|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Thời sự

Việt Nam có thể làm gì trước khi Mỹ chính thức áp thuế đối ứng?

11:24 | 03/04/2025
Chia sẻ
Chỉ còn một tuần nữa, đến ngày 9/4, mức thuế 46% của Mỹ áp cho hàng hoá Việt Nam sẽ có hiệu lực, vậy Việt Nam cần làm gì để giảm bớt tình hình căng thẳng trong chính sách thuế quan với Mỹ?

Ngày 2/4 (theo giờ địa phương), Mỹ đã công bố danh sách những quốc gia bị áp thuế đối ứng. Trong đó, Việt Nam bị áp thuế 46%, Thái Lan bị áp mức thuế 36%, Trung Quốc 34%, Đài Loan, Indonesia ở mức 32%. Trong khi đó, Ấn Độ bị áp thuế ở mức 26%, Hàn Quốc bị áp thuế mức 25%, Nhật Bản, Malaysia bị đánh thuế ở mức 24%, Liên minh châu Âu chịu mức thuế 20% còn khoảng 60 nền kinh tế bị áp thuế nhập khẩu tối thiểu 10%.

Theo dự kiến, thuế nhập khẩu tối thiểu sẽ có hiệu lực sau nửa đêm ngày 5/4 và các mức thuế cao hơn sẽ chính thức có hiệu lực vào lúc 12h01 sáng ngày 9/4.

Tuy nhiên, Mỹ vẫn để ngỏ khả năng đàm phán khi Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Scott Bessent kêu gọi các đối tác thương mại của Mỹ không nên thực hiện các bước trả đũa đối với thuế quan đối ứng của Tổng thống Donald Trump và tăng cường đàm phán.

Ông Bessent nhấn mạnh, “về các cuộc đàm phán, chúng ta hãy cùng chờ xem”. Đồng thời cũng tiết lộ, chính quyền ông Trump sẽ “để mọi thứ ổn định một thời gian”. Vậy, Việt Nam có thể làm gì để xoa dịu căng thẳng thuế quan với Mỹ?

Thu hẹp chênh lệch

Tỷ trọng của thị trường Mỹ trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam đã tăng lên trong những năm gần đây. (Nguồn: VIS Ratings). 

Trên thực tế, Việt Nam đang rất nỗ lực để thể hiện rằng sẽ cố gắng thu hẹp mức chênh lệch về cán cân thương mại cũng như chênh lệch về thuế quan. Để thu hẹp chênh lệch về thuế quan, ngày 31/3 vừa rồi Việt Nam đã giảm thuế MFN đối với nhiều mặt hàng mà Mỹ có lợi thế.

Tuy nhiên, theo Chuyên gia chính sách công Nguyễn Minh Đức, với mức giảm chỉ từ 2% đến 25%, cộng với kim ngạch hàng Mỹ vào Việt Nam chỉ là hơn chục tỷ USD thì số tiền mà Việt Nam giảm cho hàng Mỹ chỉ tính bằng đơn vị triệu USD. Trong khi đó, Mỹ định áp thuế khoảng hơn 50 tỷ USD với hàng hoá Việt Nam.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang có những bước đi đầu tiên để xoa dịu sự căng thằng với Mỹ như cho phép dịch vụ Internet vệ tinh Starlink của tỷ phú Elon Musk vào Việt Nam hay các dự án của tập đoàn Trump.

Tuy nhiên, những nỗ lực này dường như là chưa đủ khi điểm mấu chốt của mức thuế 46% là Chính phủ Mỹ ước tính Việt Nam đang áp mức thuế 90% với Mỹ, con số này được xác định dựa trên số liệu thống kê của Chính phủ về thuế suất và rào cản phi thuế quan mà các quốc gia đó áp dụng đối với hàng hoá Mỹ. 

Tổng thống Trump cũng cho biết ông sẽ cân nhắc hạ thuế suất nếu các quốc gia dỡ bỏ rào cản thương mại đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Ông nói: “Các bạn hãy chấm dứt thuế quan, dỡ bỏ rào cản và đừng thao túng tiền tệ”. Vì vậy, muốn giảm sự mất cân bằng thương mại, Việt Nam cần phải tăng việc mua hàng hoá từ Mỹ.

