|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Tài chính

Cách một sàn tiền ảo đã tung hô chiến thắng, lừa 16.000 người dân Argentina 'vào tròng'

09:56 | 13/04/2025
Chia sẻ
Tại San Pedro, Argentina, 16.000 người đã đăng ký tham gia một sàn giao dịch tiền điện tử nơi mọi người đều thắng nhưng thực tế lại là một trò lừa đảo.

Theo New York Times, tại một buổi tiệc nướng ngoài trời ở San Pedro, Argentina vào tháng 5 năm ngoái, Rafael Flaiman để ý thấy một người bạn mặc một chiếc áo khoác blazer màu xanh nhạt trông có vẻ quá bảnh bao so với không khí buổi tiệc. Anh trêu chọc người bạn một chút.

"Chiếc áo khoác này là sao đây?" Flaiman hỏi.

"La China trả tiền đó”, người bạn trả lời, kèm theo một nụ cười đắc thắng.

La China ư? Flaiman lớn lên ở San Pedro, một thị trấn ven bên sông còn nhiều khó khăn với 70.000 dân cư, và đã làm phóng viên cho tờ báo địa phương La Opinión suốt 16 năm. Thế nhưng, anh chưa từng nghe đến ai có tên là La China, tiếng Tây Ban Nha nghĩa là "cô gái Trung Quốc", và cũng không hiểu vì sao cô ấy lại mua một chiếc blazer bóng bẩy cho bạn mình.

Một vài người trong số 20 người dự tiệc thì biết rất rõ về nhân vật bí ẩn này và háo hức giải thích cách đặc biệt mà cô ấy đã giúp họ kiếm được tiền.

Mỗi tối trong tuần, vào khoảng 9 giờ tối, họ nói rằng La China xuất hiện trên kênh Telegram của một sàn giao dịch tiền mã hóa có tên RainbowEx.

Trên đó, cô nhắn tin chỉ dẫn mua một loại tiền mã hóa nào đó, thường là một loại hiếm và ít người giao dịch mà người trong ngành gọi là memecoin, với một mức giá cụ thể. Tin nhắn cũng nói rõ rằng nên bán đồng coin đó khi nó đạt tới một mức giá cao hơn, và nó luôn đạt được mức giá đó chỉ sau đó không lâu.

Rafael Flaiman, một phóng viên tại tờ báo địa phương La Opinión, lần đầu nghe về La China và RainbowEx tại một bữa tiệc nướng. (Ảnh: The New York Times).

Mọi việc diễn ra đều đặn như đồng hồ vậy. Tất cả mọi người trên RainbowEx mua đồng coin đó, giá trị của nó tăng lên, rồi ai nấy đều bán ra. Số dư trong tài khoản RainbowEx của họ nhích lên.

Không ai biết La China là ai, cô ấy đang ở đâu, hay thậm chí cô ấy có thật hay không. Trên kênh Telegram của RainbowEx, cô chỉ là một bức ảnh của một cô gái châu Á trẻ tuổi. Người bạn mặc áo blazer mới rút điện thoại ra và cho Flaiman xem hình ảnh về những món đồ mà người dân địa phương đã mua được nhờ La China: một chiếc ô tô, một chiếc xe máy, một chiếc tivi. Có người thậm chí còn đang sửa sang lại nhà cửa.

Đây là những khoản chi tiêu lớn ở San Pedro, một nơi nổi tiếng với vụ mùa cam hàng năm, một nhà máy sản xuất giấy lớn và hầu như không có gì khác khi nói đến cơ hội kiếm tiền. Bên cạnh đó, không phải chỉ riêng San Pedro khó khăn. Trong nhiều thập kỷ, Argentina đã phải chịu đựng các đợt siêu lạm phát, và hai năm trước, tỷ lệ lạm phát hàng năm đã đạt mức kinh hoàng 211%. Gần đây, tỷ lệ này đã giảm xuống khoảng 67%, và ở đây, con số đó được coi là một sự nhẹ nhõm lớn.

Một số người tham gia buổi tiệc tối hôm đó cho rằng RainbowEx có thể không chỉ là một cách mới để mua được chiếc áo khoác hợp mốt. Nó có thể là nền móng cho một nền kinh tế thay thế, tạo ra lợi nhuận vô hình và không bị đánh thuế. La China có thể mang lại sự an toàn kinh tế, điều mà chính phủ đã không làm được.

