Trung Quốc bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp sau hàng chục năm bứt tốc hay đang sa chân vào suy thoái?
“Con rồng” châu Á
Kể từ khi nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình bắt đầu chiến dịch “cải cách và mở cửa” nền kinh tế vào năm 1978, Trung Quốc đã bước vào một thời kỳ tăng trưởng phi thường kéo dài hàng thập kỷ.
Từ một quốc gia nghèo đói, Trung Quốc đã từ từ chuyển mình thành “con rồng” châu Á, và sau đó trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có sức ảnh hưởng to lớn trên nhiều lĩnh vực.
Theo World Bank, trong kỷ nguyên đáng nhớ đó, thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc đã nhảy vọt hơn 25 lần và hơn 800 triệu người đã thoát khỏi cảnh nghèo đói.
GDP của Trung Quốc tăng trung bình 7% mỗi năm trong thập kỷ trước, hơn 10% trong những năm 2000 và nếu tính trong giai đoạn 1978 - 2022 thì tốc độ tăng trưởng hàng năm là hơn 9,1%.
Giới chuyên gia gọi sự trỗi dậy của Trung Quốc là “Chinese Century” (tạm dịch: Thế kỷ của Trung Quốc), hàm ý đất nước tỷ dân sẽ thống trị nền kinh tế và chính trị thế giới, tương tự như cách họ từng gọi Mỹ trong thế kỷ 20.
Để nền kinh tế bứt tốc như vậy, Trung Quốc đã rót rất nhiều vốn vào các dự án cơ sở hạ tầng. Trong giai đoạn 2008 - 2021, trung bình mỗi năm, tỷ lệ vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng tương đương khoảng 44% GDP.
Trong khi đó, mức trung bình toàn cầu là 25% và con số của Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, là khoảng 20%, theo World Bank.
Nhờ vậy, Trung Quốc đã xây dựng thêm được hàng chục nghìn km đường cao tốc, hàng trăm sân bay và mạng lưới tàu cao tốc lớn nhất thế giới với chiều dài gần 40.000 km, theo Tổ chức Đường sắt Thế giới.
Đồng thời, nhờ lực lượng lao động dồi dào và giá rẻ, Trung Quốc đã trở thành công xưởng của thế giới, sản xuất đủ loại sản phẩm từ đồ chơi cho đến điện thoại thông minh, máy tính.
Năm 2022, nước này xuất khẩu được 23.970 tỷ nhân dân tệ hàng hoá (tương đương gần 3.600 tỷ USD), theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc. Kể từ khi vượt Đức vào năm 2009, Trung Quốc vẫn giữ vững vị trí nhà xuất khẩu số một thế giới.
Bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp...
Hiện giờ, mô hình tăng trưởng kiểu cũ đã không còn hiệu quả và nền kinh tế Trung Quốc đang bị loạt khó khăn bủa vây. Hai động cơ tăng trưởng chính trong quá khứ là xuất khẩu và bất động sản đều đang gặp trục trặc.
Kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc đã giảm 14,5% so với cùng kỳ vào tháng 7 năm nay. Xuất khẩu sang Mỹ lao dốc 23,1% so với một năm trước, trong khi sang Liên minh châu Âu (EU) và ASEAN giảm lần lượt 20,6% và 21,4%.
Một mặt, nhu cầu tiêu dùng của các nền kinh phương Tây đã chững lại dưới tác động của chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ.
Mặt khác, việc các nước tìm kiếm đối tác mới nhằm giảm bớt rủi ro với thị trường Trung Quốc cũng tác động đến cỗ máy xuất khẩu của nước này. Đầu năm nay, Mexico đã vượt Trung Quốc, lấy lại ngôi vị đối tác thương mại số một của Mỹ.
Trong khi đó, kể từ khi chính phủ thắt chặt kiểm soát nhằm kiềm chế thói quen vay nợ của doanh nghiệp vào ba năm trước, thị trường bất động sản Trung Quốc vẫn đang tiếp tục chìm sâu vào khủng hoảng.
Giá nhà cùng doanh số bán nhà lao dốc, đẩy các nhà phát triển vào cảnh chật vật về dòng tiền. Nhiều quân domino đã ngã xuống và dự kiến sẽ còn thêm những cái tên khác trong tương lai.
