Reuters: Rủi ro kinh tế gia tăng, Trung Quốc yêu cầu các ngân hàng gia hạn nợ cho chính quyền địa phương
Động thái mới của Trung Quốc
Theo hai nguồn tin của Reuters, vào tuần trước, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã yêu cầu các tổ chức cho vay lớn của nhà nước gia hạn (roll over) khoản vay của các chính quyền địa phương.
Đồng thời, PBoC còn kêu gọi các định chế tài chính này điều chỉnh kế hoạch thanh toán và hạ lãi suất đối với các khoản vay tồn đọng của các LGFV, công cụ huy động vốn quan trọng của chính quyền nhiều tỉnh thành.
Một trong hai nguồn tin cho biết, các khoản vay đến hạn vào năm 2024 hoặc trước đó sẽ được phân loại là “bình thường”, thay vì trở thành nợ xấu nếu đã quá hạn thanh toán mà bên đi vay vẫn không trả được nợ.
Điều này sẽ không ảnh hưởng đến đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng, nguồn tin nói thêm.
Nguồn tin còn lại cho biết, để đảm bảo các ngân hàng không phải gánh chịu tổn thất nặng nề từ việc tái cơ cấu nợ, lãi suất cho các khoản vay được gia hạn sẽ không thấp hơn lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc, đồng thời thời hạn cho vay không vượt quá 10 năm.
Hiện, lợi suất trái phiếu chính phủ Trung Quốc kỳ hạn 10 năm đang dao động quanh mức 2,7%, trong khi lãi suất cho vay cơ bản kỳ hạn 1 năm là 3,45%.
Chia sẻ với Reuters, một nhân viên ngân hàng nói: “Lãi suất các khoản vay của LGFV thường vào khoảng 4%, và ở một số khu vực cũng như trong một vài trường hợp, lãi suất có thể cao hơn, khoảng 5 - 8%”.
“Việc gia hạn khoản vay và giảm lãi suất trên quy mô lớn sẽ giáng một đòn đau vào hoạt động của các ngân hàng”, người này nhấn mạnh.
Khối nợ của chính quyền các địa phương là rủi ro lớn đối với nền kinh tế và sự ổn định của hệ thống tài chính Trung Quốc.
Rủi ro càng đáng ngại hơn khi cuộc khủng hoảng của thị trường bất động sản ngày càng trở nên tồi tệ và chính phủ đã tiêu tốn nhiều ngân sách để chống COVID-19 trong ba năm qua.
Ngoài ra, trong thời gian dài, Bắc Kinh còn rót quá nhiều tiền vào các dự án cơ sở hạ tầng để kích thích nền kinh tế.
Khối nợ của các địa phương đã đạt 92.000 tỷ nhân dân tệ (khoảng 12.580 tỷ USD). Theo Reuters, khối nợ này tương đương 76% GDP năm 2022 của Trung Quốc, tăng so với mức 62,2% của năm 2019. Một phần đáng kể trong đó là khoản vay của các LGFV.
Cuộc khủng hoảng bất động sản cũng gây thêm áp lực lên chính quyền các địa phương vì lâu nay việc bán đất cho các nhà phát triển địa ốc là nguồn thu chính của nhiều tỉnh thành.
Kể từ khi lĩnh vực bất động sản lao đao vào giữa năm 2021, các doanh nghiệp chiếm hơn 40% doanh số bán nhà ở Trung Quốc đã vỡ nợ, hầu hết là các nhà phát triển tư nhân.
Rủi ro đáng ngại
Hồi cuối tháng 7, Bộ Chính trị Trung Quốc cho biết họ sẽ công bố một loạt biện pháp nhằm giảm rủi ro nợ nần của các chính quyền địa phương. Song kể từ đó, cơ quan này chưa công bố bất cứ kế hoạch nào.
Trong một báo cáo tuần trước, các nhà phân tích tại ANZ Research nhận định nếu Trung Quốc muốn giảm dần khối nợ trong 20 năm, mỗi năm các địa phương sẽ phải trả khoảng 6.500 tỷ nhân dân tệ.
Theo các nhà phân tích, con số 6.500 tỷ nhân dân tệ này lớn hơn mức tăng GDP danh nghĩa hàng năm ước tính của Trung Quốc trong thập kỷ tới.
Hai nguồn tin của Reuters nói, PBoC sẽ ưu tiên giải quyết rắc rối nợ ở 12 khu vực được xác định là “rủi ro cao”, trong đó có thành phố Thiên Tân, tỉnh Quý Châu và tỉnh Quảng Tây.
Cũng theo hai nguồn tin, PBoC còn khuyến khích các ngân hàng phát hành thêm khoản vay mới để LGFV thanh toán lãi trái phiếu cùng một số khoản vay khác.
Một nghiên cứu của UBS cho thấy, LGFV sẽ phải đối mặt với áp lực lớn khi trái phiếu mà họ phát hành đáo hạn trong năm 2023 và nửa đầu năm 2024.
Hơn 2.100 tỷ nhân dân tệ trái phiếu LGFV đã đáo hạn trong nửa đầu năm 2023 và khoảng 1.750 tỷ nhân dân tệ khác trong nửa cuối năm. Sang nửa đầu năm 2024, giá trị trái phiếu đáo hạn là khoảng 1.690 tỷ nhân dân tệ.
Ngoài ra, PBoC sẽ phối hợp cùng các ngân hàng thương mại thiết lập một công cụ khẩn cấp nhằm cấp khoản vay mới cho các LGFV. Công cụ này sẽ giúp bơm thêm thanh khoản trong ngắn hạn và các LGFV sẽ phải hoàn trả khoản vay trong vòng hai năm, một nguồn tin tiết lộ.
Nguồn tin thứ hai cho biết, tại 12 khu vực có rủi ro cao, một số chính quyền sẽ phải cầm cố hoặc chuyển nhượng cho ngân hàng một phần cổ phần của họ trong các công ty nhà nước tại địa phương để đổi lấy sự hỗ trợ.