Cũng có những người hoài nghi. Các nhà đầu tư trên RainbowEx nhận được 20% lợi nhuận từ những người mới tham gia mà họ giới thiệu, một đặc điểm kinh điển của mô hình kim tự tháp. Hơn nữa, sàn giao dịch này được cho là mang lại lợi nhuận lên tới 2% mỗi ngày, tức là khoảng 137.000% trong một năm. Những con số thật khó tin.

Ông Flaiman, 44 tuổi, ở lại buổi tiệc đến tận 3 giờ sáng Chủ nhật. Hôm đó, Lilí Berardi, chủ bút của tờ báo La Opinión, nghe tin từ một người bạn được mời tham gia RainbowEx. Trong những tuần tiếp theo, cô gặp thêm nhiều người khác đã đăng ký, và khi cô đặt ra những câu hỏi mang tính chất cảnh báo, họ đều trả lời theo những cách khác nhau của một câu nói quen thuộc:

“Chị quan tâm làm gì chuyện tôi làm với tiền của mình? Tiền của tôi mà.”

Lilí Berardi, chủ bút của tờ La Opinión, tại văn phòng ở San Pedro. (Ảnh: The New York Times).

Cảm xúc đó, cũng giống như La China, nhanh chóng lan truyền. Trong những tháng tiếp theo, gần một phần năm dân số San Pedro, khoảng 16.000 người, đã đầu tư vào RainbowEx bằng cách đổ hàng chục triệu đô la cho sàn giao dịch này. Một người dân chia sẻ, tới tháng 9 năm 2024, đường phố trở nên yên ắng vào lúc 9 giờ tối vì mọi người đều đang chờ đợi tín hiệu đầu tư mới nhất.

Cuối cùng, thị trấn nhỏ bé San Pedro đã trở thành một câu chuyện mang tầm quốc gia và nhắc lại một bài học cũ “xưa như Trái đất”: Khi người ta tin rằng mình sắp đổi đời, họ sẽ sẵn sàng tin vào bất kỳ điều hư cấu nào. Và ở trung tâm của câu chuyện hư cấu ấy là một nhân vật dường như được “sinh ra” đúng thời điểm: một phần là chuyên gia “thì thầm” về tiền số, một phần là anh hùng trong chuyện cổ tích.

“La China đã nằm trong tầm ngắm của chúng tôi một thời gian”, bà Berardi chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn gần đây, “nhưng làm sao bạn có thể cảnh báo những người không muốn được cảnh báo?”

Thị trấn nhỏ với những câu kể chuyện kỳ lạ

Argentina từ lâu đã là “mảnh đất màu mỡ” cho các vụ bê bối tài chính. Ngay cả tổng thống nước này, Javier Milei, cũng từng dính dáng. Hồi tháng Hai, ông từng quảng bá một loại memecoin có tên là $Libra. Nó sụp đổ không lâu sau khi ông Milei hết lời ca ngợi trên X (trước đây là Twitter). Các nhà đầu tư nhỏ lẻ đã mất khoảng 250 triệu USD. (Tổng thống sau đó đã xóa bài đăng và ra lệnh điều tra.)

Các chiêu trò làm giàu nhanh chóng xuất hiện liên tục, nhắm đến mọi đối tượng, từ các nhà nữ quyền cho đến fan hâm mộ của Lionel Messi.

Người dân địa phương nói rằng San Pedro là vùng đất màu mỡ cho những tay buôn chuyện bịp. Từng là một trung tâm giao thương nông sản, thị trấn này nằm bên sông Paraná, cách Buenos Aires khoảng 160 km về phía tây bắc, với khu trung tâm nhỏ dễ đi bộ, gần như mỗi dãy phố đều có một tiệm kem, và chó hoang nằm ngủ tràn ra vỉa hè. Thị trấn đủ nhỏ để ai cũng biết mặt nhau.

Một góc phố San Pedro, Argentina. (Ảnh: The New York Times).

Bà Berardi, 65 tuổi, là "nữ hoàng truyền thông" của mạng lưới xã hội địa phương này. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây tại văn phòng của La Opinión, bà mặc một chiếc váy in hoa kiểu caftan và đeo vòng cổ dây thừng, toát lên vẻ bình thản, dù qua sự nghiệp của bà, có thể thấy bên trong ẩn chứa một ý chí sắt thép.

Là con gái của một người nhập cư gốc Ý, bà sinh ra tại San Pedro và ban đầu định theo đuổi sự nghiệp luật. Năm 1983, khi chế độ độc tài quân sự ở Argentina kết thúc, báo chí tự do bắt đầu nở rộ, và hai năm sau, bà gia nhập đội ngũ của đài phát thanh duy nhất trong thị trấn. Bà sáng lập La Opinión vào năm 1992. Phiên bản báo in đã phải ngừng phát hành do đại dịch Covid vào năm 2020. Hiện nay, La Opinión hoạt động dưới hình thức một trang web cùng với một chương trình phát thanh và livestream hàng tuần do chính bà Berardi dẫn dắt, thu hút lượng khán giả trung thành tại địa phương.