Việt Nam đứng thứ 3 trong số các nước mà Mỹ thâm hụt thương mại năm 2024. (Nguồn: VIS Ratings).

"Chính phủ Việt Nam, trực tiếp hoặc thông qua các doanh nghiệp nhà nước sẽ mua hàng Mỹ nhiều hơn. Các mặt hàng đang được nhắm đến là trực thăng, máy bay, một số loại vũ khí, năng lượng, thiết bị điện... Nhưng có vẻ như tiến trình đàm phán các hợp đồng này vẫn còn nhiều điểm chưa thuận lợi", ông Đức phân tích.

Trong tháng 3, Bộ trưởng Công Thương Việt Nam cũng đã gặp Trưởng Đại diện Thương mại Mỹ để thảo luận các giải pháp thúc đẩy hợp tác thương mại hai bên.

Theo dự kiến, ngay đầu tháng 4, Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc cũng sẽ tham dự Chương trình Đối thoại chính sách cấp cao tại Đại học Columbia (New York), thăm làm việc tại Mỹ và thăm chính thức Cộng hòa Cuba.

Tuy nhiên, việc thúc đẩy các thương vụ lớn để mua hàng hoá Mỹ vẫn còn khá chậm. Hãng hàng không Quốc gia (Vietnam Airlines) ngày 11/9/2023 đã ký kết bản ghi nhớ về việc chào bán 50 máy bay thân hẹp Boeing 737 MAX với giá trị 10 tỷ USD nhân chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Joe Biden và nâng cấp quan hệ Việt Nam – Mỹ lên mức Đối tác Chiến lược Toàn diện. 

Tuy nhiên, hãng chỉ đang thực hiện thủ tục về việc bổ sung 50 tàu bay thân hẹp theo quy định chứ chưa có thực hiện thương vụ được ngay bởi theo trình tự Vietnam Airlines cần trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về chủ trương đầu tư.

Trường hợp Thủ tướng Chính phủ có ý kiến đồng ý về mặt chủ trương, người đại diện doanh nghiệp có nghĩa vụ báo cáo, xin ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài chính, trước khi người đại diện tham gia ý kiến, biểu quyết và quyết định tại Đại hội đồng cổ đông.

Lễ ký kết giữa Conoco Philips và PV GAS hồi tháng 3. (Nguồn: PV GAS).

Ngoài Vietnam Airlines, Tổng công ty Khí Việt Nam (PV GAS) cũng đã ký kết các thỏa thuận nhập khẩu LNG từ Mỹ. Các thoả thuận này được ký trong chuyến công tác của Bộ trưởng Bộ Công Thương tới Mỹ vào tháng 3.

Việc nhập khẩu LNG từ Mỹ sẽ đóng góp vào việc thực hiện kế hoạch nhập khẩu quốc gia đạt 9 triệu tấn/năm vào năm 2030, tăng lên 15 triệu tấn/năm vào năm 2035, với tổng giá trị ước tính 7,2 tỷ USD/năm theo Quy hoạch điện VIII.

Cũng trong khuôn khổ chuyến công tác, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết các hợp đồng mua sắm thiết bị, nguyên liệu và dịch vụ với tổng giá trị khoảng 4,15 tỷ USD; tạo động lực cho hàng trăm nghìn việc làm tại cả hai quốc gia.

Tuy nhiên, ngoài LNG và máy bay, các chuyên gia cũng khuyến cáo Việt Nam cần gia tăng nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ như đậu tương, trái cây và các loại hạt có giá trị gia tăng cao. Đồng thời, mở cửa cho nhà đầu tư Mỹ, gỡ bỏ rào cản phi thuế quan đối với hàng hoá, hạ thuế tiêu thụ đặc biệt... 

