Trung Quốc có động thái mới để cứu nền kinh tế: Chính phủ phát hành thêm nợ, ông Tập bất ngờ đến thăm NHTW
Hôm 24/10, Xinhua đưa tin chính phủ Trung Quốc đã thông qua kế hoạch tăng tỷ lệ thâm hụt tài khoá cho năm 2023 lên tương đương 3,8% GDP. Tỷ lệ hiện tại cao hơn nhiều so với mức 3% mà Bắc Kinh đặt ra vào tháng 3.
Bắc Kinh có kế hoạch phát hành thêm trái phiếu chính phủ trị giá 1.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 137 tỷ USD) trong quý IV năm nay để hỗ trợ việc xây dựng và cứu trợ thiên tai.
Theo Bloomberg, Trung Quốc hiếm khi điều chỉnh ngân sách vào giữa năm.
Trước đây, chính phủ nước này chỉ thực hiện động thái tương tự trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, sau trận động đất ở Tứ Xuyên và sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á cuối những năm 1990.
Ông Mark Williams, kinh tế trưởng của Capital Economics cho khu vực châu Á, nhận định: “Động thái hỗ trợ tài khoá vừa qua là biện pháp can thiệp mà chúng tôi đã kỳ vọng từ lâu”.
“Chính sách này là cần thiết để ngăn chặn tình trạng thắt chặt tài khoá đột ngột ở Trung Quốc trong những tuần cuối năm”, vị chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.
Loạt thay đổi về ngân sách xuất hiện trong bối cảnh Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc vừa đưa ra loạt thông báo mới khác.
Hôm 23/10, cơ quan này đã kết thúc một cuộc họp kéo dài nhiều ngày. Tại đây, ủy ban đã cách chức Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Lý Thượng Phúc sau hai tháng ông này biến mất khỏi công chúng.
Đồng thời, ủy ban còn tước bỏ vai trò còn lại của cựu Ngoại trưởng Tần Cương trong Quốc vụ viện và bổ nhiệm ông Lan Fo’an làm Bộ trưởng Bộ Tài chính thay ông Lưu Côn.
Động thái điều chỉnh ngân sách cho thấy giới lãnh đạo cấp cao đang lo lắng về triển vọng của nền kinh tế trong năm tới và họ đang ngày càng quan tâm đến việc củng cố tăng trưởng cũng như thị trường tài chính.
Cùng ngày 24/10, Chủ tịch Tập Cận Bình đã có chuyến thăm đầu tiên đến ngân hàng trung ương kể từ khi ông trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc một thập kỷ trước.
Trước đó, Bloomberg đưa tin hồi đầu tháng rằng Bắc Kinh đang xem xét tăng thâm hụt ngân sách và phát hành thêm nợ chính phủ để giúp đất nước hoàn thành mục tiêu tăng trưởng khoảng 5% trong năm 2023.
Vào thời điểm đó, Citigroup cho biết một động thái điều chỉnh vượt ngoài mức thâm hụt ngân sách thông thường “có thể cho thấy các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đang trở nên gấp rút hơn”.
Sau loạt dữ liệu quý III tốt hơn mong đợi, các nhà chức trách Trung Quốc nói họ “rất tự tin” vào khả năng nền kinh tế hoàn thành mục tiêu tăng trưởng năm nay.
Tuy nhiên, nhiều thách thức có thể sẽ kéo dài sang năm 2024 và đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chẳng hạn như cuộc khủng hoảng của ngành bất động sản và áp lực giảm phát.
Chia sẻ với Bloomberg, các nhà kinh tế dự đoán tăng trưởng GDP của Trung Quốc sẽ chững về mức 4,5% trong năm tới.
Ông Triệu Lạc Tế, Chủ tịch Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, thông báo: “Các cơ quan liên quan nên chuẩn bị cho việc phát hành trái phiếu chính phủ và triển khai các dự án một cách có trật tự để không lãng phí ngân sách”.
Theo nhà kinh tế Duncan Wrigley của Pantheon Macronomics, việc phát hành trái phiếu chính phủ để tài trợ cho hoạt động tái thiết sau thiên tai có thể phản ánh một thay đổi trong tư duy của giới lãnh đạo Bắc Kinh.
Ông Wrigley cho rằng chính quyền trung ương đang chấp nhận thêm gánh nặng tài khoá thay vì đẩy áp lực sang các chính quyền địa phương vốn đã cạn kiệt dư địa kích thích.
Bloomberg cũng cho rằng Bắc Kinh đang ngày càng thể hiện quyết tâm giúp chính quyền các địa phương giải quyết vấn đề tài chính.
Tháng trước, chính phủ đã khởi động một chương trình cho phép chính quyền các khu vực gặp khó khăn được đổi khoản vay lãi suất cao nằm ngoài bảng cân đối kế toán lấy trái phiếu lãi suất thấp.