Văn phòng tòa soạn là một mê cung những căn phòng nhỏ chất đầy đồ đạc, nằm trên một con phố phụ ở trung tâm thị trấn. Phía sau là một khu trưng bày kiểu bảo tàng kể lại lịch sử của La Opinión, với máy đánh chữ, điện thoại di động và các thiết bị làm báo khác, cùng nhiều giải thưởng.

Các bài báo cũ được dán đầy trên tường. Toàn bộ đội ngũ hiện tại chỉ có chín nhân viên. Tài chính vẫn rất eo hẹp. Một trong các phòng làm việc thậm chí đã được cải tạo thành chỗ nghỉ cho khách du lịch, với giá thuê 70 đô một đêm vào cuối tuần.

Lilé Berardi sáng lập La Opinión vào năm 1992. Phiên bản báo in, với các trang báo được phủ sơn bóng dán trên tường, đã trở thành nạn nhân của đại dịch Covid. (Ảnh: The New York Times).

Dù phần lớn nội dung của La Opinión mang tính đời thường, San Pedro cũng không thiếu những câu chuyện lớn, kỳ quặc.

Năm 2007, đó là câu chuyện về một người Jamaica tự nhận là doanh nhân tên Max Higgins, người đã kêu gọi vốn cho một dự án mà ông ta tuyên bố sẽ trở thành công viên giải trí Disney đầu tiên ở Nam Mỹ, mang tên Disney Mundo, đặt tại vùng ngoại ô của thị trấn. Ông ta công bố kế hoạch này một cách hoành tráng: đáp trực thăng xuống khu đất được cho là nơi sẽ xây dựng công viên, bên cạnh là những người đàn ông mặc trang phục Trung Đông, được nói là các đối tác đến từ Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất.

Bà Berardi nhớ lại đã xem kỹ các bức ảnh của sự kiện và nhận thấy những chiếc khăn choàng đầu của “người Trung Đông” trông giống… khăn trải bàn. Kế hoạch sụp đổ không lâu sau khi Tập đoàn Walt Disney chính thức tuyên bố rằng họ chưa từng nghe đến cái tên Max Higgins. La Opinión sau đó đã đăng các bài viết về những nhà thầu xây dựng tố cáo Higgins không thanh toán tiền công. Khoảng 5.000 người, phần lớn đến từ Trung Mỹ, đã mất tiền đầu tư.

Về sau, người ta phát hiện ông Higgins đi chân trần và vô gia cư trong một công viên ở Buenos Aires, mang theo một chiếc cặp. Các bản tin vào tháng 10 năm ngoái cho biết ông đã được đưa vào một bệnh viện tâm thần.

Khi bà Berardi và ông Flaiman lần đầu nghe về La China, họ lập tức nghĩ đến Disney Mundo. Dự án đó đã thất bại ngay từ lúc khởi đầu, một lời nói dối quá công khai và táo bạo đến mức khó hiểu tại sao ông Higgins lại tin rằng nó có thể thành công. Ấy vậy mà một số cư dân San Pedro lại tức giận với La Opinión. Họ đã hình dung ra hàng ngàn việc làm và làn sóng du khách đổ về, một viễn cảnh hấp dẫn đến mức khiến họ căm ghét bất kỳ ai phá vỡ giấc mơ này.

Nhưng vụ La China lại rắc rối hơn nhiều. Disney Mundo là lời hứa về một vận may chưa thành hiện thực. Còn RainbowEx (có vẻ như) đang thật sự trả tiền. Và khi mùa hè trôi qua, số lượng nhà đầu tư địa phương tiếp tục tăng lên.

“Tháng Năm, chúng tôi bắt đầu thu thập thông tin,” ông Flaiman kể lại. “Và ngay trong quá trình đó, chúng tôi biết mình đang gặp rủi ro.”

Các phóng viên nhanh chóng phát hiện "tâm chấn" của RainbowEx nằm ở lực lượng lao động của Papel Prensa, một nhà máy giấy và là nhà cung cấp giấy in báo lớn nhất cả nước. Một vài người đàn ông tại đây bắt đầu tự xưng là đại diện địa phương của một tổ chức có tên là Knight Consortium (tạm dịch: Liên minh Hiệp sỹ), được cho là đặt trụ sở tại Singapore và có liên hệ với RainbowEx.

