|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Giá NDT xuống đáy 17 năm, có phải Trung Quốc đang cân nhắc phá giá tiền tệ?

11:50 | 10/04/2025
Chia sẻ
Biện pháp phá giá nhân dân tệ sẽ là con dao hai lưỡi với Trung Quốc.

Tiền giấy của Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images). 

Diễn biến đáng chú ý

Vào ngày 10/4, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) đã quyết định tiếp tục hạ tỷ giá trung tâm của đồng nhân dân tệ (ký hiệu là CNY), tương tự như 5 phiên giao dịch trước. Sau động thái của PBoC, giá đồng nội tệ của Trung Quốc đã giảm xuống còn 7,3518 CNY đổi 1 USD, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2007.

Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới chưa có dấu hiệu sẽ hạ nhiệt. Hôm 9/4, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tăng thuế quan đối với hàng hóa Trung Quốc lên 125%, dù ông tạm hoãn thuế quan đối ứng cho gần 60 đối tác thương mại khác. Trước đó, Bắc Kinh thông báp áp thuế quan 84% lên mọi hàng hóa Mỹ để trả đũa.

Áp lực lên CNY ngày càng gia tăng trong bối cảnh thị trường dự đoán Bắc Kinh có thể để đồng nội tệ suy yếu nhằm đối phó với tác động từ thuế quan của Mỹ và tăng cường sức hấp dẫn của hàng xuất khẩu.

Các ván cược cho rằng PBoC sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ nhằm hỗ trợ nền kinh tế cũng đang đè nặng lên CNY.

Bà Fiona Lim, chuyên gia ngoại hối cấp cao tại Malayan Banking Berhad, bình luận: “Do từ giờ ông Trump sẽ chuyển hết sự chú ý sang Trung Quốc, CNY có thể sẽ tiếp tục xu hướng suy yếu vừa phải. Các quan chức Trung Quốc có vẻ muốn đảm bảo rằng sự mất giá của CNY không trở nên quá hỗn loạn và mang tính đầu cơ".

Số nhà đầu tư đặt cược CNY sẽ mất giá đã tăng lên sau khi PBoC hạ giá đồng nội tệ xuống dưới “lằn ranh đỏ” không chính thức là 7,2 CNY đổi 1 USD trong tuần này.

Liệu Trung Quốc có phá giá giá đồng nội tệ?

Trái với đồn đoán của một bộ phận nhà đầu tư, Trung Quốc vẫn tránh giảm mạnh giá CNY dù xung đột thương mại với Mỹ liên tục leo thang trong những ngày qua.

Việc phá giá CNY có khả năng thúc đẩy lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc, nhưng cũng đi kèm với cái giá đắt. CNY giảm mạnh có thể làm tổn thương niềm tin của nhà đầu tư vào các tài sản Trung Quốc và khiến Mỹ tức giận hơn nữa. Từ trước, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc thao túng tiền tệ để làm giảm tác động của thuế quan.

Ông David Qu, nhà kinh tế của Bloomberg Economics, nhận định: “PBoC sẽ không để CNY lao dốc, bởi thiệt hại đến sự ổn định tài chính và tâm lý thị trường sẽ triệt tiêu bất kỳ lợi ích nào từ mức tỷ giá cạnh tranh”.

Ông Vishnu Varathan, trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô khu vực châu Á không tính thị trường Nhật Bản của ngân hàng Mizuho, cũng đồng tình rằng Trung Quốc “không mong muốn và sẽ không theo đuổi” chiến lược phá giá CNY vì các quan chức coi trọng ổn định tài chính.

Nhưng ông lưu ý trong thời gian tới, PBoC có thể để CNY suy yếu vừa phải để hấp thụ bớt tác động từ thuế quan của ông Trump.

Đối mặt với mức thuế quan cao của ông Trump, Trung Quốc đã trả đũa bằng các biện pháp thuế quan và phi thuế quan, ví dụ như hạn chế xuất khẩu đất hiếm và thêm một số doanh nghiệp Mỹ vào danh sách “thực thể không đáng tin cậy”.

Tuy nhiên, ông Larry Hu, nhà kinh tế cấp cao tại ngân hàng Macquarie, dự đoán Bắc Kinh sẽ không cho phép CNY giảm trên 10%. Ngoài việc muốn duy trì sự ổn định của đồng tiền, Bắc Kinh có thể cũng muốn thể hiện bản thân là đối tác đáng tin cậy trong những giai đoạn hỗn loạn.

Và dù tâm lý bi quan về CNY gia tăng, PBoC cũng có công cụ để hỗ trợ đồng nội tệ. Nguồn tin của Reuters cho biết PBoC đã yêu cầu các ngân hàng nhà nước giảm mua USD vào ngày 9/4. Nguồn tin của Bloomberg cũng tiết lộ các ngân hàng nhà nước Trung Quốc đã bán ra lượng lớn USD trong phiên giao dịch sáng 9/4.  

Giang