|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Quan chức Fed: Lợi suất tăng và USD giảm là dấu hiệu nhà đầu tư đang rời bỏ Mỹ

07:21 | 13/04/2025
Chia sẻ
Theo Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis, các diễn biến gần đây trên thị trường tài chính là dấu hiệu cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào các tài sản Mỹ đang lung lay.

 

Ông Neel Kashkari, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) chi nhánh Minneapolis. (Ảnh: Getty Images).

Hôm 11/4, Chủ tịch Fed chi nhánh Minneapolis Neel Kashkari cho biết các xu hướng thị trường gần đây cho thấy nhà đầu tư đang tránh xa, dần không coi Mỹ là nơi an toàn nhất khi cuộc thương chiến của Tổng thống Donald Trump leo thang.

Trong bối cảnh lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ bật tăng và đồng USD giảm so với các đồng tiền khác trên thế giới trong vài ngày gần đây, các xu hướng này đang đi ngược lại những gì nhà đầu tư thường thấy, ông Kashkari nhấn mạnh với CNBC.

“Thông thường, khi bạn thấy thuế quan tăng mạnh, tôi tin tưởng đồng USD sẽ đi lên. Thực tế là đồng bạc xanh lại giảm xuống, cho thấy có khả năng nhà đầu tư đang thay đổi ưu tiên”, vị quan chức Fed nói.

Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã nhảy vọt trong tuần này sau khi ông Trump thông báo chính sách thuế quan đối ứng với các đối tác thương mại của Mỹ.

Đến hôm 9/4, chủ nhân Nhà Trắng mới đổi ý, tạm hoãn các mức thuế đối ứng cao hơn với gần 60 đối tác thương mại lớn nhưng tăng thuế với Trung Quốc lên 125%.

Cùng lúc, đồng bạc xanh đã giảm hơn 3% so với rổ tiền tệ toàn cầu. Các diễn biến của đồng tiền này có khả năng báo hiệu sự quay lưng của nhà đầu tư đối với các tài sản trú ẩn an toàn của Mỹ.

“Các nhà đầu tư trên toàn thế giới từng coi Mỹ là nơi tốt nhất để đầu tư và nếu điều đó là đúng, chúng ta sẽ có thâm hụt thương mại...

Nếu thâm hụt thương mại giảm, có thể các nhà đầu tư sẽ phát tín hiệu ‘Mỹ không còn là nơi hấp dẫn nhất thế giới để đầu tư nữa’ và sau đó, bạn sẽ thấy lợi suất trái phiếu tăng lên”, ông Kashkari lập luận.

Tuy nhiên, người đứng đầu Fed chi nhánh Minneapolis lưu ý rằng dù ông thấy “căng thẳng”, hoạt động thị trường đang không có sự gián đoạn đáng kể nào.

Ông Kashkari không phải là thành viên có quyền bỏ phiếu trong Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC, tức cơ quan hoạch định chính sách của Fed) trong năm nay mà phải chờ đến năm 2026.

Vị quan chức tiết lộ rằng trọng tâm của ông trong môi trường hiện tại là giữ kỳ vọng lạm phát ở mức ổn định. Ông cũng đồng tình với các đồng nghiệp khác rằng lãi suất khó có thể thay đổi nếu Fed chưa đánh giá rõ tác động của chính sách tài khoá và thương mại.

 

Khả Nhân