Quặng sắt giữ giá giữa cơn bão thuế quan
Hợp đồng tương lai quặng sắt giao dịch tại Sở Giao dịch Singapore đã chốt phiên hôm thứ Hai ở mức 99,54 USD/tấn, mức thấp nhất trong ba tháng và giảm 4,1% so với mức 103,7 USD ngày 2/4 – thời điểm ông Trump áp mức thuế cao với nhiều đối tác thương mại của Mỹ, theo Reuters.
Các hợp đồng ở sàn Singapore phần lớn phản ánh góc nhìn của giới đầu tư bên ngoài Trung Quốc – nước tiêu thụ khoảng 3/4 lượng quặng sắt vận chuyển bằng đường biển toàn cầu và sản xuất hơn một nửa lượng thép của thế giới.

Diễn biến giá quặng sắt trên sàn Singapore trong một năm qua (Đơn vị: USD/tấn, nguồn: tradingeconomics)
Tuy nhiên, ngay cả các hợp đồng tương lai quặng sắt nội địa Trung Quốc trên Sàn giao dịch Hàng hóa Đại Liên cũng giữ giá khá ổn định, chỉ giảm 3,6% kể từ ngày 2/4, chốt ở mức 762,5 nhân dân tệ (104,31 USD)/tấn trong phiên giao dịch hôm thứ Hai.
Trái ngược với mức giảm nhẹ của quặng sắt, hợp đồng tương lai dầu Brent đã mất tới 14,1% kể từ ngày 2/4, chốt ở mức 64,36 USD/thùng – mức thấp nhất trong 4 năm. Hợp đồng đồng giao dịch tại London cũng giảm 10%, kết thúc ở mức 8.732 USD/tấn.
Dù Trung Quốc là quốc gia mua dầu và đồng nhiều nhất thế giới, hai mặt hàng này lại có số lượng nhà đầu tư rộng lớn hơn và thường phản ứng nhanh hơn trước những thay đổi về tâm lý và biến động thị trường so với quặng sắt.
Tuy vậy, diễn biến giá quặng sắt vẫn đi ngược lại với những tuyên bố mới nhất của ông Trump hồi tuần trước, khi ông áp thuế 34% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – cộng thêm mức 20% đã áp trước đó.
Ông Trump thậm chí còn “đẩy căng thẳng lên cao” hơn hôm thứ Hai khi dọa sẽ áp thêm mức thuế 50% với hàng nhập từ Trung Quốc, sau khi Bắc Kinh đáp trả bằng thuế 34% lên hàng Mỹ và kiểm soát xuất khẩu một loạt kim loại hiếm – nhiều trong số đó rất quan trọng đối với ngành quốc phòng và công nghệ.
Nếu tất cả mức thuế được thực thi, hàng xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ sẽ phải chịu tổng thuế lên tới 104% – điều gần như sẽ chấm dứt thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Triển vọng u ám
Theo phân tích từ Reuters, trong kịch bản này, rất khó để đưa ra lập luận rằng quặng sắt sẽ tiếp tục vượt trội so với các mặt hàng khác – thực tế, khả năng cao là giá mặt hàng này sẽ chịu ảnh hưởng nặng hơn.
Lĩnh vực sản xuất chiếm khoảng 25% nhu cầu thép của Trung Quốc. Do đó, nếu nhu cầu đối với các mặt hàng xuất khẩu như thiết bị gia dụng và xe cộ suy yếu,...nhu cầu thép cũng sẽ giảm.
Câu hỏi đặt ra là liệu Bắc Kinh có hành động quyết liệt để kích thích cả các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi thuế quan cũng như các ngành khác ít chịu tác động hơn nhưng có khả năng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tổng thể hay không.
Nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp kích cầu thông qua đầu tư hạ tầng và chi tiêu tiêu dùng cho hàng công nghiệp, vấn đề sẽ là liệu điều đó có đủ để giữ mức cầu thép ở mức tương đối cao hay không.
Nếu nhu cầu và sản lượng thép được duy trì, thì nhập khẩu quặng sắt – và theo đó là giá cả – cũng có thể ổn định.
Hiện vẫn còn quá sớm để khẳng định nhập khẩu quặng sắt của Trung Quốc đang suy yếu vì lo ngại thuế quan. Số liệu tháng 3 do công ty phân tích hàng hóa Kpler cung cấp cho thấy kết quả tích cực, dù không quá nổi bật.
Trung Quốc đã nhập khẩu 102,1 triệu tấn quặng sắt trong tháng 3, tăng so với mức 84,36 triệu tấn của tháng 2 – tháng vốn bị gián đoạn bởi thời tiết xấu tại Australia, nhà cung cấp lớn nhất.
Con số tháng 3 cũng chỉ thấp hơn đôi chút so với mức 104,9 triệu tấn cùng kỳ năm 2024, theo dữ liệu của Kpler.
Ngoài quặng sắt, một nguyên liệu thép quan trọng khác là than luyện kim cũng phản ứng khá “trầm” trước cuộc chiến thuế leo thang.
Hợp đồng tương lai than luyện kim tại Sở Giao dịch Singapore – phản ánh giá than từ Australia, nhà xuất khẩu lớn nhất mặt hàng này – thậm chí còn tăng 5,9% kể từ ngày 2/4, chốt ở mức 186 USD/tấn trong phiên thứ Hai.
Tuy nhiên, mức tăng giá này chủ yếu đến từ gián đoạn nguồn cung do thời tiết tại bang Queensland, nơi tập trung phần lớn mỏ than luyện kim của Australia.
Hợp đồng than cốc của Trung Quốc lại giảm 3,1% kể từ ngày 2/4, chốt ở mức 971,5 nhân dân tệ/tấn hôm thứ Hai – có lẽ là dấu hiệu phản ánh rõ hơn mối lo ngại về nhu cầu đang dần xuất hiện trong bối cảnh bất ổn do thuế quan.