|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nga tập trung 100.000 quân gần Ukraine, ông Putin đang muốn những gì?

12:19 | 24/01/2022
Chia sẻ
Nga muốn Phương Tây dừng mở rộng ảnh hưởng quân sự ở Ukraine để không đe dọa an ninh của Nga. Nếu như Mỹ và NATO kiên quyết khước từ, liệu Tổng thống Putin có lùi bước hay sẽ sử dụng tới vũ lực?
Nga tập trung 100.000 quân gần Ukraine, ông Putin đang muốn những gì? - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: AFP).

Yêu sách của Nga

Tháng 12/2021, Nga đưa ra một bản yêu sách 8 điểm mà chính quyền điện Kremlin cho là cần phải được đáp ứng để tránh nguy cơ giao tranh quân sự quy mô lớn với Ukraine.

Cụ thể, Nga muốn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) chính thức dừng mở rộng về phía đông, vĩnh viễn ngừng tăng cường các cơ sở quân sự (chẳng hạn như căn cứ và hệ thống vũ khí) ở các lãnh thổ thuộc Liên Xô cũ, chấm dứt hỗ trợ quân sự của Phương Tây dành cho Ukraine, cấm triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu.

Nga còn muốn NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước tham gia NATO sau năm 1997, bao gồm phần lớn các quốc gia Đông Âu như Ba Lan, các nước Liên Xô cũ như Estonia, Lithuania, Latvia, và các nước ở vùng Balkan.

Thông điệp mà Tổng thống Vladimir Putin gửi ra là rất rõ ràng: Nếu những yêu cầu của Nga không được đáp ứng bằng con đường ngoại giao, Nga sẽ phải dùng đến hành động quân sự.

Các nhà lãnh đạo Phương Tây không xa lạ gì với những đòi hỏi này và từ lâu đã tuyên bố rằng Nga không có quyền ra lệnh cho NATO phải làm gì hay không được làm gì. Cho đến giữa năm 2021, Nga có vẻ vẫn miễn cưỡng chấp nhận hành động của NATO. Nhưng giờ đây, chính quyền Điện Kremlin tỏ vẻ quyết tâm sẽ dùng đến biện pháp mạnh để đạt được mục đích.

Lời lẽ trong bản đề xuất các yêu cầu của Nga rất gay gắt và Phương Tây chỉ có một tháng để trả lời, tức là sẽ không có chuyện đàm phán vòng vo. Theo tờ Foregin Affairs, bản đề xuất không những được gửi riêng cho Phương Tây mà còn được phía Nga công bố rộng rãi ngay lập tức, tránh trường hợp Washington rò rỉ từng phần nhỏ của văn bản nhằm định hướng dư luận.

Trong các bài phát biểu của mình, Tổng thống Putin vẫn thường nhắc tới tình đoàn kết giữa nhân dân Nga và Ukraine nhưng điều mà ông Putin thực sự quan tâm là ngăn chặn NATO mở rộng về phía đông bằng cách kết nạp thêm Ukraine.

Nga tập trung 100.000 quân gần Ukraine, ông Putin đang muốn những gì? - Ảnh 2.

Nguồn: BBC. Việt hóa: Song Ngọc.

Vào tháng 3/2014 sau khi đưa quân tới chiếm đóng bán đảo Crimea của Ukraine, ông Putin đã nói: "Tôi không thể nghĩ đến cảnh chúng ta đến Sevastopol để thăm các thủy thủ NATO. Tất nhiên là hầu hết các anh lính NATO đều thân thiện và vui vẻ nhưng tôi nghĩ là mời họ làm khách đến thăm chúng ta thì tốt hơn là chúng ta làm khách đến thăm họ".

Sevastopol là căn cứ hải quân quan trọng bậc nhất của Liên Xô ở Crimea bên bờ Biển Đen. Sau khi Liên Xô tan rã, Nga trả tiền cho Ukraine hàng năm để được thuê căn cứ này. Sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, Sevastopol hoàn toàn nằm trong tay Nga.

Tổng thống Nga còn kiên quyết khẳng định việc lắp đặt hệ thống tên lửa của Mỹ tại Ukraine với khả năng bay tới Moscow trong 5-7 phút là điều không thể chấp nhận được. Rõ ràng, ông Putin không muốn NATO bén mảng đến Sevastopol, Crimea nói riêng và Ukraine nói chung.

Tổng thống Putin đang hành động như thể mình trên cơ đối thủ và thực tế có vẻ là như vậy được. Theo thống tin tình báo của Mỹ, Nga có gần 100.000 quân cùng rất nhiều khí tài quân sự hạng nặng ở gần biên giới với Ukraine.

