Giới chuyên gia lạc quan giá vàng có thể đạt kỷ lục mới vào tuần tới
Khảo sát tuần này của Kitco News ghi nhận 16 chuyên gia tham gia đánh giá triển vọng vàng. Phố Wall gần như đồng thuận tuyệt đối khi 15 người (tương đương 94%) dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới. Không ai dự đoán giá sẽ giảm, và chỉ một người (6%) cho rằng vàng sẽ đi ngang quanh vùng giá hiện tại.
Trong khi đó, cuộc khảo sát trực tuyến của Kitco thu hút 275 người tham gia, với tâm lý tích cực tiếp tục gia tăng giữa lúc mọi tài sản không phải là kim loại quý đều suy yếu. Có 189 nhà đầu tư cá nhân (69%) dự báo giá vàng sẽ tiếp tục tăng trong tuần tới, 50 người (18%) dự đoán giá giảm, còn lại 36 người (13%) cho rằng giá sẽ đi ngang.
Ông Marc Chandler, Giám đốc điều hành tại Bannockburn Global Forex, nhận định vàng sẽ tăng mạnh trong thời gian tới: “Nhiều người đang bàn về việc dòng vốn rút khỏi Mỹ và sự thoái trào của đồng USD. Biến động thị trường cùng với sự sụt giảm mạnh của đồng bạc xanh đang bù trừ cho lãi suất cao, đẩy giá vàng lên mức kỷ lục. Thật khó để nói về ngưỡng kháng cự hiện tại, nhưng mục tiêu tiếp theo có thể là 3.300 USD, thậm chí 3.500 USD trong trung hạn.”
“Giá sẽ tiếp tục tăng,” ông Adrian Day, Chủ tịch Adrian Day Asset Management, nhận định. “Đợt điều chỉnh gần đây, cũng như những lần trước, đều chỉ diễn ra trong thời gian rất ngắn. Vàng rõ ràng đang có đà tăng mạnh, với nhiều người mua đang chờ đợi để tham gia.”
Ông Darin Newsom, chuyên gia phân tích thị trường cấp cao tại Barchart.com, cũng cho rằng giá vàng có thể tiếp tục tăng.
Ông James Stanley, chiến lược gia thị trường cấp cao tại Forex.com đồng tình. “Đây không phải là xu hướng mà tôi muốn chống lại. Tôi đã giữ quan điểm tích cực trong các khảo sát suốt thời gian qua và hiện tại chưa có lý do gì để thay đổi điều đó.”
Ông Daniel Pavilonis, môi giới hàng hóa cấp cao tại RJO Futures, cho rằng những biến động gần đây trên thị trường trái phiếu đã tạo động lực lớn cho vàng, ít nhất là trong ngắn hạn.
“Giá vàng đã bắt đầu tăng từ trước ‘Ngày giải phóng’ và trước khi các mức thuế trả đũa được đưa ra,” ông nói. “Chúng ta đã thấy một số biến động do yếu tố bất định, nhưng nhìn chung thị trường đang có một chu kỳ tăng rất ấn tượng.”
Theo ông, rủi ro chính với giá vàng hiện nay là khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) can thiệp vào thị trường trái phiếu – điều mà hiện tại chưa có nhiều khả năng xảy ra. “Đường cong lãi suất đã được Fed điều chỉnh ở một mức độ nhất định,” ông nhận định. “Kể từ khi ông Trump đắc cử, Fed dường như đã buông lỏng, để lợi suất dài hạn tăng. Và điều đó phản ánh kỳ vọng lạm phát sẽ cao hơn trong tương lai. Yếu tố này thường bổ trợ cho giá vàng”
“Nếu lợi suất dài hạn bất ngờ giảm mạnh, có thể sẽ gây ra biến động ngắn hạn với vàng,” ông nói thêm. “Có thể sẽ có điều chỉnh, chốt lời. Nhưng tôi tin rằng xu thế tăng hiện nay là không thể ngăn cản. Lợi suất dài hạn đã phá vỡ xu hướng giảm suốt hơn 45 năm qua. Đây có thể là sự thay đổi toàn cục, trừ khi thị trường vàng bị can thiệp bằng cách tăng mạnh ký quỹ giao dịch như từng xảy ra năm 2010.”
“Tôi tin rằng vàng còn có thể tăng mạnh hơn nữa nếu kỳ vọng lạm phát tiếp tục leo thang.”
Trước thông tin cho rằng chính các chính phủ châu Âu – chứ không phải Trung Quốc – mới là bên đang bán tháo trái phiếu Mỹ, Pavilonis cho rằng điều này không phải là động thái trả đũa chính sách thương mại của Trump, mà đơn giản là vì nhu cầu tài chính cấp bách.
“Châu Âu cơ bản vẫn đang trong suy thoái, không có tăng trưởng trong suốt 5–6 năm kể từ sau Covid-19,” ông nói. “Khi các nước châu Âu bán trái phiếu Mỹ, họ dùng khoản tiền đó để hỗ trợ nền kinh tế của mình. Tôi không nghĩ đây là một hành động xấu hay thiếu thiện chí. Đó là hệ quả của việc quản lý yếu kém trước đây, và giờ họ cần tiền để khắc phục. Giống như việc bạn rút tiền tiết kiệm để vá lại những chỗ hỏng trong nhà sau một cơn bão.”
Về chiến lược đầu tư, Pavilonis cho rằng sau những đợt tăng mạnh như hiện nay, thị trường thường có xu hướng thay đổi, và nhà đầu tư nên phòng ngừa rủi ro cho các vị thế mua.
“Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của một sự thay đổi lớn,” ông nói. “Các mức thuế mới đang làm thay đổi cục diện thương mại toàn cầu. Nếu các quốc gia lớn thay đổi chính sách, thì hệ quả là sẽ có thay đổi trên phạm vi toàn cầu.”
Ông nói thêm “Nếu vàng điều chỉnh mạnh 600 USD – tức giảm về vùng 2.500–2.700 USD – tôi tin sẽ có lực mua lớn quay trở lại.”
Tuần tới, các ngân hàng trung ương tiếp tục là tâm điểm. Giới đầu tư đặc biệt chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Fed Jerome Powell tại Câu lạc bộ Kinh tế Chicago vào thứ Tư. Cùng ngày, Ngân hàng Trung ương Canada (BoC) cũng sẽ công bố quyết định chính sách tiền tệ, với phần lớn dự báo cho rằng BoC sẽ giữ nguyên lãi suất.