|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga dịu giọng về vấn đề Ukraine: 'Chúng tôi không muốn chiến tranh'

19:39 | 28/01/2022
Chia sẻ
Nga vừa gửi đi thông điệp rõ ràng nhất về việc nước này sẵn lòng đàm phán với Mỹ liên quan tới vấn đề Ukraine và không muốn chiến tranh xảy ra.
Nga dịu giọng về vấn đề Ukraine: 'Chúng tôi không muốn chiến tranh' - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (bên phải) và Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken gặp nhau tại Iceland ngày 19/5/2021. (Ảnh: AP).

Theo Reuters, Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trả lời phỏng vấn các đài truyền thanh của Nga ngày 28/1: "Nếu mọi chuyện đều phụ thuộc vào Nga thì sẽ không có cuộc chiến tranh nào cả. Chúng ta không muốn chiến tranh. Nhưng chúng ta cũng không thể để lợi ích của mình bị bị phớt lờ và bị chà đạp thô bạo".

Mỹ và các nước đồng minh đã cảnh báo nếu Tổng thống Vladimir Putin ra lệnh tấn công Ukraine, Nga sẽ ngay lập tức bị trừng phạt kinh tế mạnh tay.

Ngoại trưởng Lavrov cho rằng Phương Tây đã phớt lờ lợi ích của Nga nhưng ít nhất cũng có "một chút gì đó" trong văn bản trả lời của Mỹ và NATO vào ngày 26/1 liên quan tới các đề nghị của Nga.

Các văn bản trả lời này không được công khai nhưng cả Mỹ và NATO đều tuyên bố sẵn sàng liên lạc với Moscow về các biện pháp kiểm soát vũ khí và xây dựng lòng tin. Cả hai đều không chấp nhận đề nghị của Nga về việc không bao giờ cho phép Ukraine gia nhập NATO, khẳng định Nga không có quyền ra lệnh cho NATO làm gì hay không làm gì.

Ông Lavrov cho biết ông mong muốn gặp lại Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong vài tuần tới. Tuy không đưa ra chi tiết cụ thể nhưng Ngoại trưởng Nga nói rằng nội dung trả lời của Mỹ có lợi cho Nga hơn là nội dung của NATO. Phía Nga đang nghiên cứu văn bản của Mỹ và NATO, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ quyết định phản hồi như thế nào.

Nga dịu giọng về vấn đề Ukraine: 'Chúng tôi không muốn chiến tranh' - Ảnh 2.

Cuối năm 2021, Nga đã đưa ra một bản yêu sách 8 điểm mà Điện Kremlin cho là cần phải được đáp ứng để tránh nguy cơ chiến tranh với Ukraine.

Cụ thể, Nga muốn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức dừng mở rộng về phía đông, không bao giờ kết nạp Ukraine, vĩnh viễn ngừng xây dựng thêm các căn cứ quân sự và hệ thống vũ khí ở các lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, chấm dứt hỗ trợ quân sự dành cho Ukraine, cấm triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu.

Ngày 26/1, Mỹ và NATO đều tuyên bố khước từ tất cả yêu cầu an ninh của Nga. Tổng thống Joe Biden cho biết Mỹ "đang xem xét các chương trình hỗ trợ kinh tế vĩ mô bổ sung cho Ukraine trong bối cảnh Nga đang gây áp lực bằng cách tập trung quân sự gần biên giới". 

Tổng thống Mỹ cũng đã điện đàm với Tổng thống Ukraine để bày tỏ sự ủng hộ và thảo luận phương án hỗ trợ tài chính. Một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã họp để chuẩn bị dự thảo luật cho phép tăng cường hỗ trợ quốc phòng cho Ukraine.

Ngày 28/1, Tổng thống Belarus là Alexander Lukashenko - một đồng minh thân cận của Nga cho biết đất nước ông không muốn chiến tranh, và xung đột sẽ chỉ nổ ra nếu như Belarus hoặc Nga trực tiếp bị tấn công. Belarus có chung đường biên giới với cả Nga và Ukraine nên sẽ có vai trò quan trọng nếu Nga tấn công Ukraine. 

Song Ngọc