Nga có Trung Quốc làm chỗ dựa kinh tế nên không ngán lệnh trừng phạt từ phương Tây?
Thương mại giữa Nga và Trung Quốc lập kỷ lục mới trong bối cảnh mâu thuẫn giữa phương Tây đưa hai nước lại gần nhau hơn. Số liệu của Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy kim ngạch giữa Trung Quốc và Nga đạt kỷ lục 146,9 tỷ USD trong 2021, tăng 35,8% so với năm ngoái.
Tháng sau, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ tham dự lễ mở màn Olympic Mùa đông tại Bắc Kinh cùng với Chủ tịch Tập Kinh. Dự kiến hai nguyên thủ sẽ ký hàng loạt thỏa thuận chính trị và kinh tế cấp cao, có thể bao gồm hợp đồng cuối cùng cho đường ống dẫn khí tự nhiên Power of Siberia-2.
Giới phân tích cho biết khả năng phương Tây tung thêm lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow vì căng thẳng quân sự Ukraine nhiều khả năng sẽ củng cố quan hệ giữa Moscow và Bắc Kinh.
Ông Artyom Lukin, Giáo sư quan hệ quốc tế tại Đại học Tổng hợp Liên bang Viễn đông nói với Nikkei Asia rằng rất có thể quan chức Nga đã thảo luận với Trung Quốc về cách giảm thiểu tác động tiềm tàng của các hình phạt mới từ phương Tây. Ông khẳng định sự quyết đoán của Điện Kremlin cho thấy Moscow có lòng tin vào sự hỗ trợ của Bắc Kinh.
Giáo sư Lukin nói: "Nhiều khả năng ông Putin đã nhận được một số bảo đảm từ ông Tập rằng nếu khủng hoảng nổ ra ở Ukraine và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt lớn lên Nga, thì Trung Quốc sẽ sánh vai cùng Nga".
Trong thập kỷ qua, Moscow và Bắc Kinh đã tìm cách củng cố mối quan hệ chính trị bằng cách tăng cường hợp tác kinh tế. Thương mại giữa hai nước đi lên 167% kể từ năm 2010, mức tăng trưởng đáng kể nhất đến từ vài năm qua.
Gia tăng thương mại được hỗ trợ bởi loạt dự án năng lượng lớn, chẳng hạn như đường ống dẫn khí tự nhiên Power of Siberia-1 trị giá 55 tỷ USD, Đường ống Đông Siberia-Thái Bình Dương 25 tỷ USD và nhà máy xử lý khí Amur quy mô 13 tỷ USD.
Nga và Trung Quốc cam kết sẽ đẩy kim ngạch giữa hai nước lên 200 tỷ USD vào năm 2024. Ông Chris Devonshire-Ellis, đối tác công ty cố vấn Dezan Shira & Associates cho biết xu hướng kinh tế gần đây cho thấy hai nước sẽ đạt được mục tiêu này.
Nhưng ông dự đoán gia tăng căng thẳng địa chính trị sẽ tạo ra thêm động lực cho nỗ lực này do các quan hệ thương mại mạnh mẽ hơn với Trung Quốc thành điều thiết yếu đối với Điện Kremlin.
Ông giải thích: "Nếu có thêm các lệnh trừng phạt thương mại khác nhắm vào Nga, Moscow sẽ cần tăng cường khả năng tìm nguồn cung ứng ở những nơi khác, và Trung Quốc là địa điểm khả dĩ".
Cả Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đều đã đe dọa áp đặt lệnh trừng phạt mới vào Nga do Moscow đưa 100.000 quân và vũ khí hạng nặng đến gần Ukraine. Trong tuần này, Tổng thống Biden nói rằng ông nghĩ Nga sẽ "xua quân" vào Ukraine, và cảnh báo Moscow sẽ "ngay lập tức phải trả giá rất đắt, trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn".
Tháng này, các nhà lập pháp Đảng Dân chủ trong Thượng viện đã đề xuất dự luật trừng phạt sâu rộng đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine. Dự luật bao gồm các biện pháp trừng phạt đối với ông Putin và các quan chức cấp cao của Nga, hàng chục ngân hàng lớn nhất nước này, trái phiếu chính phủ và đường ống dẫn khí đốt tự nhiên Nord Stream-2 tới Đức.
Chính quyền Biden cũng đe dọa áp dụng các biện pháp kiểm soát xuất khẩu có thể làm giảm khả năng Nga tiếp cận công nghệ và thiết bị quan trọng của Mỹ.
Tuần trước, các ngoại trưởng EU cũng cảnh báo rằng khối này sẽ có "phản ứng" mạnh mẽ tới bất kỳ can thiệp quân sự nào của Nga ở Ukraine.
Được-mất khi cậy nhờ Trung Quốc
Giáo sư Lukin của Đại học Tổng hợp Viễn đông giải thích việc quay sang Trung Quốc có thể giúp Nga giảm bớt đòn trừng phạt mới của phương Tây theo hai cách chính.
Thứ nhất, Nga cần phải lên kế hoạch xử lý các khoản thanh toán xuyên biên giới với Trung Quốc trong trường hợp Moscow bị chặn khỏi hệ thống ngân hàng quốc tế SWIFT. Thứ hai, Nga có thể thay thế một số sản phẩm công nghệ cao của phương Tây bằng sản phẩm Trung Quốc.
"Dĩ nhiên Trung Quốc không thể thay thế mọi thứ, nhưng trong nhiều lĩnh vực Trung Quốc là giải pháp thay thế nghiêm túc cho các sản phẩm Tây phương. Nếu lệnh trừng phạt được ban hành, Nga sẽ không còn lựa chọn nào khác ngoài mở rộng thương mại với Trung Quốc – dù một số sản phẩm nước này có giá cao hơn và chất lượng thấp hơn đồ phương Tây".
Việc Nga trông cậy vào Trung Quốc còn có những nhược điểm khác, bao gồm đe dọa khuếch đại tình trạng mất cân bằng kinh tế giữa hai nước.
Năm 2021, Trung Quốc chiếm khoảng 18% tổng kim ngạch thương mại của Nga, trở thành đối tác hàng đầu của Moscow trong hơn một thập kỷ. Ngược lại, tỷ trọng của Nga trong kim ngạch thương mại 6.510 tỷ USD của Trung Quốc chỉ đạt hơn 2%.
Lo ngại về ảnh hưởng kinh tế của Bắc Kinh đôi khi đã làm dấy lên những cuộc biểu tình chống đầu tư Trung Quốc ở Nga. Năm 2019, chính quyền Siberia loại bỏ dự án do Trung Quốc tài trợ để sản xuất nước đóng chai từ Hồ Baikal sau khi nổ ra các cuộc biểu tình của cư dân địa phương và chiến dịch kiến nghị trên toàn quốc thu được gần 1 triệu chữ ký.
Tuy nhiên, Giáo sư Lukin không cho rằng sự phụ thuộc kinh tế ngày càng tăng của Nga vào Trung Quốc sẽ khiến Moscow phải hy sinh sự độc lập trong chính sách đối ngoại.
Giáo sư Lukin nói: "Trừ khi chúng ta chứng kiến sự sụp đổ hoàn toàn của kinh tế Nga, tôi không nghĩ Nga sẽ trở thành vệ tinh chính trị của Trung Quốc. Chắc chắn rằng có mối liên hệ giữa sự phụ thuộc kinh tế và chính trị, nhưng ranh giới này không đơn giản như vậy và sự phụ thuộc chính trị sẽ không hiện ra ngay lập tức".