Bản chất của mối liên hệ đó thì chẳng bao giờ rõ ràng, nhưng Knight Consortium đã mang đến cho RainbowEx một bộ mặt dễ tạo niềm tin và có trách nhiệm xã hội. Tổ chức này tuyên bố sẽ dành 5% lợi nhuận từ sàn giao dịch để tài trợ cho các ngân hàng thực phẩm địa phương và cung cấp đồng phục cho các đội bóng thiếu niên.

Để đảm bảo tổ chức được ghi nhận vì lòng hảo tâm đó, họ treo biểu ngữ và cờ mang logo của quỹ bên cạnh mọi hoạt động được tài trợ. Thông điệp được truyền đi là: RainbowEx không chỉ là công cụ làm giàu, mà còn là một hệ thống phúc lợi ngầm cho cộng đồng.

Thông tin về sự  hào phóng này lan truyền rất nhanh - chỉ thua những lời bàn tán về lợi nhuận từ RainbowEx. Carlos Rodriguez, một nhân viên kiểm định xe 66 tuổi, nhớ lại rằng bạn bè ông bắt đầu mua tivi mới, máy giặt mới. Các cửa hàng thịt thì cháy hàng vì mọi người mua về nướng barbecue.

Ông Rodriguez ban đầu còn nghi ngờ, nhưng cháu trai ông thì thúc giục: “Đầu tư một ít thôi. Thử xem sao”. Đến một lúc nào đó, ông bắt đầu cảm thấy mình sẽ là người duy nhất trong thị trấn không có mái nhà mới được sửa. Cuối cùng, ông đã đầu tư 1.700 USD và với ông, đó là một khoản tiền đáng kể.

Carlos Rodriguez, một nhân viên kiểm tra xe, đã được cháu trai khuyến khích đầu tư tiền vào RainbowEx. (Ảnh: The New York Times).

“Mỗi ngày, cháu trai tôi lại nói: ‘Ông thắng 13 đô’, ‘Ông thắng 15 đô’, ‘Ông thắng 17 đô’”, ông kể, khi đang ngồi trong một nhà hàng Howard Johnson vào buổi sáng. “Tôi đang chuẩn bị nghỉ hưu và tôi nghĩ, mình có thể kiếm được 1.500 đô mỗi tháng từ cái này”. Số tiền đó sẽ gấp đôi mức lương hưu hàng tháng của ông.

Việc tham gia RainbowEx rất dễ dàng, ngay cả với những người chưa từng tiếp xúc với tiền mã hóa như ông Rodriguez. Trước tiên, họ tải ứng dụng từ một trang web bởi ứng dụng này chưa từng xuất hiện trên các kho ứng dụng của Apple hay Google.

Sau đó, họ đến một trong các tổ chức cho vay tư nhân địa phương, được gọi là financieras. Nhân viên tại đó sẽ chuyển đổi peso Argentina thành Tether, một loại tiền mã hóa được neo giá với đồng đô la Mỹ. Ai có tiền mặt và điện thoại di động đều có thể bước vào financiera và ra về sẵn sàng giao dịch.

Đến tháng Chín, La China gần như đã có một lực lượng “tín đồ” cuồng nhiệt tại San Pedro. Người ta bán tài sản, hoặc vay nợ để nạp thêm tiền vào tài khoản RainbowEx. Các trận bóng đá ban đêm phải tạm dừng để chờ “giờ La China”. Một số công nhân tại nhà máy giấy đã kiếm được quá nhiều tiền đến mức… nghỉ việc luôn.

"Chúng ta cùng là Hiệp sĩ"

Một hiện tượng lớn như vậy không thể chỉ gói gọn trong ranh giới thị trấn. Một lập trình viên web kiêm nhà báo điều tra bán thời gian ở Buenos Aires tên là Maximiliano Firtman, người đang điều tra các vụ lừa đảo tài chính, bắt đầu nhận được những tin báo về San Pedro. Vào ngày 15 tháng 9, anh đăng một bài cảnh báo lên mạng xã hội X:

"Tôi được biết rằng ở San Pedro, Buenos Aires, một nửa thị trấn đang bị cuốn vào một mô hình Ponzi hứa hẹn lợi nhuận 1,5% mỗi ngày”.

Dù bài đăng không thu hút nhiều sự chú ý, nhưng bà Berardi và ông Flaiman thì để tâm. Thời điểm đó, họ vẫn chưa đăng bất cứ bài viết nào về La China. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, họ đưa ra nhiều lý do: họ chưa hoàn toàn chắc chắn đây là một vụ lừa đảo, họ không có đủ nguồn lực để điều tra sâu, và họ còn đang bận rộn với nhiều câu chuyện khác.

