|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Vì thuế quan của Mỹ, thế giới có nguy cơ đón thêm một cơn lũ hàng hóa giá rẻ từ Trung Quốc

12:12 | 05/04/2025
Chia sẻ
Thuế quan của Tổng thống Trump có nguy cơ gây ra hiệu ứng domino trên toàn cầu khi hàng hóa Trung Quốc tìm kiếm thị trường mới.

Hàng dài những chiếc ô tô dự kiến sẽ được xuất khẩu tại một cảng ở miền đông Trung Quốc. (Ảnh: Cfoto/Zuma Press). 

Hàng rào thuế quan 70%

Nền kinh tế thế giới đang căng thẳng vì thuế quan đối ứng mà Mỹ áp dụng với hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ. Song, điều đáng chú ý là mức thuế quan cao mà Washington đánh vào Bắc Kinh có thể gây thêm rắc rối, đó là khiến 400 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc chuyển hướng sang các thị trường khác.

Kể từ ngày 9/4, hàng hóa mà Trung Quốc bán sang Mỹ sẽ phải chịu mức thuế quan bình quân 70%. Hàng rào thuế quan cao “ngất ngưởng” có nguy cơ chuyển hướng một số hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ sang những quốc gia khác, làm trầm trọng thêm cú sốc đã xóa sổ hàng triệu việc làm trên khắp thế giới.

Tương tự, những nhà xuất khẩu lớn khác như Hàn Quốc và Nhật Bản cũng có thể chứng kiến hàng hóa của họ đối mặt với thêm nhiều rào cản khi cố gắng thâm nhập vào những thị trường mới ngoài Mỹ.

Theo các nhà kinh tế, những hiệu ứng domino trên cho thấy chiến tranh thương mại có thể leo thang nhanh chóng, thuyết phục thêm các quốc gia triển khai biện pháp trả đũa và dựng hàng rào phòng thủ thương mại.

Ông Michael Pettis, Giáo sư tài chính tại Đại học Bắc Kinh, cảnh báo: “Màn pháo hoa thực sự vẫn chưa bắt đầu đâu”.

Động thái của chính phủ các nước

Khi Mỹ thông báo chính sách thuế quan đối ứng vào ngày 2/4, Trung Quốc bị đánh mức thuế 34%. Mức thuế mới sẽ được tính gộp với thuế quan 10% mà Mỹ công bố vào tháng 2 và 10% khác hồi tháng 3, cùng với những chính sách thuế khác được ban hành trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump và nhiệm kỳ kế tiếp của ông Joe Biden.

Các nhà kinh tế ước tính rằng sau cùng, thuế quan trung bình mà hàng hóa Trung Quốc phải chịu vào khoảng 70%. Thuế quan cao sẽ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng Mỹ với hàng hóa Trung Quốc, đồng nghĩa với việc số hàng không bán được sẽ phải hướng sang nơi khác.

Song, theo Wall Street Journal (WSJ), các nước còn lại trên thế giới sẽ khó có thể hấp thụ số hàng hóa mà Trung Quốc xuất sang thị trường khổng lồ của Mỹ. Dữ liệu từ Cục Thống kê Dân số Mỹ cho thấy nước này nhập khẩu khoảng 440 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc trong năm 2024.

Kể từ khi ông Trump khởi động cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đầu tiên vào năm 2018, chính phủ Trung Quốc đã đổ tiền đầu tư vào ngành sản xuất nhằm hỗ trợ công nghiệp tiên tiến và thúc đẩy tăng trưởng. Điều này dẫn đến tình trạng dư thừa công suất và các doanh nghiệp Trung Quốc phải tất bật tìm người mua nước ngoài cho những hàng hóa họ không bán được trong nước.

Việc Trung Quốc tăng mạnh xuất khẩu đã gây ra căng thẳng với những nền kinh tế lớn trên thế giới. Tình trạng này có thể leo thang nếu các nhà xuất khẩu cố gắng “xả” hàng hóa vốn định bán cho Mỹ sang những nước khác.

 

Tính riêng trong năm ngoái, Brazil đã mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với kim tiêm dưới da, sợi quang, máy xông khí dung và lưới polyester nhập khẩu từ Trung Quốc. Mexico và Canada điều tra về nhôm, thép và hóa chất.

Liên minh châu Âu tăng mạnh thuế quan đối với xe điện Trung Quốc. Cơ quan bảo hộ thương mại của Anh khuyến nghị áp thuế chống bán phá giá lên tới 84% đối với máy xúc nhập từ đất nước tỷ dân.

Trông cậy vào thị trường nội địa?

Các nhà kinh tế chỉ ra một trong những biện pháp có khả năng giúp Bắc Kinh xoa dịu căng thẳng thương mại là thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Khi đó, Trung Quốc có thể tự hấp thụ sản lượng công nghiệp trong nước và nhập thêm hàng hóa nước ngoài.

Bắc Kinh đã công bố kế hoạch tăng cường vay nợ và chi tiêu để thúc đẩy tăng trưởng và tiêu dùng. Nhưng các nhà kinh tế cho rằng các quan chức cần thêm những biện pháp khác, ví dụ như cắt giảm lãi suất hoặc chấm dứt đà sa sút của thị trường bất động sản nhằm vực dậy niềm tin của người tiêu dùng.

Ông Yu Xiangrong, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Citi, ước tính thuế quan đối ứng của Mỹ có thể khiến tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới giảm 0,5 - 1 điểm % trong năm 2025 nếu Bắc Kinh không tung ra thêm biện pháp kích thích.

Giang