|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Hai cuộc chiến của năm 2023

10:46 | 29/12/2023
Chia sẻ
Trong năm 2023, xung đột giữa Israel và Hamas đã gây ra thảm họa nhân đạo nghiêm trọng tại dải Gaza. Trong khi đó, xung đột Nga - Ukraine tiếp tục có những tác động tới nền kinh tế, chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xung đột Hamas - Israel: Rủi ro tiếp tục leo thang

Dải Gaza chìm trong đổ nát sau cuộc không kích của Israel. (Ảnh: Reuters).

Xung đột nổ ra vào ngày 7/10 sau khi lực lượng Hamas mở cuộc tấn công bất ngờ vào lãnh thổ Israel, khiến 1.139 người chết. Hamas còn bắt giữ 240 con tin đưa đến dải Gaza. 

Sau đó, Israel mở chiến dịch ném bom và tấn công trên bộ vào dải Gaza. Theo ước tính của cơ quan y tế Gaza, từ ngày 7/10 đến sáng ngày 22/12, có ít nhất 20.057 người dân Palestine đã thiệt mạng. Trong số này, 70% là phụ nữa và trẻ em. 

Đồng thời, khoảng 53.320 người Palestine bị thương và rất nhiều người bị mất tích, khả năng cao là bị chôn vùi dưới đống đổ nát. Ngày 22/12, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc khẳng định: “Không có cách nào để bảo vệ mạng sống người dân dải Gaza khi mà các cuộc ném bom và chiến dịch trên bộ của Israel tiếp tục”.

Cuộc xung đột còn khiến 1,9 triệu người, tương đương 85% dân số tại dải Gaza, bị mất nhà cửa và sống trong tình cảnh thiếu điện, nước, thức ăn và dịch vụ y tế. 

Thiệt hại về dân thường trong hơn hai tháng qua gấp hơn b lần các cuộc giao tranh trước cộng lại. Con số ước tính của Israel được cập nhật đến cuối tháng 10.

Nền kinh tế của Israel và Palestine nhỏ hơn nhiều và mức độ quan trọng của hai quốc gia Trung Đông với nền kinh tế thế giới cũng khó có thể so sánh với Nga hay Ukraine.

Cho đến nay, tác động kinh tế của xung đột Israel - Hamas vẫn chưa lan rộng ra toàn cầu như cuộc đối đầu tại Đông Âu. Tuy nhiên, trong những tuần gần đây, xung đột bén sang những khu vực lân cận, làm dấy lên nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng cũng như một cuộc chiến lớn hơn.

Vài tuần qua, lực lượng Houthi đã sử dụng tên lửa và máy bay không người lái tấn công vào tàu thuyền di chuyển qua Biển Đỏ. Houthi sở hữu những vũ khí có độ chính xác cao, bao gồm cả tên lửa đạn đạo chống hạm (ASBM), với tầm bắn lên tới hơn cả nghìn km.

 

Sau các vụ tấn công của Houthi, Mỹ và các đồng minh đã tăng cường lực lượng, từ đó mở Chiến dịch người bảo vệ thịnh vượng để đảm bảo an ninh cho tàu thuyền tại Biển Đỏ. 

Nhiều hãng tàu và công ty năng lượng lớn đã tuyên bố tạm ngừng sử dụng tuyến Biển Đỏ, thay vào đó lựa chọn con đường dài hơn, đi qua Mũi Hảo Vọng. Hiện chi phí vận tải, bảo hiểm qua khu vực Biển Đỏ đã tăng vọt, làm bùng lên nguy cơ lạm phát toàn cầu. 

Ngoài việc đóng vai trò là tuyến vận tải chủ chốt, khu vực Trung Đông còn là giếng dầu của thế giới. Vào năm 2019, cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của lực lượng Houthi vào cơ sở lọc dầu của Arab Saudi đã khiến nước này mất hơn một nửa sản lượng và làm giá dầu bốc đầu hơn 20%. 

Xung đột Israel - Hamas còn nguy hiểm ở chỗ Israel là một trong số ít các quốc gia có sở hữu vũ khí hạt nhân cũng như các loạt tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). 

Ở phía bên kia chiến, mặc dù chưa sở hữu vũ khí hạt nhân, Iran có năng lực để sản xuất vũ khí hạt nhân chỉ trong vòng vài tháng, theo báo cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Iran là đồng minh của lực lượng Hamas và bị phương Tây cáo buộc hỗ trợ vũ khí cho lực lượng này.

Xung đột Nga - Ukraine: Cuộc đối đầu dài hơi

Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đã định hình nền kinh tế toàn cầu vào năm 2022. Khi thế giới vừa bước ra khỏi đại dịch COVID, xung đột khiến giá hàng hóa và lương thực phi mã, thổi bùng lên lạm phát tại châu Âu, Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Xung đột chút nữa cũng đã đẩy nền kinh tế châu Âu vào cảnh suy thoái. 

Bước sang năm 2023, xung đột không còn diễn ra với tốc độ nhanh chóng như năm 2022. Thay vào đó, hai bên bước vào một cuộc chiến tiêu hao và lợi thế về quân sự, kinh tế của Nga đã mạng lại những kết quả thực tế trên chiến trường. 

