|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Thương chiến với Mỹ chưa hết nóng, Trung Quốc đón thêm tin buồn khác

10:41 | 10/04/2025
Chia sẻ
Bài toán giảm phát của Trung Quốc vẫn chưa có lời giải, bằng chứng là số liệu giá tiêu dùng và giá sản xuất tháng 3.

 

Một khách hàng lựa chọn rau củ trong một siêu thị tại thành phố Mạnh Tử, tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. (Ảnh: Getty Images).

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước vào tháng 3, cho thấy nền kinh tế tỷ dân vẫn đang trong vùng giảm phát. Kết quả này trái ngược với dự đoán đi ngang của các nhà kinh tế được Reuters thăm dò.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) tụt 2,5% so với cùng kỳ năm trước, tệ hơn dự đoán giảm 2,3% của các chuyên gia. Đây là mức giảm mạnh nhất kể từ tháng 11/2024 và đồng thời đánh dấu tháng thứ 29 liên tiếp giá sản xuất ở vùng giảm phát.

Hai số liệu mới được Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố vào đầu ngày 10/4, không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tăng mạnh thuế quan lên hàng hoá Trung Quốc từ 104% lên 125%. Vài giờ trước đó, Trung Quốc đã trả đũa bằng cách áp thuế 84% vào hàng hoá Mỹ.

Sau khi hai báo cáo giá được công bố, đồng nhân dân tệ ở thị trường trong nước đã suy yếu và giao dịch quanh mức 7,35 nhân dân tệ đổi 1 USD, trong khi chỉ số chứng khoán CSI 300 nhích tăng 0,82%.

 

Hồi đầu tháng 3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã trình bày báo cáo công tác chính phủ thường niên, trong đó nêu rõ thúc đẩy tiêu dùng là nhiệm vụ hàng đầu của năm 2025, khi Bắc Kinh đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đầy tham vọng trong “khoảng 5%”.

Đây là lần đầu tiên trong một thập kỷ, Bắc Kinh ưu tiên tiêu dùng như vậy, bà Laura Wang, chiến lược gia trưởng về cổ phiếu Trung Quốc tại ngân hàng Morgan Stanley, đánh giá. Bà lưu ý báo cáo công tác của chính phủ đã nhắc đến từ “tiêu dùng” 27 lần - nhiều nhất trong một thập kỷ.

Mặc dù Bắc Kinh không nối gót Mỹ hoặc các nước khác phát tiền trực tiếp đến người tiêu dùng, các nhà hoạch định chính sách ngày càng nhấn mạnh đến việc cần phải chống lại áp lực giảm phát trong nước.

Nhằm thúc đẩy tiêu dùng nội địa, vào tháng 3, các quan chức Trung Quốc đã tăng gấp đôi quy mô chương trình thu cũ đổi mới hàng tiêu dùng năm nay lên 300 tỷ nhân dân tệ (khoảng 41,5 tỷ USD).

Các khoản trợ cấp theo chương trình thu cũ đổi mới sẽ chi trả khoảng 15% đến 20% giá trị nhiều sản phẩm, chẳng hạn như điện thoại thông minh tầm trung và thiết bị gia dụng.

Mùa hè năm ngoái, Bắc Kinh triển khai chương trình này với quy mô khoảng 150 tỷ nhân dân tệ và áp dụng cho danh sách sản phẩm hẹp hơn.

Hồi tháng 3, ông Shen Danyang, Giám đốc Văn phòng Nghiên cứu của Quốc vụ viện, nhấn mạnh Trung Quốc cần phải tập trung nhiều hơn vào nhu cầu trong nước do khả năng xảy ra “cú sốc mới” đối với nhu cầu ở nước ngoài.

 

Yên Khê