Hãng rượu đắt tiền tăng giá giữa lúc kinh tế bất ổn là tín hiệu tốt về chính sách tại Trung Quốc?
Hãng rượu Quý Châu Mao Đài (Kweichou Moutai) của Trung Quốc vừa làm điều trái ngược với các logic kinh doanh và lý thuyết kinh tế nói chung: tăng giá sản phẩm giữa lúc triển vọng kinh tế mờ mịt.
Tuy nhiên, Quý Châu Mao Đài không phải một doanh nghiệp bình thường. Và theo tờ Bloomberg, người dân và doanh nghiệp Trung Quốc nên nâng chén uống mừng sự tự tin của gã khổng lồ trong ngành thức uống có cồn này.
Quý Châu Mao Đài báo cáo doanh thu quý III kém hơn kỳ vọng của giới phân tích. Số rượu bạch tửu mà người Trung Quốc tiêu thụ trong dịp lễ Trung Thu và Tuần lễ vàng ít hơn nhiều so với dự kiến của công ty.
Trong bối cảnh giá bất động sản lao dốc, nhiều người trẻ lâm vào cảnh thất nghiệp và lĩnh vực sản xuất sa sút, rõ ràng công chúng không có nhiều lý do để uống mừng.
Theo các lý thuyết kinh tế phổ thông, Quý Châu Mao Đài đáng lẽ nên giảm giá để kích thích nhu cầu. Song, tuần trước, công ty lại thông báo tăng giá xuất xưởng của các loại rượu do họ sản xuất thêm trung bình 20%.
Tuy nhiên, Quý Châu Mao Đài không thay đổi giá bán lẻ đề xuất. Điều này có nghĩa là nếu các nhà bán lẻ giữ nguyên giá bán cho khách hàng thì công ty sẽ thu được thêm lợi nhuận từ các kênh bán hàng.
Quý Châu Mao Đài có lý do để tự tin, bởi mối quan hệ giữa họ với khách hàng là độc nhất vô nhị. Rượu Mao Đài không nổi tiếng trên thị trường quốc tế, đây là loại rượu được sản xuất bởi công ty Trung Quốc và dành cho người Trung Quốc.
Do đó, Mao Đài là loại rượu hàng đầu trong các lễ hội, đám cưới, lễ kỷ niệm cuối năm, tiệc chúc mừng thăng chức và các bữa tối cấp nhà nước tại chính đất nước tỷ dân.
Rượu Mao Đài là thức uống ưa thích của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Khi Tổng thống Mỹ Richard Nixon đến thăm Trung Quốc năm 1972, ông đã được Chủ tịch Mao mời uống Mao Đài.
Năm 1974, Ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger từng nói với ông Đặng Tiểu Bình, người sẽ sớm trở thành nhà lãnh đạo quyền lực nhất Trung Quốc: “Tôi nghĩ nếu đã uống đủ rượu Mao Đài thì chúng ta có thể giải quyết mọi vấn đề giữa hai bên”.
Sự yêu thích của những nhân vật quyền lực đã biến Mao Đài thành thương hiệu được giới thượng lưu ưa chuộng, là thức uống không thể thiếu tại các bữa tiệc kinh doanh và là vật thể hiện sự giàu có và quyền lực.
Tầm quan trọng của Mao Đài
Tập đoàn Mao Đài (công ty mẹ của Quý Châu Mao Đài) nằm ở tỉnh Quý Châu. Tập đoàn này quan trọng tới mức sản lượng hàng năm của họ được coi như một trong các chỉ số chính về phát triển kinh tế và xã hội quốc gia. Số liệu luôn được liệt kê trong Niên giám Thống kê Quý Châu, trang On Global Leadership cho hay.
Theo báo cáo công bố năm 2020, Tập đoàn Mao Đài nộp 43 tỷ nhân dân tệ tiền thuế năm 2019, tương đương khoảng 20% toàn bộ tiền thuế tỉnh Quý Châu thu được năm đó.
