|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Dòng vốn ngoại tiếp tục tháo chạy khỏi Trung Quốc, nhà đầu tư rút gần 100 tỷ USD trong tháng 9

14:59 | 23/10/2023
Chia sẻ
Dòng vốn đang ồ ạt tháo chạy khỏi Trung Quốc, gây áp lực lớn lên đồng nhân dân tệ.

Tờ 100 nhân dân tệ Trung Quốc. (Ảnh: Reuters). 

Áp lực lớn

Dòng vốn ngoại đang tháo chạy khỏi Trung Quốc với tốc độ nhanh nhất trong hơn 7 năm, gây thêm áp lực lên đồng nhân dân tệ. Hiện tượng dòng vốn tháo chạy càng trở nên mạnh mẽ trong những tuần gần đây khi cuộc khủng hoảng bất động sản làm lu mờ thông tin tích cực về tốc độ tăng trưởng GDP quý III.

Hôm 20/10, Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc cho biết các ngân hàng nội địa đã bán ròng 19,4 tỷ USD ngoại hối vào tháng 9. Đây là con số cao nhất được ghi nhận kể tháng 11/2018, giai đoạn đỉnh điểm của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung.

Các ngân hàng cũng gửi ròng 53,9 tỷ USD ra nước ngoài cho khách hàng trong tháng 9. Đây là tháng mà dòng vốn tháo chạy mạnh nhất kể từ tháng 1/2016, không lâu sau khi Trung Quốc phá giá đồng nhân dân tệ vào năm 2015.

Còn theo thước đo của Goldman Sachs, lượng vốn bị rút ra khỏi Trung Quốc trong tháng 9 lên đến 75 tỷ USD, tăng 80% so với tháng 8 và là mức cao nhất kể từ cuối năm 2016.

 

Cuộc tháo chạy của dòng vốn đang đè nặng lên đồng nội tệ của Trung Quốc. Theo tờ Bloomberg, nhân dân tệ chỉ cần giảm thêm gần 1% là sẽ quay trở lại mức thấp nhất trong năm 2023. Một phần nguyên nhân của hiện tượng này là sự chênh lệch giữa lãi suất ở Trung Quốc và nước ngoài.

Trong khi nhiều nước phương Tây tăng lãi suất để cố gắng kiểm soát lạm phát, Trung Quốc lại duy trì lãi suất thấp để nỗ lực kích thích nền kinh tế. Chênh lệch giữa lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ và Trung Quốc đã chạm mức cao nhất trong hơn 20 năm.

Các nhà phân tích của Goldman Sachs cảnh báo: “Mức chênh lệch lớn giữa lãi suất ở Mỹ và Trung Quốc nhiều khả năng sẽ tiếp tục đè nặng lên nhân dân tệ và khiến dòng vốn không ngừng tháo chạy trong những tháng tới".

Chứng khoán bị bán tháo

Trung Quốc chứng kiến dòng vốn tháo chạy từ cả tài khoản vãng lai và tài khoản vốn trong tháng 9. Hiện tượng này xảy ra do nhiều nguyên nhân, chẳng hạn như đầu tư trực tiếp suy giảm và nhà đầu tư ngoại tiếp tục bán bớt cổ phiếu đại lục.

Theo dữ liệu của cơ quan lưu ký trái phiếu chính phủ China Central Depository & Clearing, các quỹ đầu tư nước ngoài đã bán ra 13,5 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 1,85 tỷ USD) trái phiếu chính phủ Trung Quốc trong tháng 9.

Tổng lượng trái phiếu chính phủ Trung Quốc mà họ nắm giữ đã giảm xuống khoảng 2.070 tỷ nhân dân tệ (tương đương khoảng 283,67 tỷ USD), mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Thị trường cổ phiếu Trung Quốc cũng đang bị nhà đầu tư quốc tế quay lưng. Chỉ tính trong phiên 19/10, các quỹ đầu tư toàn cầu đã bán 1,6 tỷ USD cổ phiếu Trung Quốc thông qua các liên kết giao dịch với Hong Kong, mức cao nhất trong hơn hai tháng. Cũng trong hôm đó, chỉ số CSI 300 đã rơi xuống mức đáy của năm 2023.

Trong bối cảnh chỉ số Shanghai Composite giảm xuống dưới 3.000 điểm vào ngày 20/10, Morgan Stanley nhận xét rằng cuộc thoái lui của các nhà đầu tư khỏi cổ phiếu Trung Quốc đã bước vào “giai đoạn chưa từng có”. Ngân hàng cũng cảnh báo rằng các quỹ đầu tư toàn cầu có thể sẽ tiếp tục bán ra trừ khi Trung Quốc nới lỏng chính sách hơn nữa.

Các chuyên gia của Morgan Stanley tính toán rằng tổng dòng vốn rút ra khỏi thị trường cổ phiếu Trung Quốc từ ngày 7/8 đến ngày 19/10 đã lên tới 22,1 tỷ USD, mức cao nhất kể từ khi Stock Connect được thành lập. Stock Connect là kênh đầu tư kết nối giữa giữa sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong và Trung Quốc đại lục.

Giang

TS. Cấn Văn Lực: Để ngân hàng bán vàng trực tiếp, giá sẽ lập tức giảm nhưng chỉ là biện pháp trước mắt
Theo TS. Cấn Văn Lực, việc bán vàng qua nhóm ngân hàng Big 4 chỉ là biện pháp trước mắt nhằm tăng nguồn cung trên thị trường khiến giá giảm ngay. Nhưng về lâu dài cần đảm bảo thị trường vàng minh bạch và ngăn chặn thao túng giá, xoá bỏ độc quyền có thể xử lý dứt điểm được câu chuyện chênh lệch giá.