Ông Trump tuyên bố cứng rắn: Không hoãn thuế đối ứng nhưng sẵn sàng đàm phán

Tổng thống Mỹ Donald Trump trò chuyện với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu. (Ảnh: Bloomberg).
Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết hiện ông không cân nhắc việc tạm hoãn kế hoạch áp thuế quan đối ứng với hàng chục quốc gia/vùng lãnh thổ trong tuần này. Tuy nhiên, chủ nhân Nhà Trắng vẫn sẵn sàng cho các cuộc đàm phán.
Trao đổi với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Phòng Bầu dục hôm 7/4, ông Trump nhấn mạnh: “Chúng tôi không xem xét việc tạm hoãn chính sách thuế quan”.
Ông giải thích thuế quan “rất quan trọng” với kế hoạch kinh tế của Nhà Trắng và đa phần chúng sẽ được giữ nguyên, nhưng vẫn để ngỏ cánh cửa cho “những thỏa thuận tốt và công bằng với mọi quốc gia”.
Vị tổng thống nói thêm: “Một số thuế quan có thể được áp dụng vĩnh viễn và một số có thể được đàm phán, bởi ngoài thuế quan thì Mỹ cũng cần những thứ khác”.
Thuế quan đối ứng 10% của Mỹ đã bắt đầu có hiệu lực từ ngày 5/4 và các mức thuế cao hơn đối với hơn 60 quốc gia/vùng lãnh thổ khác sẽ có hiệu lực kể từ ngày 9/4. Israel đối mặt với mức thuế 17%.
Trong cuộc gặp gỡ hôm 7/4, ông Netanyahu khẳng định Israel sẽ nỗ lực để xóa bỏ rào cản thương mại và thâm hụt thương mại với Mỹ.
Ông Netanyahu nói với các phóng viên: “Chúng tôi sẽ xóa bỏ thâm hụt thương mại với Mỹ. Chúng tôi dự định sẽ thực hiện kế hoạch đó rất nhanh chóng. Chúng tôi nghĩ rằng đó là điều đúng đắn cần làm. Và chúng tôi cũng sẽ dỡ bỏ các rào cản thương mại".
Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ báo hiệu ngay cả những nỗ lực như vậy cũng có thể là không đủ để ông giảm bớt thuế quan lên Israel - đồng minh lâu năm của Washington. Ông nhắc nhở rằng Mỹ viện trợ quốc phòng cho Israel “hàng tỷ USD mỗi năm”.
Khi phóng viên đặt câu hỏi liệu các quốc gia có thể đàm phán để giảm thuế quan xuống dưới mức tối thiểu 10% hay không, ông Trump không trả lời trực tiếp mà nhấn mạnh vào những lợi ích với nước Mỹ. Ông khẳng định: “Thuế quan sẽ giúp Mỹ trở nên rất giàu có”.
“Hình mẫu cho các quốc gia”?
Cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia cho thấy ngay cả đối tác thân cận nhất của Mỹ cũng gặp khó khăn lớn trong việc đàm phán thuế quan với Nhà Trắng.
Ông Trump báo hiệu rằng một số quốc gia sẽ gặp thách thức đáng kể với nỗ lực dỡ bỏ thuế quan của Mỹ. Ông cũng lặp lại lời đe dọa áp thuế bổ sung 50% lên Trung Quốc nếu Bắc Kinh không từ bỏ kế hoạch đánh thuế trả đũa 34% lên hàng hóa Mỹ.
Ông Netanyahu là nhà lãnh đạo nước ngoài đầu tiên đến thăm Nhà Trắng kể từ khi ông Trump công bố thuế quan đối ứng vào tuần trước.
Tờ Bloomberg cho biết nhiều quốc gia đã theo dõi sát sao chuyến đi của ông Netanyahu và hy vọng một thỏa thuận giữa Mỹ và Israel có thể cung cấp bài học trong việc đàm phán thuế quan với Nhà Trắng. Ông Netanyahu cũng đã bày tỏ sự lạc quan rằng Israel có thể "trở thành hình mẫu cho nhiều quốc gia" về cách tiếp cận xung đột thương mại.
Tuy nhiên, ông Trump đặt ra điều kiện khá cao cho bất kỳ thỏa thuận nào. Tuần trước, ông cho biết Mỹ sẵn sàng giảm thuế quan cho những quốc gia có thể mang đến thứ gì đó “phi thường” cho nước này. Vào ngày 6/4, ông tuyên bố các nước cần xóa bỏ thâm hụt thương mại song phương và các rào cản phi thuế quan.
Ông tuyên bố: “Một số nước lập hàng rào thương mại thuế quan cứng rắn đến mức chúng tôi không thể lượng hóa được. Thuế quan là một phần lớn trong các cân nhắc của chúng tôi, nhưng một phần lớn khác là các rào cản thương mại. Một số nước còn thao túng tiền tệ, kéo giá đồng tiền nước họ đi xuống”.
Khi phóng viên hỏi về lời đề nghị từ Liên minh châu Âu rằng khối này sẽ giảm thuế quan với ô tô và hàng hóa công nghiệp nhập khẩu từ Mỹ xuống 0%, ông Trump đáp sự nhượng bộ đó là không đủ.