Mỹ và các nước NATO khác cực lực lên án hành động của Nga nhưng chưa chắc sẽ ra tay can thiệp để bảo vệ Ukraine vì nước này chưa phải một thành viên của NATO. Nếu chỉ đáp trả Nga bằng các lệnh trừng phạt kinh tế và ngoại giao, sức răn đe có thể sẽ không đủ lớn.

Lời chào giá, không phải tối hậu thư

Theo tờ Foreign Affairs, những yêu cầu của Moscow có thể chỉ mang ý nghĩa là lời chào giá đầu tiên, không phải là tối hậu thư dành cho Phương Tây.

Nga khăng khăng đòi ký kết một hiệp ước với Mỹ nhằm chính thức giải quyết triệt để khúc mắc giữa hai bên nhưng ai cũng biết sự chia rẽ đảng phái trong quốc hội Mỹ khiến hiệp ước này gần như chắc chắn không thể được phê chuẩn.

Nga tập trung 100.000 quân gần Ukraine, ông Putin đang muốn những gì? - Ảnh 4.

Tàu chiến của Nga ở Sevastopol, Crimea. (Ảnh: AFP).

Một thỏa thuận hành pháp giữa hai chính quyền - không cần quốc hội phê chuẩn và không có ý nghĩa như một đạo luật - sẽ là một giải pháp thay thế mang tính thực tế hơn. Nhiều khả năng trong thỏa thuận này, Nga cũng sẽ đáp ứng một số yêu cầu của Mỹ để tạo ra thứ mà Nga gọi là "cân bằng lợi ích".

Cụ thể, ông Putin có thể sẽ cảm thấy thỏa mãn ngay cả khi Mỹ đồng ý tạm ngừng mở rộng NATO về phía đông trong thời gian dài chứ không phải ngừng vĩnh viễn, đồng thời Mỹ phải cam kết không đặt tên lửa tầm trung ở châu Âu.

Chính quyền Điện Kremlin cũng có thể hài lòng nếu NATO và Nga thống nhất hạn chế lực lượng quân sự và các hoạt động tập trận ở những vùng lãnh thổ tiếp giáp như các nước Baltic và Biển Đen.

Mặc dù vậy, liệu dư luận Mỹ và châu Âu có ủng hộ thỏa hiệp với Nga hay không vẫn là một câu hỏi còn bỏ ngỏ. Tại Mỹ, Tổng thống Biden có thể bị chỉ trích là nhượng bộ một chính quyền độc tài nếu chấp thuận dù chỉ một phần yêu cầu của Nga. Các nhà lãnh đạo châu Âu cũng sẽ cảm thấy bị gạt sang một bên nếu Washington và Moscow bắt tay nhau.

Putin tự đưa mình vào thế khó?

Ông Putin đã lãnh đạo nước Nga qua 4 giai đoạn mở rộng của NATO và đã phải chấp nhận việc Mỹ rút lui khỏi các hiệp ước về chống tên lửa đạn đạo, vũ khí hạt nhân tầm trung và máy bay do thám không vũ trang.

Đối với ông Putin, Ukraine là quân bài cuối cùng và ông không thể nhượng bộ nữa. Tổng thống Nga không thể để cho người khác thấy rằng mình chỉ dọa dẫm chứ không dám làm gì thật.

Bà Olga Lautman, Chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại Trung tâm Phân tích Chính sách Châu Âu (CEPA) chia sẻ với tờ Vox: "Putin có hai sự lựa chọn. Một là nói rằng: 'Tôi chỉ đùa thôi' và lập tức bị coi là kẻ yếu đuối, dễ bị dọa nạt khi Mỹ và châu Âu hợp sức. Hai là tấn công tổng lực. Vào thời điểm này, chúng ta không biết Putin sẽ chọn thế nào nhưng tương lai có vẻ rất tăm tối".

Ông Putin đã tự đưa mình vào thế khó, khiến cho việc Nga xuống thang rất khó xảy ra. Mặc dù vậy, không loại trừ khả năng các bên có thể đạt được một giải pháp ngoại giao nào đó đủ để ông Putin tuyên bố chiến thắng và rút quân. Một khả năng khác là Mỹ và Nga sẽ tiếp tục bế tắc trong tình thế căng thẳng hiện nay trong nhiều tháng liền và Ukraine luôn nơm nớp lo sợ bị tấn công.

Song Ngọc