Một yếu tố nữa là về tiền tệ, theo ông Đức, mức thuế mà Trump đưa ra được tính toán không chỉ dựa trên mức thuế nhập khẩu hiện hành, mà còn bao gồm cả yếu tố thao túng tiền tệ. Vậy Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có thể sẽ phải dùng nhiều biện pháp nghiệp vụ để tăng tỷ giá tiền VND so với USD sắp tới và trong đó nhiều khả năng sẽ phải sử dụng dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, việc điều hành chính sách tiền tệ sẽ tác động rất lớn đến ổn định vĩ mô. Vì vậy, NHNN cần cân nhắc đến nhiều yếu tố khác.

Cơ hội để cải cách

Việc trở thành công xưởng sản xuất hàng hoá của các doanh nghiệp FDI và xuất khẩu sang Mỹ khiến Việt Nam có nguy cơ bị coi là quốc gia để né thuế. Vì vậy, thuế quan cao hơn đối với xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ sẽ đẩy giá cao hơn cho người tiêu dùng Mỹ cũng như làm giảm nhu cầu và doanh số của sản phẩm Việt Nam.

Khi đó, các công ty đa quốc gia, các tập đoàn FDI sản xuất điện tử và thiết bị máy móc tại Việt Nam có khả năng sẽ phản ứng với thuế quan bằng cách chuyển một phần hoạt động sản xuất hoặc hàng hóa hoàn thiện sang các quốc gia khác.

Tuy nhiên, ngoài tác động tiêu cực đến xuất khẩu và kinh tế Việt Nam trong ngắn hạn đây cũng là một cơ hội để Việt Nam có thể tạo ra những thay đổi tích cực về lâu dài trong bối cảnh Việt Nam đang thực hiện các cải cách về thể chế và các chính sách kinh tế và khoa học công nghệ.

TS. Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA). (Ảnh: NVCC).

Theo TS. Bùi Quý Thuấn, Phó Trưởng Ban nghiên cứu, Liên chi hội tài chính KCN Việt Nam (VIPFA), việc phải chịu thuế cao từ Mỹ có thể buộc Việt Nam đẩy nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, tận dụng 17 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, như EVFTA, CPTPP, RCEP,…hoặc hướng tới các thị trường mới như Trung Đông với thị trường Halal (2,2 tỷ người), Đông Bắc Á, Bắc Mỹ, Châu Phi,….

Điều này giúp giảm phụ thuộc vào thị trường Mỹ trong dài hạn. Khi xuất khẩu gặp khó, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có thể chuyển hướng sang thị trường nội địa với dung lượng hơn 100 triệu dân.

Ông cũng nhấn mạnh rằng, đứng trước chính sách thuế quan của Mỹ, Việt Nam cần: Tiếp tục đàm phán song phương với chính quyền Mỹ đối với mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang thị trường Mỹ nhưng đồng thời cũng cần định hướng và cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp đa dạng hóa thị trường.

Việt Nam cũng cần thu hút đầu tư các tập đoàn lớn của Mỹ vào Việt Nam và tăng cường mua hàng từ Mỹ để giảm bớt căng thẳng.

Ở trong nước, Chính phủ cần thúc đẩy nhanh các chính sách kinh tế mới như đầu tư công để kích cầu, hay phát triển kinh tế tư nhân, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo vào thực tiễn nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp bằng cách cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh thực chất hơn nữa.

Ngoài ra, để đứng trước áp lực về thuế quan, ông Thuấn cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam có thể đầu tư vào công nghệ, chuyển đổi số nhanh hơn và xanh hóa sản xuất, đáp ứng yêu cầu cao hơn từ các thị trường quốc tế. Điều này giúp nâng cao năng lực cạnh tranh và giá trị gia tăng của hàng hóa Việt Nam trong dài hạn.

Đặc biệt, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú trọng hơn với việc đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, mở rộng và đa dạng thị trường và cải tiến, áp dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất nhằm giảm chi phí và tạo ra những sản phẩm khác biệt.

"Tác động tiêu cực sẽ rõ rệt trong ngắn hạn, đặc biệt với các ngành xuất khẩu chủ lực như hàng điện tử, dệt may – da giày, đồ gỗ và nội thất,… Tuy nhiên, thách thức này cũng có thể trở thành động lực để nền kinh tế chuyển đổi theo hướng bền vững hơn trong tương lai", Phó Trưởng Ban nghiên cứu VIPFA nói.

Hạ An