Mỹ đặt 8.500 quân trong tình trạng báo động, NATO đưa máy bay đến gần Ukraine
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho biết sẵn sàng ứng phó nếu như môi trường an ninh có diễn biến xấu. Bộ Quốc phòng Mỹ tại Washington cho biết khoảng 8.500 binh sĩ đã được đặt trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu và đang đợi lệnh điều đến Đông Âu nếu Nga xâm lược Ukraine.
Theo Reuters, người phát ngôn của chính phủ Nga coi động thái của NATO là thể hiện sự "cuồng loạn" và Phương Tây tung ra các thông tin "đầy rẫy sự dối trá".
Căng thẳng leo thang khi Nga tập trung khoảng 100.000 binh sĩ cùng khí tài hạng nặng ở gần biên giới với Ukraine từ cuối năm 2021 đến nay, bao vây quốc gia hàng xóm này từng phía đông, bắc, và nam.
Nga phủ nhận việc đang lên kế hoạch tấn công Ukraine và dẫn chứng việc NATO điều động quân đội để lập luận rằng Nga là mục tiêu và là nạn nhân chứ không phải người chủ động gây hấn.
Nhằm thể hiện sự đồng lòng xuyên Đại Tây Dương, Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 24/1 đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến dài 80 phút với nhiều nhà lãnh đạo châu Âu để thảo luận về cuộc khủng hoảng an ninh tại Ukraine.
Ông Biden nói với các phóng viên: "Tôi vừa có một cuộc họp rất, rất tốt" với các lãnh đạo tại châu Âu, bao gồm nguyên thủ các nước Đức, Pháp, Italy, Anh và Ba Lan. Tổng thống Mỹ khẳng định các nước đã "thống nhất tuyệt đối".
Thông cáo của Nhà Trắng cho biết các nhà lãnh đạo đã "bàn luận về nỗ lực chung nhằm ngăn cản Nga tiếp tục gây hấn chống lại Ukraine, có thể bao gồm các biện pháp trừng phạt khổng lồ và gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho Nga". Các biện pháp này cũng sẽ có tác dụng củng cố an ninh ở sườn phía đông của NATO, Nhà Trắng cho biết.
Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg hoan nghênh việc các nước thành viên sẵn sàng điều động quân đội và nói rằng NATO sẽ "thực hiện mọi biện pháp cần thiết".
"Chúng tôi sẽ luôn đối phó khi môi trường an ninh chuyển biến xấu, bao gồm thông qua việc củng cố phòng vệ tập thể", ông Stoltenberg nói trong một thông cáo.
Phát biểu trong một cuộc họp báo, ông Stoltenberg cho biết việc tăng cường hiện diện ở sườn phía đông của NATO có thể bao gồm việc đưa thêm các nhóm tác chiến tới những thành viên ở phía đông nam của châu Âu.
Hiện nay, NATO có khoảng 4.000 binh sĩ trong các tiểu đoàn đa quốc gia ở Ba Lan và ba nước vùng biển Baltic là Estonia, Lithuania và Latvia. Lực lượng này được yểm trợ bằng hệ thống phòng không, xe tăng, tình báo và các đơn vị do thám.
Ukraine chưa phải là thành viên của NATO nên không có quân NATO ở đây. Từ lâu Ukraine đã muốn gia nhập NATO nhưng vấp phải sự phản đối quyết liệt của Nga. Chính quyền của Tổng thống Vladimir Putin cho rằng việc NATO liên tục mở rộng về phía đông là hành động đe dọa an ninh của Nga.
Moscow đã thẳng thừng yêu cầu NATO dừng mở rộng sang phía đông, dỡ bỏ các cơ sở quân sự ở lãnh thổ các nước Liên Xô cũ và không bao giờ kết nạp Ukraine. Lãnh đạo NATO phản bác những đòi hỏi của Nga và khẳng định Moscow không có quyền bắt NATO làm gì hay không làm gì.
Theo Reuters, các quan chức quân đội Mỹ cho biết Lầu Năm góc đang xác định các đơn vị cụ thể có thể được đưa tới rìa phía đông của NATO, tổng cộng khoảng 5.000 quân.
NATO cho biết Đan Mạch, Tây Ban Nha, Pháp và Hà Lan đều đang lên kế hoạch hoặc xem xét đưa binh sĩ, máy bay, tàu chiến tới phía đông châu Âu. Ukraine có chung đường biên giới với 4 nước thành viên NATO là Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania.