Tương lai nào đang chờ nền kinh tế Mỹ? Sự kiện Brexit của Anh có thể đưa ra gợi ý

Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố thuế quan đối ứng hôm 2/4. (Ảnh: Getty Images).
Gợi ý từ sự kiện Brexit của Anh
Quyết định áp thuế quan đối ứng vào giữa tuần trước của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang đặt ra một câu hỏi: điều gì sẽ xảy ra khi một nền kinh tế phát triển dựng lên rào cản với các đối tác thương mại lớn nhất của họ?
Sự kiện Brexit của Anh có thể đưa ra một vài gợi ý, theo nhận định của các nhà kinh tế đã trao đổi với Wall Street Journal. Quyết định tách khỏi Liên minh châu Âu (EU) của Anh là một thử nghiệm mới trong quá trình phi toàn cầu hoá.
Có thể nói Brexit là điềm báo trước cho chiến thắng bầu cử đầu tiên của ông Trump và là chỉ báo sớm cho thấy không phải ai cũng hài lòng về hàng thập kỷ thương mại tự do, khi mà nhiều nước trở nên thịnh vượng hơn nhưng cũng có lắm những kẻ thua cuộc.
Mặc dù tác động của Brexit vẫn đang tiếp tục bộc lộ, sự kiện này được giới chuyên gia nhận định là một hành động tự gây hại cho nền kinh tế của nước Anh. Nếu Brexit không xảy ra, có khả năng nền kinh tế Anh sẽ mạnh mẽ hơn.
Các chính trị gia Anh đã chi nhiều tiền và tập trung hơn vào các lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi quá trình phi công nghiệp hoá, nhưng họ vẫn phải chật vật để xoay chuyển tình hình.
Quan trọng hơn là sự bất ổn xung quanh sự kiện Brexit đã gây tổn hại đến hoạt động đầu tư kinh doanh, mạch máu của nền kinh tế Anh. Wall Street Journal cho rằng đây có thể là tương lai của nền kinh tế Mỹ.
Mặc dù không thể biết chính xác, một số mô hình ước tính kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu của Anh sẽ cao hơn 15%, đồng thời quy mô nền kinh tế sẽ lớn hơn 2 - 5% nếu nước này không rời EU. Đầu tư suy yếu là nguyên nhân chính khiến nền kinh tế Anh yếu đi.
Công chúng Anh cũng có nhận định của riêng mình. Theo cuộc khảo sát gần đây của YouGov, chỉ 30% người Anh hiện nói rằng Brexit là một ý tưởng hay và chỉ 11% nhận thấy Brexit mang đến nhiều lợi ích hơn thiệt hại.
“Khi một quốc gia can thiệp vào hoạt động thương mại, họ sẽ phải trả giá”, ông Alan Winters, nhà kinh tế tại Đại học Sussex, nhận xét. “Tôi nghĩ thương mại Anh đã bị ảnh hưởng khá rõ ràng. Chúng ta áp đặt các rào cản thương mại với nhà cung cấp và thị trường chính của mình, và họ đã đáp trả”.

Hệ quả của sự kiện Brexit gây ra gián đoạn cho hoạt động thương mại giữa Anh và EU. (Ảnh minh hoạ: Zuma Press).
Tuy nhiên, Wall Street Journal lưu ý rằng giữa Brexit và cuộc chiến thương mại của ông Trump có những điểm khác nhau nhất định.
Thứ nhất, nền kinh tế Anh phụ thuộc vào thương mại nhiều hơn so với Mỹ, nơi tự hào có nền kinh tế nội địa lớn và năng động hơn nhiều.
Thứ hai, Brexit không sinh ra để khắc phục tình trạng thâm hụt thương mại. Thực chất, chính phủ Anh muốn giành lại quyền kiểm soát các vấn đề như chính sách thương mại, quy định và nhập cư từ Brussels.
Và cuối cùng, Brexit không gắn liền với thuế quan. Vài năm sau cuộc bỏ phiếu, Anh đã đàm phán một thoả thuận thương mại phi thuế quan với EU, mặc dù các thủ tục giấy tờ và hải quan đã làm hỏng mối quan hệ thương mại song phương.
“Cờ đỏ” từ kinh nghiệm Brexit của Anh
Một tín hiệu cảnh báo cho Mỹ từ kinh nghiệm Brexit của Anh là những rủi ro bắt nguồn từ trạng thái không chắc chắn. Đầu tư kinh doanh tại Anh đã đình trệ kể từ cuộc trưng cầu dân ý năm 2016 đến khoảng năm 2022 - 2023. Vấn đề trở nên tồi tệ hơn do đại dịch và sự chuyển giao quyền lực hỗn loạn giữa các đời thủ tướng.
Hoạt động đầu tư suy yếu đồng nghĩa rằng doanh nghiệp sẽ rót ít tiền hơn vào các lĩnh vực như sản xuất và công nghệ, vốn là những động lực có thể thúc đẩy năng suất và sản lượng trong dài hạn.
Mỹ có thể trải qua điều tương tự nếu các doanh nghiệp không biết chắc thuế quan sẽ kéo dài bao lâu. Bất ổn càng kéo dài thì thiệt hại kinh tế sẽ càng lớn, Wall Street Journal cảnh báo.
“Bản chất phức tạp của quyết định thuế quan mới, cùng với sự không chắn chắn về thời gian áp dụng thuế quan, sẽ tạo ra một môi trường kém thân thiện hơn đối với chi tiêu đầu tư”, ông Michael Feroli, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng JPMorgan, viết trong một lưu ý vào tuần trước.
Đầu tư suy yếu có thể làm ảnh hưởng một mục tiêu quan trọng mà chính quyền ông Trump nhắm đến khi áp thuế quan: thu hút các doanh nghiệp đến xây dựng nhà máy tại Mỹ.
“Nếu công ty của bạn quyết định xây dựng nhà máy sản xuất áo phông ở Mississippi, rồi sau đó thuế quan lại giảm, thì nhà máy mới của bạn chẳng có ý nghĩa kinh tế nào”, nhà nghiên cứu John Springford của Trung tâm Cải cách châu Âu cho hay.
Chính quyền ông Trump tuyên bố kế hoạch thuế quan đã thu hút khoảng 2.000 tỷ USD vốn đầu tư dự kiến từ các công ty có ý định sản xuất hàng hoá tại Mỹ để tránh thuế. Nhà Trắng cũng hy vọng doanh thu từ thuế quan sẽ giúp chi trả cho chính sách cắt giảm thuế thu nhập và hạ thấp mức nợ công của Mỹ.
Thay vì cố gắng giảm bớt bất ổn, ông Trump dường như đang tận dụng nó cho các mục tiêu chính trị và ngoại giao khác, chẳng hạn như yêu cầu Mexico kiểm soát tình trạng buôn lậu ma tuý qua biên giới Mỹ.
“Thành thật mà nói, tôi nghĩ bất ổn là một phần trò chơi của ông Trump. Với Brexit, bất ổn là thiệt hại kèm theo. Song, ông Trump thích sự không chắc chắn, ông ấy thích khiến mọi người phải đoán già đoán non”, nhà kinh tế Winters nói.