Tấn công vào Knight Consortium cũng đồng nghĩa với việc chống lại một tổ chức mang dáng dấp Robin Hood, lấy tiền người giàu chia cho dân nghèo. Và còn điều này: những người họ viết về… chính là bạn bè, người quen.

“Maximiliano Firtman có thể nói rằng tất cả những ai đầu tư vào RainbowEx đều là đồ ngốc”, ông Flaiman nói. “Nhưng những ‘ngốc nghếch’ đó lại là hàng xóm của tôi. Họ chơi bóng rổ với tôi, họ xếp hàng cùng tôi ở siêu thị. Liệu tôi có thể nói: ‘Tất cả các bạn đều ngốc’? Không, đó không phải là vị trí tôi nên đứng”.

Hai phóng viên này cũng thừa nhận rằng họ vẫn chưa hình dung được La China đã trở thành hiện tượng lớn đến mức nào. Nhưng họ không thể làm ngơ nữa sau một sự kiện diễn ra vào ngày 21 tháng 9. Tối hôm đó, Knight Consortium tổ chức một buổi dạ tiệc lộng lẫy tại khách sạn Emperador ở Buenos Aires. Một đoạn video đăng trên kênh Telegram của tổ chức ghi lại cảnh bữa tiệc long trọng có sự tham dự của vài trăm nhà đầu tư của La China. Buổi tiệc có cả vũ công tango chuyên nghiệp, ca sĩ và ban nhạc lớn biểu diễn.

Tất cả những gì diễn ra cho thấy Knight Consortium có tiềm lực tài chính mạnh mẽ và đội ngũ lãnh đạo ấn tượng. La China được cho là quá bận để xuất hiện, nhưng hai "lãnh đạo" ăn mặc bảnh bao là Timothy Murphy, giám đốc marketing và Jeremy Jones, Giám đốc điều hành, đã phát biểu và trao các tấm séc cùng bảng vàng danh dự cho những người chiêu mộ được nhiều thành viên nhất. Họ chụp ảnh trước một phông nền khổng lồ in dòng chữ: "Together we Knight, together we shine" (Tạm dịch: “Cùng là Hiệp sĩ, cùng nhau tỏa sáng”) bằng cả tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh.

Ông Firtman sau đó đã xem lại video sự kiện và dùng phần mềm nhận diện khuôn mặt để kiểm tra hình ảnh hai vị “lãnh đạo người Mỹ” này. Kết quả: một người có khuôn mặt khớp một phần với diễn viên người Ba Lan tên Filip Walcerz, người còn lại thì khớp hoàn toàn với một diễn viên Ba Lan khác, Maurycy Lyczko.

Maximiliano Firtman đã sử dụng phần mềm nhận diện khuôn mặt để phát hiện rằng hai người đàn ông được giới thiệu là giám đốc điều hành của Knight Consortium thực ra là những diễn viên người Ba Lan được thuê. (Ảnh: European Pressphoto Agency).

Phát hiện này đã đem lại cho ông Firtman một cú sốc thú vị. Nổi tiếng với việc viết sách và giảng dạy về phần mềm, ông Firtman, 44 tuổi, trong những năm gần đây đã biến việc nghiên cứu các vụ lừa đảo tài chính thành một sở thích. Ông có thể dành hàng giờ liền ở chế độ “săn lùng” khi phát hiện ra một manh mối hấp dẫn.

Khi nghiên cứu code của RainbowEx, ông đã phát hiện ra một điều bất ngờ: tất cả các giao dịch trên nền tảng này đều là giả. Những giao dịch hàng đêm trao đổi Tether lấy memecoin qua sàn giao dịch crypto chỉ là một màn kịch.

Thực tế, ngoài việc mua Tether, không có việc mua bán crypto nào và cũng không có lợi nhuận cho các nhà đầu tư. Số dư tài khoản của mọi người chỉ tăng lên vì những người điều hành RainbowEx đã thao túng số liệu.

Tất cả chỉ là một màn mô phỏng lừa đảo công phu và tồn tại nhờ vào những người tham gia mới. Lợi nhuận mà các nhà đầu tư dùng để mua điều hòa mới chỉ là tiền được lấy từ tài khoản của các nạn nhân mới. Giống như mọi mô hình Ponzi khác, số phận định trước cho nó là sự sụp đổ.

