Kinh tế đuối sức và khó khăn bủa vây nhưng vì sao Trung Quốc chưa chịu bơm kích thích như Mỹ?
Chủ tịch Tập Cận Bình có một mục tiêu cao cả là nghiên cứu một công thức mới để tạo ra phép màu kinh tế khác cho Trung Quốc, nhưng ông lại đang phải đối mặt với thử thách vô cùng khó nhằn, Bloomberg viết.
Nền kinh tế trị giá 18.000 tỷ USD của ông Tập đang giảm tốc, người tiêu dùng chìm trong trạng thái bi quan, xuất khẩu gặp trục trặc, giá cả sụt giảm và hơn 20% thanh niên không có việc làm.
Country Garden, tập đoàn địa ốc với hơn 3.000 dự án trải dài khắp Trung Quốc, đang đứng trước bờ vực vỡ nợ và người dân đã tập trung về Zhongzhi Enterprise, một trong những ngân hàng ngầm lớn nhất Trung Quốc, để đòi lại tiền.
Ngay cả khi cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực bất động sản ngày càng trở nên trầm trọng, Bắc Kinh vẫn chỉ tung ra các biện pháp hỗ trợ có phần hạn chế.
JPMorgan Chase, Barclays và Morgan Stanley đều đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc trong năm nay xuống dưới mức mục tiêu 5% của chính phủ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đang rút vốn, buộc ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) phải tăng cường nỗ lực nhằm ngăn chặn đồng nhân dân tệ tụt xuống mức thấp nhất kể từ năm 2007.
Đầu tháng này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Janet Yellen đã gọi Trung Quốc là một “yếu tố rủi ro” với Washington, trong khi Tổng thống Joe Biden mô tả Trung Quốc là một “quả bom hẹn giờ” của nền kinh tế toàn cầu.
Theo Bloomberg, phản ứng của chính quyền ông Tập trước tình hình hiện nay cho thấy nếu Trung Quốc là một “quả bom hẹn giờ” thì mục tiêu của nhà lãnh đạo là tháo ngòi nổ cho nó.
Rủi ro cho ông Tập và các cấp dưới bây giờ là niềm tin của 1,4 tỷ dân có thể bị xói mòn nếu Bắc Kinh quyết tâm không bơm kích thích mạnh tay như chính phủ ông Biden từng làm.
Ông Bert Hofman, cựu Giám đốc cấp cao tại World Bank, cho rằng Trung Quốc đang trải qua một “cuộc suy thoái kỳ vọng”. Ông cảnh báo: “Một khi ai cũng tin rằng tăng trưởng sẽ tiếp tục chậm lại trong tương lai, điều này sẽ tự biến thành sự thật”.
Trong trường hợp xấu nhất, nền kinh tế Trung Quốc sẽ rơi vào trạng thái trì trệ, hay “Nhật Bản hoá”. Khi Bắc Kinh công bố số liệu lạm phát tháng 7, một số chuyên gia đã cảnh báo về tình trạng giảm phát tại nước này.
Giá cả sụt giảm vừa là dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy yếu, vừa là lực cản đối với tăng trưởng tương lai khi các hộ gia đình trì hoãn việc mua hàng, lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống và chi phí đi vay thực tế tăng lên.
Nửa sáng
Trên thực tế, Chủ tịch Tập Cận Bình không khoanh tay ngồi nhìn.
Bắc Kinh đã đưa ra một loạt thông báo sau cuộc họp của Bộ Chính trị vào tháng 7, nổi bật là các đề xuất như đẩy nhanh chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, hỗ trợ thanh khoản cho các nhà phát triển bất động sản và nới lỏng các hạn chế mua nhà. PBoC đã bất ngờ hạ lãi suất vào tuần trước và ngay đầu tuần này.
Song, để hiểu tại sao giới lãnh đạo không bơm kích thích một cách mạnh mẽ hơn, Bloomberg cho rằng công chúng cần có thông tin đầy đủ hơn về nền kinh tế Trung Quốc, dưới góc nhìn của Bắc Kinh.
Một số lĩnh vực của nền kinh tế đang trên đà bùng nổ, chẳng hạn như xe điện, năng lượng mặt trời và năng lượng gió, và pin. Ở những ngành này, đầu tư và xuất khẩu đang tăng trưởng với tốc độ hai con số.
Ngay cả khi thắt lưng buộc bụng ở một số lĩnh vực khác, Bắc Kinh vẫn dành nguồn lực để thúc đẩy kiểu tăng trưởng công nghệ cao và thân thiện với môi trường này, Bloomberg nhấn mạnh.
Chính phủ cho phép chính quyền địa phương phát hành trái phiếu để tài trợ cho các dự án đường sắt cao tốc và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo với quy mô chưa từng có trên thế giới, đồng thời cấp các khoản vay giá rẻ cho doanh nghiệp và hỗ trợ hào phóng để kích cầu tiêu dùng, đơn cử như giảm thuế cho người mua xe điện.
Trong khi đó, chi tiêu của người dân cho những dịch vụ như du lịch và nhà hàng đã phục hồi mạnh mẽ so với đợt phong toả vào năm ngoái.
Starbucks báo cáo doanh số quý trước tăng 46% so với cùng kỳ, số chuyến bay nội địa đang cao hơn 15% so với mức trước đại dịch và khách du lịch đang phàn nàn rằng nhiều khách sạn bình dân đã tăng giá do nhu cầu đi lên.