Năm 2021, tập đoàn Evergrande gây rúng động thị trường tài chính toàn cầu khi vỡ nợ trái phiếu. Hai năm sau, Country Garden - từng là nhà phát triển lớn nhất Trung Quốc theo doanh thu - đang đứng trên bờ vực vỡ nợ.
Ngoài ra, Trung Quốc còn phải đối mặt với những bất lợi về nhân khẩu học. Người trẻ đang ngày càng ngại lập gia đình, dẫn đến tỷ lệ sinh sụt giảm. Đồng thời, dân số già hoá đang khiến lực lượng lao động thu hẹp, kéo chi phí nhân công đi lên.
Hôm 15/8, Trung tâm Dân số và Nghiên cứu Phát triển Trung Quốc ước tính tỷ lệ sinh tại nước này đã giảm xuống mức kỷ lục là 1,09 trẻ/phụ nữ vào năm 2022. Trung Quốc hiện đang xếp hạng chót trong danh sách các quốc gia có dân số trên 100 triệu.
Trước đó một tuần, Trung tâm Khoa học Y tế thuộc Đại học Bắc Kinh cảnh báo số ca sinh ở Trung Quốc có thể chỉ đạt khoảng 7 đến 8 triệu trong năm 2023. Trong vòng 5 năm qua, số ca sinh đã sụt khoảng 40%.
Đáng ngại nữa là tỷ lệ thất nghiệp ở nhóm người trẻ từ 16 đến 24 tuổi đã liên tục phá đỉnh lịch sử trong nhiều tháng qua. Vào tháng 6 năm nay, tỷ lệ này đạt 21,6%.
Bên cạnh đó, mối quan hệ với Mỹ ngày càng rạn nứt cũng khiến Trung Quốc khó tiếp cận các công nghệ hiện đại như chất bán dẫn - thành phần quan trọng để phát triển nền kinh tế công nghệ cao mà Chủ tịch Tập Cận Bình mong muốn.
Trong bối cảnh đầy thách thức như vậy, đáng lẽ chính phủ Trung Quốc phải bơm kích thích vào nền kinh tế để củng cố tăng trưởng.
Song, cho đến nay, Bắc Kinh vẫn chần chừ vì lo khối nợ trong nền kinh tế phình to trở lại, cũng như không thể nới lỏng tiền tệ vì sợ dòng vốn tháo chạy sang các nền kinh tế có lãi suất cao hơn nhiều như Mỹ.
Ngoài ra, ông Tập đang đặt mục tiêu khác là bảo vệ an ninh quốc gia, nâng tỷ trọng của các ngành công nghệ cao như vi mạch và năng lượng sạch như xe điện trong tăng trưởng, hướng đến một “nền kinh tế mới”.
Năm ngoái, GDP của Trung Quốc chỉ tăng 3% so với năm trước, thấp hơn nhiều so với mục tiêu 5,5% mà Bắc Kinh đề ra. Năm nay mục tiêu là khoảng 5% nhưng có thể Bắc Kinh sẽ không hoàn thành kế hoạch đã đặt ra.
Hồi tháng 7, JPMorgan Chase, Morgan Stanley và Citigroup đã đồng loạt hạ dự báo tăng trưởng năm 2023 của Trung Quốc từ khoảng 5,5% xuống còn 5%. Các ngân hàng Phố Wall này cảnh báo mục tiêu 5% cũng không dễ đạt được.
Trong báo cáo công bố vào tháng 7, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã đưa ra dự báo tăng trưởng GDP đến năm 2028, như thể hiện bằng phần màu vàng trong biểu đồ đầu tiên.
So với mức trung bình hơn 9% mỗi năm trong giai đoạn 1978 - 2022, tốc độ tăng trưởng dự kiến nêu trên là khá thấp. Điều này khiến các nhà kinh tế lo sợ là Trung Quốc đang bước vào thời kỳ tăng trưởng thấp hơn nhiều so với giai đoạn trước.
Thậm chí, nước này có thể không bao giờ có thể trở nên giàu có, mà thay vào đó sẽ sa vào bẫy thu nhập trung bình. Dữ liệu của World Bank chỉ ra, thu nhập bình quân đầu người tại Trung Quốc vào năm ngoái là 12.850 USD, dưới ngưỡng mà cơ quan này cho là mức tối thiểu để trở thành một quốc gia có thu nhập cao.