Vào ngày 1/10, ông Firtman đã phát biểu trên một chương trình radio quốc gia về những phát hiện của mình. Ngày hôm sau, La Opinión đăng bài viết đầu tiên về La China. “Các đại diện của Knight Consortium ở San Pedro khẳng định ‘đây không phải là một vụ lừa đảo’,” tiêu đề bài báo viết, trích dẫn những đại diện này giấu tên với vẻ khó chịu.

Nếu câu chuyện đầu tiên chỉ nhẹ nhàng lướt qua, thì vào ngày 5/10, đã có một bài báo gọi thẳng RainbowEx là một mô hình Ponzi. Hai ngày sau, Clarin, tờ báo lớn nhất Argentina, đăng một bài của ông Firtman, nói rằng hai "lãnh đạo" của Knight Consortium thực ra là diễn viên người Ba Lan, một người đã xuất hiện trong các bộ phim truyền hình Tây Ban Nha và Ba Lan.

Điều này đã khiến mọi chuyện thay đổi. Một đài truyền hình quốc gia đã đến San Pedro để phỏng vấn người dân về La China. Sáng hôm sau, các phóng viên radio và truyền hình từ khắp nơi trong nước đã đổ xô đến thị trấn. San Pedro trở thành tâm điểm tin tức quốc gia.

Khi tai tiếng ập đến, RainbowEx đã chặn các nhà đầu tư cố gắng rút tiền. Tuần sau đó, La China thông báo rằng sàn giao dịch này có thể sẽ buộc phải rời khỏi đất nước và chuyển sang một trang web mới, gọi là Rainbow PRO.

Cô yêu cầu gửi Tether tương đương 88 USD, nếu không tài khoản của bạn sẽ bị vô hiệu hóa. Khoảng 2.600 người đã trả khoản tiền chuộc này, tổng cộng hơn 220.000 đô la. Và nó cũng biến mất.

Khi các nhà đầu tư của La China nhận ra rằng số tiền ban đầu và những khoản lợi nhuận giả dối của họ đã biến mất vĩnh viễn, họ không hướng cơn giận dữ vào nhân vật La China bí ẩn. Họ đổ lỗi cho các phóng viên của La Opinión.

Trên mạng xã hội, những người ẩn danh tuyên bố rằng bà Berardi và chồng bà là nhà đầu tư của RainbowEx và đã cố tình rút tiền của chính họ ngay trước khi hệ thống sụp đổ. Một người gọi điện ẩn danh doạ sẽ “chôn vùi” bà.

Một người khác đăng lời cảnh báo trên mạng xã hội: “Nếu chúng ta gặp nhau ngoài phố, tôi sẽ giết bạn”. Bà đã nộp đơn kiện lên tòa án địa phương và ngủ với cửa sổ mở để dễ dàng nghe thấy nếu có kẻ đột nhập, bà chia sẻ.

“Không ai đến cả”, bà nói. “Trên mạng, ai cũng dũng cảm.”

Vào giữa tháng 10, một hacker ẩn danh đã đăng tải lên dark web một cơ sở dữ liệu với hàng nghìn tên của các nhà đầu tư của La China và một bảng ghi chép cho thấy mỗi người đã đầu tư bao nhiêu và đã rút ra bao nhiêu, nếu có. La Opinión đã công bố thông tin từ vụ hack này và chia sẻ cơ sở dữ liệu với các cơ quan chức năng.

Khoảng 16.000 người ở San Pedro, bao gồm các thành viên Hội đồng Thành phố và cảnh sát trưởng, cuối cùng đã đầu tư tiền vào RainbowEx. (Ảnh: The New York Times).

Hóa ra, các thành viên Hội đồng Thành phố cũng đã đầu tư vào RainbowEx. Một lớp học tại một trường trung học địa phương cũng tham gia. Cả trưởng công an cũng vậy. Một số người đã rút ra hơn 100.000 đô la. Nhiều người khác thậm chí còn mất nhiều hơn, trung bình khoảng 2.000 đô la. Một vài người đã mất toàn bộ số tiền tiết kiệm cả đời.

Nhiều người vô cùng tức giận khi phải từ bỏ các "tài sản" RainbowEx khổng lồ của mình, dù chúng chỉ là hư cấu. Federico, một nhạc sĩ 30 tuổi, người muốn giữ bí mật về danh tính và chỉ đồng ý nói chuyện nếu không tiết lộ họ của mình, đã gần như bỏ túi được vài nghìn đô la khi RainbowEx sập.

