|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Kinh tế Trung Quốc trong tháng 9: Cỗ máy xuất khẩu lại suy yếu, áp lực giảm phát chưa dứt

12:21 | 13/10/2023
Chia sẻ
Kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc đã tiếp tục giảm so với cùng kỳ vào tháng 9. Đồng thời, rủi ro giảm phát vẫn đeo bám nền kinh tế.

 

Đồng 100 tệ của Trung Quốc. (Ảnh: Bloomberg).

Theo báo cáo do Tổng cục Hải quan Trung Quốc vừa công bố, vào tháng 9, kim ngạch xuất khẩu tính theo đồng USD của nước này đã giảm 6,2% so với cùng kỳ năm.

Trước đó, các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters dự báo xuất khẩu của Trung Quốc sẽ sụt 7,6%.

Nhập khẩu cũng giảm 6,2% so với một năm trước - cao hơn một chút so với ước tính 6% của các chuyên gia.

Theo CNBC, xuất khẩu của Trung Quốc đã liên tục giảm so với cùng kỳ kể từ tháng 5 năm nay. Trong khi đó, lần gần nhất nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng dương là tháng 9 năm ngoái.

Hoạt đông thương mại của Trung Quốc suy yếu một phần do nhu cầu toàn cầu mờ nhạt và nhu cầu nội địa trầm lắng.

 

Đà phục hồi của nền kinh tế tỷ dân đã chững lại trong vài tháng qua. Cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản càng đè nặng lên tăng trưởng kinh tế.

Đầu tuần này, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã hạ dự báo tăng trưởng GDP năm nay của Trung Quốc từ 5,2% xuống 5%, trong khi giữ nguyên ước tính tăng trưởng toàn cầu ở mức 3%. Năm ngoái, nền kinh tế thế giới tăng trưởng 3,5%.

Báo cáo khác do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã đi ngang so với cùng kỳ vào tháng 9.

Tuy nhiên, CPI lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) lại tăng 0,8% so với một năm trước.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) sụt 2,5% so với cùng kỳ, trong khi Reuters ước tính mức giảm là 2,4%. Tuy vậy, tốc độ giảm của tháng 9 là thấp nhất trong 7 tháng qua.

 

Báo cáo lạm phát mới nhất có thể lần nữa làm dấy lên lo ngại rằng Trung Quốc đang trên bờ vực giảm phát.

Ông Zhang Zhiwei, kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, đánh giá: “Lạm phát giá tiêu dùng ở mức 0 cho thấy giảm phát vẫn là một rủi ro lớn đối với nền kinh tế Trung Quốc”.

“Nhu cầu trong nước sẽ không phục hồi mạnh mẽ nếu chính phủ không bơm thêm nhiều kích thích tài khoá. Tác động của cuộc khủng hoảng bất động sản lên niềm tin của người tiêu dùng sẽ tiếp tục đè nặng nhu cầu của các hộ gia đình”, ông nói.

 

Khả Nhân