Kinh tế Trung Quốc khởi sắc, mục tiêu tăng trưởng 5% trong tầm tay nhưng bất động sản vẫn là lực cản
Tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc đã vượt kỳ vọng của các nhà kinh tế nhờ chi tiêu tiêu dùng mạnh mẽ. Mục tiêu tăng trưởng cả năm khoảng 5% vẫn nằm trong tầm tay của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, dữ liệu cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong tương lai khi nỗ lực của chính quyền Chủ tịch Tập Cận Bình nhằm ổn định lĩnh vực bất động sản và ngăn chặn cú sốc giảm phát không phát huy nhiều tác dụng.
Những thách thức kinh tế của Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa Bắc Kinh và phương Tây đang leo thang. Gần đây, Mỹ đã thắt chặt hạn chế xuất khẩu chip bán dẫn sang Trung Quốc, trong khi châu Âu tiến hành điều tra lĩnh vực xe điện của nước này.
Các nhà kinh tế được Bloomberg khảo sát dự đoán tăng trưởng GDP năm 2024 của Trung Quốc sẽ chững về mức 4,5%.
Ông Miao Ouyang, chuyên gia kinh tế tại BofA Global Research, nhận định: “Trung Quốc không gặp áp lực lớn trong việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay”.
Mục tiêu nói trên từng bị nghi ngờ vào đầu năm 2023, nhưng vào ngày 18/10, các quan chức chính phủ Trung Quốc cho biết họ “rất tự tin” rằng nền kinh tế sẽ đạt được cột mốc đó.
Cú hích từ tiêu dùng
Bất ngờ lớn nhất trong loạt dữ liệu mới của Trung Quốc là doanh số bán lẻ. Báo cáo cho thấy chi tiêu tiêu dùng tháng 9 đã phục hồi mạnh mẽ so với cùng kỳ năm ngoái, từ ăn uống tại nhà hàng cho đến mua sắm ô tô.
Tỷ lệ thất nghiệp tụt xuống mức 5% và tỷ lệ tiết kiệm hộ gia đình cũng giảm, cho thấy xu hướng thắt chặt của thị trường lao động đang giúp người tiêu dùng Trung Quốc thấy lạc quan hơn.
Điều đó góp phần giúp GDP quý III tăng 4,9% so với cùng kỳ và 1,3% so với quý trước. Loạt ngân hàng đầu tư từ Citigroup đến Nomura đều nâng dự báo kinh tế năm 2023 của Trung Quốc.
Các chuyên gia của Citigroup nhận định: “Tăng trưởng quý III là một chuyển biến mạnh mẽ, chứng tỏ nền kinh tế có thể đã chạm đáy [và đang phục hồi]”. Citigroup đã nâng dự báo tăng trưởng năm nay từ mức 5% lên 5,3%.
Ở diễn biến khác, tăng trưởng kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng cạnh tranh nhau. Theo Bloomberg, điều này có thể giúp chính quyền ông Tập cảm thấy nhẹ nhõm hơn.
Tính theo tốc độ chuẩn hoá theo năm, tăng trưởng GDP quý III của Trung Quốc là 5,3%, cao hơn ước tính đồng thuận cho tăng trưởng quý III của Mỹ là 4,1%. Thế giới cũng sẽ nhận được cú hích khi hai nền kinh tế lớn nhất đánh bại kỳ vọng hồi đầu năm của giới chuyên gia.
Tâm lý bi quan chưa dứt
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng của lĩnh vực bất động sản đang khiến các nhà kinh tế bi quan về triển vọng của năm tới.
Họ nghi ngờ rằng liệu Trung Quốc có thể tìm thấy những lĩnh vực tăng trưởng đủ mạnh để bù đắp lực cản từ thị trường bất động sản hay không. Bất động sản và các ngành nghề liên quan hiện chiếm tới 25% GDP của Trung Quốc.
Ông Larry Hu, kinh tế trưởng của Macquarie tại thị trường Trung Quốc, đánh giá: “Bất động sản là mối lo ngại chính. Tôi nghĩ, sau khi sa sút trong hơn hai năm qua, lĩnh vực này sẽ bớt đè nặng lên nền kinh tế vào năm 2024. Dù tôi có đoán đúng thì chặng đường sắp tới cũng sẽ gập ghềnh”.
Trong 9 tháng đầu năm, đầu tư vào bất động sản đã giảm 9,1% so với cùng kỳ. Thước đo này vẫn đi xuống ngay cả khi Bắc Kinh đã nới lỏng các yêu cầu thanh toán trước tiền nhà ở nhiều thành phố lớn vào tháng trước.
Các hộ gia đình dường như vẫn thận trọng với việc mua nhà do rắc rối thanh khoản của các công ty địa ốc. Country Garden, từng là nhà phát triển hàng đầu đất nước, đang cận kề nguy cơ vỡ nợ.
Người dân cũng bi quan về giá nhà đất và do đó, họ đang chuyển tiền tiết kiệm từ nhà ở sang tiền gửi ngân hàng.
Ông Paul Cavey, chuyên gia kinh tế tại East Asia Econ, nhận định rằng mặc dù các lĩnh vực như xe điện, sản xuất vi mạch và năng lượng tái tạo đang hoạt động tốt, “nền kinh tế Trung Quốc khó có thể nhanh chóng chấm dứt sự phụ thuộc vào bất động sản”.
Việc doanh nghiệp và các hộ gia đình gửi tiền vào ngân hàng cùng “sự thiếu nhất quán kéo dài về dữ liệu” khiến ông Cavey không tin tưởng vào khả năng phục hồi của lĩnh vực tiêu dùng.
Một dấu hiệu đáng lo khác là chỉ số giảm phát GDP (GDP deflator - một thước đo quan trọng về giá cả trong nền kinh tế) đã ở mức âm trong quý thứ hai liên tiếp.
Đây là lần đầu tiên chỉ số giảm phát GDP rơi vào tình trạng này kể từ năm 2015, theo đánh giá của Bloomberg. Các nhà kinh tế cảnh báo giá cả sụt giảm là dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy yếu.
Rủi ro đeo bám lĩnh vực bất động sản là một trong các lý do khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế hạ dự báo tăng trưởng năm 2024 của Trung Quốc xuống 4,2%.