Anh đã tham gia mặc dù đã phát hiện ra từ vài tháng trước rằng RainbowEx là một trò lừa đảo, anh chia sẻ vào một buổi chiều tại một nhà hàng ở San Pedro. Tất cả các “giao dịch” chỉa xảy ra trên sàn giao dịch này và vào một số buổi tối, Federico sẽ nhìn vào sự biến động thực tế của tiền điện tử mà La China đã khuyến nghị mua. Trên blockchain, tức là trong thực tế, giá trị các đồng tiền không hề thay đổi. Sự tăng giá mà người hâm mộ của La China thấy chỉ là giả mạo. Tuy vậy, anh vẫn bám víu vào hy vọng phi lý rằng lợi nhuận trong tài khoản RainbowEx của mình là thật.

"Tôi vẫn còn khóc vì chuyện này”, anh nói, cố nở một nụ cười.

"Tôi không phải người lừa đảo bạn"

Vào ngày 19 tháng 12, văn phòng công tố ở San Pedro đã tiến hành lục soát 22 địa điểm và bắt giữ bảy người. Trong số những người bị bắt có Luis Pardo, một người 31 tuổi từng làm việc tại nhà máy giấy.

Anh ta được cho là một trong những người đầu tiên tham gia RainbowEx và đã tham dự buổi tiệc gala vào tháng 9; trong video của sự kiện, anh ta cầm một tấm biển và cười tươi bên cạnh một trong những diễn viên người Ba Lan. Các hồ sơ sau này cho thấy ông Pardo đã rút hơn 200.000 USD từ hệ thống.

Paulo Cordara, một luật sư của ông Pardo và một người khác bị bắt, đã được ông Flaiman phỏng vấn trên đài phát thanh vào tháng 12 và nói rằng các thân chủ của ông không phải là người tạo ra Knight Consortium, không biết ai là người tạo ra và chỉ đơn giản là khuyên người khác đầu tư vào RainbowEx vì nó đã có hiệu quả với họ.

"Họ không biết đây là một trò lừa đảo”, ông Cordara nói, "và cuối cùng họ đã trở thành nạn nhân bị lừa”.

Ông Pardo và hai cư dân khác của San Pedro vẫn bị giam giữ với cáo buộc lừa đảo. Công tố viên Maria del Valle Viviani cho biết trong một cuộc phỏng vấn rằng bà coi 3 người này là những mắt xích quan trọng trong trò lừa đảo. Bà có thời gian đến cuối năm để hoàn tất cuộc điều tra. Khoảng 3,5 triệu USD giá trị đồng Tether đã bị thu giữ, và 46 triệu USD vẫn đang mất tích.

Không ai biết chúng đang ở đâu. Người phụ nữ có hình ảnh được sử dụng làm đại diện cho La China đã lên tiếng từ Đài Loan, nói qua tài khoản Instagram của mình rằng bức ảnh của cô đã bị đánh cắp và cô không biết gì về RainbowEx.

"Tôi không phải là người lừa đảo bạn”, cô viết.

Các diễn viên người Ba Lan được thuê để đóng vai giám đốc điều hành của Knight Consortium cũng không cung cấp các thông tin hữu ích hơn. Họ chia sẻ họ rất ngạc nhiên khi biết rằng họ đã tham gia vào một trò lừa đảo, điều mà họ phát hiện ra khi ông Firtman liên hệ qua Instagram vào đầu tháng 10.

Như giải thích trong một cuộc phỏng vấn được đăng trên YouTube, cặp đôi này đã được thuê bởi một người phụ nữ tên là Ashli từ một công ty người mẫu châu Á, mà một trong số họ đã từng làm việc trước đó. Hai người này đã được yêu cầu bay đến Buenos Aires để tham gia một buổi diễn xuất, với mức thù lao 1.500 USD dưới dạng tiền điện tử.

"Chúng tôi làm nghề này để sống”, họ giải thích, khi nói chuyện từ Ba Lan, với giọng điệu đau khổ và xin lỗi. "Chúng tôi là diễn viên. Chúng tôi đóng vai, đọc lời thoại do người khác viết. Chúng tôi không bao giờ cố ý lừa đảo”.

Ban đầu, ông Firtman đã nghi ngờ. Nhưng sau khi thấy rằng các diễn viên này đã dành vài ngày ở Buenos Aires và đăng ảnh về chuyến du lịch của họ lên tài khoản Instagram cá nhân, một trong số đó có thêm hashtag #Relax, ông đã thay đổi quan điểm. Các cơ quan chức năng, có vẻ như nhận thấy hai người này không biết gì về kế hoạch lừa đảo, đã không mấy quan tâm đến việc thẩm vấn họ.

