy mô lớn hay nhỏ - để đạt được mục tiêu chính trị chiến lược thì Nga sẽ làm".
Chiến tranh sẽ "tốn kém và kéo dài" với nước Nga, ông nói thêm, và các biện pháp trừng phạt cũng như tổn thất kinh tế sẽ gây thêm những thiệt hại về chính trị và châm ngòi cho các cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại Điện Kremlin.
Theo Reuters, Vương quốc Anh hối thúc Tổng thống Nga Putin "tránh khỏi bờ vực thẳm" và cảnh báo rằng bất kỳ hành động quân sự nào với Ukraine đều sẽ châm ngòi cho loạt biện pháp cấm vận đối với những cá nhân và doanh nghiệp có quan hệ thân cận với Điện Kremlin.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên: "Những cá nhân mà chúng tôi đã lên danh sách đều nằm trong hoặc gần với vòng tròn thân cận của Điện Kremlin và đóng vai trò quan trọng các quyết sách của chính phủ Nga, hay ít nhất thì những người này cũng đồng lõa với hành vi gây mất ổn định của chính phủ Nga".
Những người bị trừng phạt có thể bao gồm quan chức cấp cao của Nga, lãnh đạo các tập đoàn dầu khí nhà nước của Nga, thậm chí là cả bạn gái tin đồn của Tổng thống Putin.