Nhìn chung, ngành dịch vụ tại Trung Quốc vẫn đang tạo ra việc làm, giúp xoa dịu nỗi lo của giới lãnh đạo về tình trạng thất nghiệp hàng loạt.
Nửa tối
Rắc rối là, những động cơ tăng trưởng mới này không thể bù đắp được lực cản lớn từ sự lao dốc của ngành bất động sản.
Bắc Kinh ước tính trong nửa đầu năm nay, “nền kinh tế mới” - tên gọi cho các lĩnh vực sản xuất xanh cùng các ngành công nghệ cao như vi mạch - đã tăng trưởng 6,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm hơn 17% GDP.
Ngược lại, đầu tư vào lĩnh vực xây dựng nhà ở giảm gần 8% trong nửa đầu năm và ngành bất động sản hiện chiếm khoảng 20% GDP của Trung Quốc.
Bất động sản bắt đầu sa sút từ cuối năm 2020 khi Bắc Kinh công bố chính sách “ba lằn ranh đỏ” để chấn chỉnh nạn vay nợ của các công ty trong ngành.
Cuối năm 2021, gã khổng lồ Evergrande vỡ nợ, kéo theo đó là cú sụp của nhiều công ty khác. Hiện tại, Country Garden, một trong những tập đoàn địa ốc lớn nhất Trung Quốc, lại mấp mé bờ vực vỡ nợ.
Không chỉ các công ty bất động sản và doanh nghiệp trong những ngành liên quan như xây dựng, thép, xi măng, thuỷ tinh, chịu tác động khi doanh số bán nhà sụt 50% so với mức đỉnh năm 2020.
Sự sa sút của ngành địa ốc cũng cản trở niềm tin của người tiêu dùng. Giá nhà sụt giảm là một rủi ro lớn bởi bất động sản chiếm tới 70% tài sản hộ gia đình tại Trung Quốc, cũng như chiếm tới 40% tài sản thế chấp mà các nhà băng đang nắm giữ, Citigroup ước tính.
Người Trung Quốc đang cảm thấy nghèo hơn, mất đi động lực mua sắm. Điều này là đòn đau thứ hai giáng vào tăng trưởng kinh tế. Các công ty đã hạ kỳ vọng lợi nhuận và thu hẹp kế hoạch đầu tư cũng như tuyển dụng.
Nhiều thành phố đã cảnh báo về tình trạng dư thừa tài xế taxi tư nhân, một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu lao động đang rất yếu.
Tại sao chính quyền ông Tập chưa hành động?
Một số chuyên gia đã kêu gọi Bắc Kinh phá vỡ thế bế tắc bằng các biện pháp thúc đẩy lòng tin người tiêu dùng. Cố vấn Cai Fang của PBoC gần đây đã thúc giục chính phủ phát tiền trực tiếp cho người dân.
Ông và những nhà kinh tế có cùng quan điểm cho rằng nếu Bắc Kinh chi khoảng vài nghìn tỷ nhân dân tệ (tương đương vài trăm tỷ USD) để phát cho người tiêu dùng, nhu cầu sẽ khởi sắc.
Song, Bắc Kinh nhiều khả năng sẽ không chấp nhận đề xuất đó. Đối với các nhà lãnh đạo, “cách tốt nhất để hỗ trợ tiêu dùng là thông qua việc làm, tốt nhất là bằng cách củng cố khu vực doanh nghiệp” như giảm thuế, nhà kinh tế Wang Tao của UBS Group nhận định.
Chính quyền Bắc Kinh vẫn đang kiên định với mục tiêu duy trì thâm hụt ngân sách ở mức 3% GDP. Ông Tập trước đây cũng từng cảnh báo về cái bẫy “chủ nghĩa phúc lợi” mà các quan chức cấp cao cho là có thể sinh ra “thói lười biếng”.
Mặc dù không từ bỏ mục tiêu tăng trưởng mà chính phủ đã theo đuổi trong hàng chục năm qua, ông Tập đã bổ sung thêm một số nhiệm vụ khác cho giới chức trách.
Cùng với việc kiểm soát đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp, ông đã nhiều lần nhấn mạnh rằng Trung Quốc không nên hy sinh an ninh quốc gia, cơ chế quản trị rủi ro và môi trường để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn.
Ông Michael Hirson, cựu tuỳ viên Bộ Tài chính Mỹ tại Bắc Kinh, lưu ý rằng “Chủ tịch Tập Cận Bình đã nhấn mạnh nhiều lần trong năm nay rằng các quan chức nên tập trung giảm thiểu rủi ro và không nên theo đuổi những mục tiêu ngắn hạn”.
“Tuy nhiên, bây giờ chính quyền địa phương cũng được yêu cầu hỗ trợ tăng trưởng. Do đó, nhiều quan chức có thể coi kích thích kinh tế một cách khiêm tốn là bước đi an toàn hơn”, ông Hirson nhận xét.
Điều này khiến nhiều nhà quan sát kết luận rằng Trung Quốc sẽ loay hoay tìm cách hỗ trợ những doanh nghiệp đang gặp khó khăn và tung ra những biện pháp hạn chế để thúc đẩy tâm lý người tiêu dùng, hơn là một kế hoạch kích thích toàn diện.