...hay đang sa chân vào suy thoái?
Đáng ngại hơn là, cùng với nguy cơ tăng trưởng thấp hơn hẳn giai đoạn trước, nền kinh tế Trung Quốc đang xuất hiện dấu hiệu của một cuộc suy thoái từng ám ảnh Nhật Bản trong hàng chục năm: suy thoái bảng cân đối kế toán.
Cuối những năm 1980, tín dụng trong nền kinh tế tăng mạnh đã tạo ra một bong bóng tài sản tại Nhật Bản. Đầu những năm 1990, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) quyết định thắt chặt chính sách, khiến giá đất và chứng khoán lao dốc.
Bong bóng tài sản đổ vỡ, kết hợp cùng với cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, đã đẩy Nhật Bản vào “thập kỷ mất mát”. Trong giai đoạn đáng quên đó, tăng trưởng GDP trung bình của Nhật Bản là 1,2%, thấp hơn nhiều so với các nước G7 khác.
Chính quyền Tokyo phải mất hàng chục năm kích cầu, trong khi BoJ phải áp dụng một loạt chính sách nới lỏng nhằm giảm bớt nguy cơ các định chế tài chính mất khả năng thanh toán nợ.
Nhà kinh tế Richard Koo đã sáng tạo ra thuật ngữ “suy thoái bảng cân đối kế toán” để mô tả những gì Nhật bản từng trải qua.
Theo ông Koo, trong một cuộc suy thoái kiểu này, các doanh nghiệp tư nhân và hộ gia đình sẽ tập trung giảm khối nợ hoặc tiết kiệm thay vì tối đa hoá lợi nhuận.
Do đó, khu vực tư nhân sẽ chỉ huy động vốn để chi trả nợ nần chứ không mở rộng quy mô đầu tư hay tiêu dùng. Vốn nằm im trong hệ thống tài chính và tổng cầu sẽ giảm dần, gây ra tình trạng giảm phát.
GDP sẽ tiếp tục đi xuống cho đến khi khu vực tư nhân “sửa” xong bảng cân đối kế toán hoặc khi họ không còn khả năng tiết kiệm thêm nữa.
Chia sẻ với Bloomberg vào cuối tháng 6, ông Koo, hiện là kinh tế trưởng của Viện Nghiên cứu Nomura, nhận định: “Trung Quốc đang bước vào thời kỳ suy thoái bảng cân đối kế toán. Mọi người không còn vay tiền nữa”.
Quả thực, hoạt động đi vay thế chấp của người dân Trung Quốc đang trong đà giảm, giá nhà thì đã lao dốc từ năm ngoái và doanh nghiệp tư nhân đúng là đang ngần ngại vay mượn và đầu tư. Tình trạng giảm phát đã xuất hiện.
Do chính sách tiền tệ từng thất bại tại Nhật Bản, giải pháp cho Trung Quốc, nếu nước này thực sự đang rơi vào một cuộc suy thoái bảng cân đối kế toán, là kích thích tài khoá với quy mô lớn, nhanh chóng và trong thời gian tương đối.
Tuy nhiên, trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg, ông Koo cũng dự đoán Bắc Kinh sẽ không làm như vậy do lo ngại về khối nợ trong nền kinh tế.
Dù vậy, có một số điểm khác biệt cần lưu ý giữa trường hợp suy thoái của Nhật Bản và tình hình của Trung Quốc hiện nay.
Thứ nhất, giá bất động sản tại Trung Quốc hiện cũng đang đi xuống như tại Nhật Bản vào những năm 1990, nhưng mức độ sụt giá lại không nghiêm trọng bằng. Nhà kinh tế Richard Koo nói “Trung Quốc sẽ không cho phép chuyện đó xảy ra”.
Thứ hai, theo cựu kinh tế trưởng Raghuram Rajan của IMF, “Trung Quốc có một hệ thống quản trị khá mạnh, Bắc Kinh có thể đẩy các khoản lỗ vào những nơi có thể hấp thụ chúng”.
Tóm lại, với những thách thức lớn như trên, triển vọng của nền kinh tế Trung Quốc đang không mấy sáng sủa. Thay vì trở thành người giải cứu nền kinh tế toàn cầu như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đang trở thành một nỗi lo cho các quốc gia khác.