Cùng một trò lừa đảo với logo khác

Vào đầu tháng 10, khi bà Berardi tìm cách hiểu rõ hơn về cơ chế hoạt động của RainbowEx, bà phỏng vấn một chuyên gia có tên Mauro Eldritch, người gốc San Pedro hiện sống ở Uruguay. Ông nói với thính giả rằng sàn giao dịch này là một mớ hỗn độn cực kỳ dễ bị tổn thương. Kể từ đó, ông đã có thêm được nhiều thông tin hơn.

RainbowEx là một phiên bản của một trò lừa đảo đã xuất hiện trên khắp thế giới, ông nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây, sử dụng một nền tảng phần mềm gần như giống hệt nhau. Ông đã phát hiện ra các biến thể của trò lừa đảo này ở châu Phi, châu Âu, châu Á và Bắc Mỹ.

Ít nhất 200 phiên bản của nó hiện đang hoạt động, ông Eldritch cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại. Mỗi phiên bản có một tên khác nhau và nhiều phiên bản có các nhân vật giống La China cung cấp hướng dẫn về tiền điện tử. Trong một phiên bản đã dừng hoạt động ở Ý, nhân vật La China được gọi là Dolly.

Các phiên bản khác nhau của trò lừa đảo RainbowEx đã xuất hiện ở nhiều nơi trên thế giới. (Ảnh: The New York Times).

“Những trò này cơ bản đều là cùng một sản phẩm”, ông Eldritch nói, “với những nền tảng, thiết kế và logo khác nhau.” Ông truy vết gốc gác của các “sàn giao dịch crypto” này là từ một trang web của nhà phát triển Trung Quốc có tên DCloud, nơi nó đã được tải lên vào năm 2021. Lúc đó, nó là một nền tảng cho một ứng dụng crypto cơ bản và minh bạch, các thành phần cấu thành ra lừa đảo đã được thêm vào bởi những người khác.

Trò lừa đảo này dường như được điều hành bởi một mạng lưới phân tán của những kẻ lừa đảo, không có sự phối hợp rõ ràng. Trong trường hợp RainbowEx, việc xác định ai là kẻ cầm đầu và bắt giữ họ đã trở thành một thách thức.

Các cơ quan chức năng Argentina đã yêu cầu Interpol bắt giữ hai người Malaysia, tên của họ chưa được công bố. Họ cũng đang tìm kiếm hàng triệu đô la tiền crypto đã biến mất khỏi các tài khoản ở San Pedro.

Dự đoán tốt nhất của ông Eldritch là nền tảng này được "gieo" như một loại virus vào các cộng đồng khác nhau, sau đó được chuyền từ người này sang người khác. Có các nhà đầu tư RainbowEx ở các thị trấn khác ở Argentina, nhưng không nơi nào nó phát triển mạnh mẽ như ở San Pedro. Nơi này đủ lớn để đạt được khối lượng người tham gia tối thiểu và đủ nhỏ để lan rộng nhanh chóng. Nó cũng có sự kết hợp hoàn hảo của niềm tin và sự tuyệt vọng.

Hiện nay, thị trấn này có một kiểu chia rẽ mới - những người thắng và những người thua. Hàng nghìn bi kịch cá nhân đã âm thầm diễn ra. Những người vợ phát hiện ra rằng chồng họ đã nói dối về số tiền họ đã đầu tư, và ngược lại. Mọi người phải xin lỗi những người bạn và người thân mà họ đã lôi kéo vào.

Carlos Rodriguez, nhân viên kiểm định phương tiện, đã tha thứ cho cháu trai của mình vì đã khiến ông tham gia. Ông Rodriguez nhận ra rằng tiền từ chính túi của mình đã giúp chi trả cho một ngôi nhà mới do một người quen xây dựng. Giống như nhiều người thắng cuộc khác, người sở hữu ngôi nhà mới cũng tỏ ra cực kỳ khiêm tốn, có thể vì cảm giác tội lỗi hoặc sợ hãi, ông Rodriguez nghĩ.

“Nhưng tôi không giận”, ông nói. “Tôi đã bỏ qua. Đó là một trải nghiệm. Một trải nghiệm tồi tệ.”

Bà Berardi vẫn đang băn khoăn về những hệ lụy mà La China đã gây ra ở San Pedro. Bà không biết liệu các mối quan hệ trong thị trấn có thể hoàn toàn hồi phục hay không. Và bà nghi ngờ rằng những bài học quan trọng đã được rút ra.

Mới đây, một phụ nữ địa phương đã nói với bà rằng cô đã đầu tư vào một thứ gọi là CryptoMaster, cố gắng lấy lại những gì cô đã mất với RainbowEx.

CryptoMaster đã sập.

Đăng Sơn