|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Nhân dân tệ mất giá nhưng lại thắng lợi trên phương diện khác

13:58 | 16/11/2023
Chia sẻ
Lãi suất thấp tại Trung Quốc gây áp lực giảm giá lên đồng nhân dân tệ, nhưng đồng thời cũng giúp đồng tiền này được sử dụng nhiều hơn trong các khoản vay quốc tế.

Đồng 1 nhân dân tệ và tờ 100 nhân dân tệ. (Ảnh: Reuters). 

Vốn ngoại tháo chạy

Nền kinh tế Trung Quốc từng được hưởng lợi lớn từ dòng vốn đầu tư nước ngoài. Đến cuối năm ngoái, tổng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) luỹ kế vào Trung Quốc đạt gần 3.500 tỷ USD.

Song, đến quý III năm nay, một điều khác thường đã xảy ra. Dòng vốn FDI chuyển sang âm, lần đầu tiên kể từ khi chính phủ bắt đầu thu thập dữ liệu hàng quý từ năm 1998. Các nhà đầu tư ngoại rút tiền khỏi Trung Quốc nhiều hơn là đổ vào.

Sự đảo chiều này có thể là kết quả khi các nhà đầu tư thất vọng với triển vọng kinh tế và phương hướng chính sách của Trung Quốc. Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), đất nước tỷ dân có thể đạt mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, nhưng nếu tính theo đồng USD, GDP của Trung Quốc có thể sẽ giảm.

Tính từ đầu năm đến nay, giá nhân dân tệ đã sụt gần 5,4% so với USD, rơi xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm. Một trong các nguyên nhân lớn là ngân hàng trung ương Trung Quốc phải cắt giảm lãi suất chính sách để kích thích nền kinh tế, trong khi các nước phương Tây tăng lãi suất để kiểm soát lạm phát. 

Theo tờ Economist, Bắc Kinh cũng khiến nhiều nhà đầu tư lo lắng với chính sách chống dịch COVID cứng nhắc, chính sách quản lý hà khắc đối với các công ty công nghệ và các cuộc điều tra đối với công ty thẩm định nước ngoài, bao gồm Bain, Capvision và Mintz.

Căng thẳng với Mỹ ngày càng trở nên gay gắt, không giúp ích cho tâm lý nhà đầu tư. Cuộc khảo sát của Phòng Thương mại Mỹ tại Trung Quốc hồi tháng 3 phát hiện khoảng 24% doanh nghiệp thành viên đang cân nhắc dời hoạt động sản xuất khỏi Trung Quốc hoặc đã bắt đầu làm vậy, tăng mạnh so với mức 14% một năm trước.

 

Nhân dân tệ càng phổ biến

Tuy nhiên, việc dòng vốn FDI đảo chiều trong quý III cũng có thể phản ánh những thay đổi về mặt kỹ thuật. Lãi suất tại Mỹ đang được duy trì ở mức cao, trong khi chi phí đi vay ở Trung Quốc lại đi xuống.

Trong bối cảnh nói trên, các công ty đa quốc gia có lý do để chuyển tiền mặt ra khỏi quốc gia tỷ dân và hủy bỏ các khoản vay cho công ty con nếu có thể thay thế bằng nguồn tài trợ tại Trung Quốc.

Ông Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế tại công ty nghiên cứu Capital Economics, chỉ ra: “Nhiều doanh nghiệp có thể đi vay với chi phí thấp hơn tại Trung Quốc. Hầu như tất cả mọi doanh nghiệp đều có thể kiếm được lợi nhuận cao hơn từ tiền dự trữ bằng cách chuyển chúng ra nước khác”.

Một mặt, sự kết hợp giữa chênh lệch lãi suất và rạn nứt địa chính trị đã làm tổn thương quá trình toàn cầu hóa. Mặt khác, các yếu tố này có thể đang giúp đỡ một khía cạnh khác của toàn cầu hóa: sự phổ biến của đồng nhân dân tệ.

Trong báo cáo tháng trước, ngân hàng trung ương Trung Quốc chỉ ra rằng chi phí đi vay bằng nhân dân tệ đã giảm xuống khi so với các nền kinh tế lớn khác. Kết quả là các công ty nước ngoài đã phát hành số trái phiếu trị giá 106 tỷ nhân dân tệ tại Trung Quốc trong 8 tháng đầu năm nay, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2022.

Trong tháng 9, nhân dân tệ đã vượt qua euro và trở thành đồng tiền phổ biến thứ hai trong tài trợ thương mại, chiếm 6% các khoản vay thương mại, theo mạng lưới thanh toán SWIFT.

 

Báo cáo mới của cơ sở nghiên cứu AidData cho thấy các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã có một thay đổi “chiến lược" là tăng cường cho các nước thu nhập thấp và trung bình vay vốn bằng đồng nhân dân tệ thay vì USD. Tỷ trọng các khoản vay mới bằng đồng nhân dân tệ tăng vọt từ 6% trong năm 2013 lên 50% vào năm 2021.

Nhiều khoản vay trong số đó được ngân hàng trung ương Trung Quốc cấp cho các nước đang gặp khó khăn về tài khoá. Sau đó, những nước đi vay có thể dùng nhân dân tệ để trả tiền cho các chủ nợ Trung Quốc và IMF, bảo toàn nguồn dự trữ USD khan hiếm cho các nhu cầu khác.

Các tác giả của bài báo cáo viết rằng có thể các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhìn thấy cơ hội “một mũi tên trúng hai đích": ngăn chặn các vụ vỡ nợ và thúc đẩy sự phổ biến của đồng nhân dân tệ trên trường quốc tế.

Các nước vay bằng đồng nhân dân tệ nhiều khả năng sẽ sử dụng đồng tiền này để thanh toán quốc tế, theo nghiên cứu của Giáo sư Saleem Bahaj thuộc Đại học College London và Giáo sư Ricardo Reis thuộc Trường Kinh tế London.

Cho tới nay, 40 nền kinh tế đã ký thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với ngân hàng trung ương Trung Quốc. Việc ký kết các thỏa thuận này giúp tỷ trọng của đồng nhân dân tệ trong thanh toán quốc tế của quốc gia đối tác tăng thêm 1,3 điểm %, hai vị giáo sư cho biết.

Các lệnh trừng phạt mà Mỹ và châu Âu áp đặt lên Nga cũng giúp ích cho nhân dân tệ. Nhà kinh tế Evans-Pritchard cho biết hơn một nửa giao dịch của Trung Quốc đại lục với phần còn lại của thế giới hiện được thanh toán bằng đồng tiền của nước này.

Giang

Toàn cảnh kết quả kinh doanh quý I: Vượt qua giai đoạn khó khăn nhất
SSI Research cho biết kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp niêm yết duy trì tăng trưởng trong quý I/2024, tuy nhiên tốc độ tăng đã chậm lại. Song đơn vị phân tích này nhìn nhận kết quả lợi nhuận của các doanh nghiệp có thể đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định hơn.