Kỳ vọng lạm phát tại Mỹ chạm đỉnh 44 năm, gợi lại kịch bản 'lạm phát đình trệ'

Người đàn ông lựa chọn một sản phẩm rượu vang. (Ảnh: AP).
Vào tháng 4, người Mỹ đã trở nên bi quan hơn về nền kinh tế khi cuộc chiến thương mại của Tổng thống Donald Trump leo thang, theo một cuộc khảo sát được nhà đầu tư theo dõi chặt chẽ về tâm lý người tiêu dùng.
Cụ thể, chỉ số tâm lý người tiêu dùng của Đại học Michigan - công bố vào ngày 11/4 - đã lao dốc từ mức 57 của tháng trước xuống còn 50,8 vào tháng 4. Tâm lý của người Mỹ đã suy yếu dần trong những tháng đầu năm 2025.
Tâm lý của người tiêu dùng đang ở mức thấp thứ hai trong lịch sử, chỉ nhỉnh hơn một chút so với tháng 6/2022, thời điểm lạm phát tăng vọt do chuỗi cung ứng rơi vào hỗn loạn và người dân mạnh tay mua sắm trong đại dịch.
Quay trở lại năm 2022, thước đo kể trên từng chạm mốc 50, mức thấp nhất được ghi nhận kể từ năm 1952.
Cuộc khảo sát của Đại học Michigan diễn ra trong hai tuần và kết thúc vào ngày 8/4, tức là giữa lúc ông Trump liên tục đưa ra các thông báo mới về thuế quan đối ứng. Nhờ đó, đây là một trong những thước đo kinh tế đầu tiên nắm bắt được tác động từ chính sách thuế quan của Nhà Trắng.
Tổng thống Trump công bố thuế đối ứng với gần 200 đối tác thương mại vào ngày 2/4. Đến ngày 9/4, ông thông báo sẽ tạm hoãn thuế quan với gần 60 quốc gia/vùng lãnh thổ, nhưng tăng thuế quan hàng hoá Trung Quốc lên 125%.

Những người tham gia khảo sát còn dự đoán trong một năm tới, lạm phát sẽ tăng lên mức 6,7%. Lần gần nhất kỳ vọng lạm phát một năm của người tiêu dùng Mỹ chạm mức này là vào đầu thập niên 1980.
Kết quả đó cho thấy người Mỹ dự đoán thuế quan sẽ kéo giá cả đi lên nhanh chóng. Theo dữ liệu từ Bộ Lao động Mỹ, tỷ lệ lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3 là 2,4%.
Một số hộ gia đình lo lắng rằng giá cả sẽ tăng cao sau động thái đánh thuế của Tổng thống Trump. Họ đã vội vã mua hàng vào cuối tuần qua để tích trữ đồ dùng hàng ngày hoặc “chốt đơn” các món hàng giá trị như ô tô hoặc điện thoại, theo thông tin từ Wall Street Journal.
“Người tiêu dùng đã đi từ lo lắng đến sợ hãi”, ông Samuel Tombs, nhà kinh tế trưởng của Pantheon Macroeconomics tại thị trường Mỹ, đánh giá trong một lưu ý mới đây.
Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ, vốn đã tăng theo chiều hướng đáng báo động trong suốt tuần qua, đã nhích lên sau khi Đại học Michigan công bố khảo sát. Điều đó phản ánh mối lo ngại rằng kỳ vọng lạm phát tăng có thể kéo lạm phát thực tế đi lên, trở thành vấn đề ăn sâu bám rễ vào nền kinh tế.

Người Mỹ cũng cảm thấy kém tự tin hơn về thị trường lao động, trong khi đây là điểm sáng đáng tin cậy của nền kinh tế với thành tích tỷ lệ thất nghiệp trong hơn ba năm chỉ quanh mức 4% hoặc thấp hơn.
Theo đó, tỷ lệ người tiêu dùng kỳ vọng tỷ lệ thất nghiệp sẽ tăng trong năm tới đã đi lên tháng thứ 5 liên tiếp, chạm mức cao nhất kể từ năm 2009.
Kết quả khảo sát cho thấy một dấu hiệu đáng ngại về khả năng “lạm phát đình trệ “ - tức kịch bản tăng trưởng kinh tế trì trệ nhưng giá cả tăng cao. Lạm phát gia tăng làm xói mòn sức mua của người tiêu dùng và nhu cầu yếu hơn gây tổn hại đến lợi nhuận của doanh nghiệp, từ đó gây ra tình trạng sa thải.
Kỳ vọng lạm phát 5 năm tới đã tăng lên mức 4,4%. Một năm trước, thước đo này ở mức 3%. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đặt mục tiêu lạm phát hàng năm ở mức 2%.
Kỳ vọng lạm phát là một dữ kiện quan trọng vì các nhà kinh tế cho rằng dự đoán của người tiêu dùng có thể tự trở thành sự thật. Nếu người tiêu dùng kỳ vọng giá cả sẽ tăng, họ có thể yêu cầu doanh nghiệp tăng lương. Nếu doanh nghiệp tự tin giá cả sẽ tăng trên diện rộng, họ cũng có thể nâng giá bán hàng và dịch vụ.
Chia sẻ với Wall Street Journal, nhà kinh tế trưởng James Knightley của ngân hàng ING nhận thấy người tiêu dùng dường như đang đổ lỗi cho ông Trump về cách quản trị nền kinh tế.
Vị chuyên gia lưu ý rằng 67% người tham gia khảo sát của Đại học Michigan cho biết chính phủ đang rất kém trong việc chống lạm phát và kiểm soát thất nghiệp, tăng từ mức 44% vào tháng 1.
Ông Knightley cho biết người tiêu dùng đang bị ảnh hưởng trên ba phương diện: thuế quan tăng cao, thị trường việc làm nguội lạnh hơn và thị trường chứng khoán cũng như trái phiếu biến động.
“Vì vậy, thu nhập, giá cả và tiền của đều đang có xu hướng tiêu cực với người tiêu dùng và đó không phải là một bức tranh đẹp”, ông nhấn mạnh.