Ông Victor Shih, chuyên gia về kinh tế - chính trị Trung Quốc và là giáo sư tại Đại học California, nhận xét: “Mao Đài là một trong những doanh nghiệp nhà nước giá trị nhất của Trung Quốc”.
Vào cuối năm 2019, Tập đoàn Mao Đài đã chuyển khoảng 50,2 triệu cổ phiếu, tương đương 4% tổng số cổ phiếu của họ cho Capital Operation, một công ty xây dựng thuộc sở hữu của chính quyền tỉnh Quý Châu. Một năm sau, tập đoàn lại một lần nữa chuyển nhượng miễn phí 50,2 triệu cổ phiếu cho Capital Operation.
Tháng 9/2020, Tập đoàn Mao Đài phát hành 15 tỷ nhân dân tệ trái phiếu để đầu tư vào công ty đường sắt thua lỗ Guizhou Expressway Group ở Quý Châu. Trước đó, đại gia ngành thức uống có cồn này cũng đã giúp xây dựng hai sân bay ở quê nhà và nắm giữ cổ phần trong các công ty khai thác sân bay, thep Asian Financial.
Thế thời chuyển biến
Vài năm trước, môi trường chính trị ở Trung Quốc từng chuyển biến xấu cho Mao Đài. Chủ tịch Tập Cận Bình chỉ trích lối sống chi tiêu hoang phí, kêu gọi các quan chức nhà nước sống tiết kiệm và ngay thẳng.
Năm 2020, tờ People's Daily của nhà nước Trung Quốc đề cập đến mức giá đắt đỏ của rượu Mao Đài. Tờ báo chỉ ra rằng loại rượu “Flying Fairy” cao cấp có giá 200 USD/chai thường được dùng để biếu xén trong các trường hợp tham nhũng. Một năm sau, cựu Chủ tịch Mao Đài bị kết án tù vì nhận hối lộ.
Nhưng thời thế đã thay đổi lần nữa. Khi Bắc Kinh siết quản lý đối với các công ty công nghệ như Tencent và Alibaba, nền kinh tế Trung Quốc vẫn còn mạnh mẽ. Đại dịch COVID-19 đã đem lại cú hích tạm thời cho các công ty tập trung vào thị trường nội địa, ví dụ như giao hàng hay dịch vụ kỹ thuật số. Tiếp đó, làn sóng mua sắm phục thù hậu đại dịch đã thúc đẩy các ngành như du lịch, khách sạn và xe cộ.
Cuộc phục hồi kinh tế của Trung Quốc giờ đã chững lại. Giới lãnh đạo doanh nghiệp phản ứng bằng cách giới hạn chi phí và hạn chế tuyển dụng. Các công ty công nghệ lớn từng là phương tiện chính tạo ra việc làm chính cho hàng triệu cử nhân, nhưng nay chỉ cố gắng hoạt động một cách lặng lẽ và hạn chế thiệt hại từ tình trạng kinh tế ảm đạm.
Lĩnh vực sản xuất và xuất khẩu khổng lồ của Trung Quốc cũng đang lâm vào khó khăn. Sự giảm tốc của thương mại toàn cầu, tác động từ làn sóng phá sản của các công ty bất động sản và rắc rối nợ nần của các chính quyền địa phương đều ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế.
Trong môi trường kinh tế khó khăn như vậy, Quý Châu Mao Đài lẽ ra không nên tăng giá sản phẩm. Nhưng công ty biết rõ khách hàng của mình.
Ngoài ra, Chủ tịch Tập Cận Bình đã nới lỏng kiểm soát đối với các công ty công nghệ lớn cũng như đã điều chỉnh các biện pháp kiểm soát vốn, đồng thời cố gắng thu hút đầu tư nước ngoài. Những dấu hiệu trên cho thấy Bắc Kinh đang sẵn sàng cho doanh nghiệp thêm sự tự do để thúc đẩy nền kinh tế.