Theo thống kê của New York Times, trong năm 2023, dù trong thế phòng thủ, Nga vẫn chiếm được nhiều lãnh thổ hơn Ukraine. Kiev còn mất đi nhiều cứ điểm quan trọng như thành phố Bakmut hay gần đây là Maryinka. Cơ sở hạ tầng của Ukraine cũng tiếp tục bị phá hủy bởi các đợt tấn công bằng tên lửa và bom lượn của Nga. 

Quân đội Nga vừa chiếm được Maryinka hôm 25/12. Thành phố này gần như đã bị biến thành đống đổ nát sau hai năm giao tranh. (Ảnh: AP).

Mặc dù là một trong những cuộc chiến đẫm máu nhất tại châu Âu kể từ Thế chiến II, số thương vong của dân thường tại Ukraine tương đối thấp nếu so với xung đột Israel - Hamas. 

Cụ thể, Cao ủy Liên Hợp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) cho biết kể từ khi cuộc chiến bắt đầu, hơn 10.000 dân thường đã thiệt mạng và 18.500 người bị thương. Xung đột Ukraine đã nổ ra gần 700 ngày còn giao tranh giữa Israel và Hamas bắt đầu cách đây chưa đầy 100 ngày.

Tuy nhiên, thiệt hại về binh sĩ của cả hai bên có thể lên đến hàng trăm nghìn người, tùy thuộc vào nguồn ước tính. Thông tin về con số thương vong chính thức của cả Nga và Ukraine đều được giữ kín. 

Tuy nhiên gần đây, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết quân đội đã đề xuất sẽ huy động thêm từ 450.000 đến 500.000 binh sĩ, trong khi phía Nga khẳng định sẽ không cần huy động bổ sung.

Ở diễn biến khác, bước sang năm 2023, ảnh hưởng kinh tế từ xung đột Ukraine đã giảm bớt khi những đứt gãy chuỗi cung ứng dần được giải quyết. Nga, một trong những nhà xuất khẩu năng lượng và thực phẩm lớn nhất thế giới, đã có thể chuyển hướng một phần nguồn cung từ châu Âu sang những quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ,....

Giá năng lượng và thực phẩm nhờ đó đã bình ổn, giúp lạm phát trên toàn cầu hạ nhiệt đáng kể so với mức đỉnh vào giữa năm 2022. Tỷ lệ lạm phát trung bình toàn cầu trong năm 2023 hạ xuống còn 6,9%, so với mức 8,7% vào năm ngoái. 

 

Sau những khó khăn ban đầu đến từ hơn 10.000 lệnh cấm vận của phương Tây và việc mất đi đối tác xuất khẩu lớn, nền kinh tế Nga đã phục hồi trong năm 2023. Theo dự báo vào tháng 10 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 2,2% trong năm 2023 và 1,1% vào năm tới.

Lạm phát của Nga hạ nhiệt đáng kể, từ mức trung bình 13,8% vào năm 2022 xuống 5,3% trong năm nay. Đồng thời, tỷ lệ thất nghiệp cũng xuống thấp nhất kể từ khi nước Nga được thành lập, ở mức 3,3%, nằm trong nhóm thấp nhất trên thế giới. 

Ngay cả nền kinh tế Ukraine, vốn đang chịu thiệt hại nặng nề từ xung đột, cũng được dự báo sẽ tăng trưởng 2% trong năm nay và 3,2% vào năm tới. Năm 2022, GDP Ukraine sụt giảm 29,1%. 

Tuy nhiên, không phải quốc gia nào cũng tránh khỏi viễn cảnh suy thoái do tác động của cuộc xung đột. Năm 2023, Đức, đầu tàu kinh tế châu Âu, đã chính thức rơi vào cảnh suy thoái sau hai quý tăng trưởng âm liên tiếp. Dự kiến, GDP của nước này sẽ tụt 0,5% trong năm 2023. 

Khi không còn tiếp cận được nguồn dầu khí giá rẻ từ Nga, ngành công nghiệp của Đức đã trở nên kiếm cạnh tranh, trong khi giá năng lượng và chi phí sinh hoạt ngày càng trở nên đắt đỏ. Kết quả là nhiều công ty đã ngừng kế hoạch mở rộng nhà máy hay đầu tư tại nước này và chuyển sang những quốc gia khác như Mỹ, Trung Quốc,...

Sự chia rẽ, đứt gãy trong nền kinh tế toàn cầu do ảnh hưởng từ xung đột Ukraine cũng đang tạo ra những thay đổi trong nền tài chính toàn cầu.

Tỷ trọng đồng nhân dân tệ trong hoạt động tài trợ thương mại (trade financing) đã vượt qua euro, đứng thứ hai thế giới vào tháng 11. Ngày càng nhiều quốc gia trên thế giới muốn nghiên cứu cơ chế để giao dịch mà không sử dụng đồng USD nhằm tránh rủi ro bị trừng phạt.

Minh Quang

Sự kiện chứng khoán nổi bật 2024: Thách thức mốc 1.300 điểm, khối ngoại bán ròng kỷ lục, VNDirect bị hacker quốc tế tấn công
Thị trường chứng khoán Việt Nam tiếp tục tăng trưởng năm thứ hai liên tiếp (2023 - 2024). Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất ngành chứng khoán trong năm qua như sự kiện nhà đầu tư nước ngoài bán ròng kỷ lục, hệ thống của VNDirect bị hacker quốc tế tấn công.