Khủng hoảng bất động sản làm đảo lộn cuộc sống của hàng chục nghìn người Trung Quốc
Vào đầu tháng 8, truyền thông Trung Quốc rộ lên tin gã khổng lồ bất động sản Country Garden đang chìm trong khủng hoảng. Sau khi biết tin, cô Huailan đã lẻn vào công trường xây dựng của Country Garden ở Quảng Đông để kiểm tra căn nhà gia đình cô đã mua.
Người phụ nữ 38 tuổi đã chui qua hàng rào dây thép, sau đó leo 18 tầng thang bộ lên sân thượng gần đó. Cảnh tượng khiến tim cô thắt lại. Theo kế hoạch thì lẽ ra căn nhà của cô đã phải gần hoàn thiện. Nhưng những gì cô thấy là các cần cẩu bất động và những tảng xi măng nằm rải rác trên bãi cỏ cao tới mắt cá chân.
Anh Tom Chen, một viên chức, nhận được tin Country Garden đã ngừng xây dựng dự án chung cư ở Chiết Giang. Trong đầu anh chỉ còn một suy nghĩ duy nhất: “Liệu mình có trở thành người vô gia cư không?”
Khách mua nhà không phải những người duy nhất điêu đứng. Anh Fu, một công nhân xây dựng của Country Garden ở Quảng Đông, đã không được trả lương trong hai tháng. Anh nói với Bloomberg: “Tôi không quan tâm công ty đang gặp khủng hoảng hay gì. Tôi muốn những đồng tiền mồ hôi xương máu của mình”.
Ở thời kỳ đỉnh cao, Country Garden có 130.000 nhân viên, xây dựng nhà ở cho hàng chục nghìn gia đình và có 240 tỷ USD nghĩa vụ nợ.
Hiện tại, tập đoàn vẫn chưa thanh toán số tiền lãi trái phiếu đồng USD đến hạn vào tuần trước. Điều này đồng nghĩa với việc Country Garden gần như đã chính thức vỡ nợ và đối mặt với nguy cơ phải tái cấu trúc.
Khi một doanh nghiệp tầm cỡ như Country Garden rơi vào cảnh túng quẫn, nỗi đau sẽ lan rộng ra xã hội, Bloomberg nhận định.
Khát vọng lớn lao
Huailan lớn lên ở vùng nông thôn, sống trong một căn nhà dột nát do bố mẹ tự xây ở tỉnh Sơn Đông. Cô cho biết: “Thuở bé, tất cả những gì tôi mong muốn là một căn nhà làm bằng xi măng”. Đây cũng là thời điểm hàng triệu gia đình Trung Quốc bắt đầu ấp ủ giấc mơ sở hữu nhà.
Ông Yeung Kwok Keung thành lập Bi Gui Yuan — tên tiếng Anh là Country Garden — tại tỉnh Quảng Đông vào năm 1992. Thị trường nhà đất Trung Quốc được thương mại hóa hoàn toàn vào năm 1998. Ba năm sau, Trung Quốc được kết nạp vào Tổ chức Thương mại Thế giới. Đến năm 2005, GDP Trung Quốc đã tăng hơn gấp đôi.
Hoạt động xây dựng bùng nổ. Doanh thu của Country Garden tăng gấp 5 lần trong trong giai đoạn 2004 - 2007, giúp họ trở thành nhà phát triển bất động sản có lợi nhuận cao nhất Trung Quốc. Cũng trong năm 2007, Country Garden tiến hành IPO, giúp bà Yang Huiyan - con gái ông Yeung - trở thành người giàu nhất Trung Quốc.
Ngay cả trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, tốc độ đô thị hóa của Trung Quốc vẫn rất điên cuồng. Country Garden bắt đầu mở rộng ra những thành phố nhỏ hơn.
Vào năm 2012, cô Huailan cũng đã sẵn sàng cho thay đổi sau khi đã kết hôn và có hai đứa con. Vợ chồng cô mua một căn hộ trị giá 290.000 nhân dân tệ nhờ bố mẹ đặt cọc trước 35%. Cô không lường trước được mây đen sắp bao phủ ngành bất động sản.
Rắc rối thanh khoản
Vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc bắt đầu chú trọng việc nâng cấp các thành phố và thị trấn cũ. Căn nhà của gia đình anh Tom Chen cũng nằm trong diện sẽ bị tháo dỡ.
Nhưng chính quyền địa phương đề nghị bồi thường bằng 6 căn hộ của Country Garden, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Gia đình anh cũng sẽ được cấp một khoản tiền thuê nhà để trang trải cuộc sống cho đến lúc đó. Và họ đã đồng ý.
Ngay cả một công chức như anh Chen cũng không nhận ra thay đổi đã được báo trước từ câu khẩu hiệu của Chủ tịch Tập Cận Bình: “nhà là để ở, không phải để đầu cơ”.
Vào tháng 8/2020, Trung Quốc công bố chính sách “ba lằn ranh đỏ” nhằm kiểm soát nợ nần trong ngành địa ốc. Chính sách này khiến cho 105.000 nhà phát triển bất động sản của Trung Quốc khó huy động vốn hơn.
Sang năm 2021, cả thế giới hồi hộp dõi theo số phận của “bom nợ” China Evergrande. Nhưng trong lúc đó, Country Garden vẫn được coi là tổ chức ổn định, là doanh nghiệp cuối cùng có thể trụ lại trên thị trường.
Ngôi nhà 5 sao
Tháng 5/2021, Country Garden đến huyện Juye, tỉnh Quảng Đông, nơi cô Huailan sinh sống. Các môi giới tuyên bố rằng họ sẽ xây dựng khu phức hợp nhà ở đắt nhất ở Juye, và hứa hẹn cô Huailan sẽ được sống trong “một căn nhà 5 sao”.
Vào ngày cô mua căn hộ trong dự án, công trường được treo đèn lồng đỏ. Người tới xem đông đến mức các khách hàng tiềm năng được khuyên là không nên lái xe đến. Các căn hộ nhanh chóng được bán hết.
Nhưng đằng sau buổi mở bán hào nhoáng, một cuộc khủng hoảng thanh khoản đang xảy ra. Tháng 12 năm đó, Evergrande cùng với hàng loạt công ty bất động sản khác vỡ nợ. Các trái chủ toàn cầu hoảng sợ. Cuối cùng, thị trường trái phiếu bất động sản trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc gần như đã biến mất.
Trong bối cảnh các ngân hàng siết chặt việc cho vay, nhà đầu tư bỏ đi và người mua nhà thì thưa thớt, ngay cả những công ty hàng đầu như Country Garden cũng gặp rắc rối. Và thị trường cứ liên tục lao dốc.
Vòng xoáy tiêu cực
Tháng 9/2023, doanh số bán nhà theo hợp đồng của Country Garden đã giảm 81% so với một năm trước. Trong 8 tháng đầu năm 2023, doanh số của tập đoàn cũng giảm nhanh gấp đôi so với các doanh nghiệp cùng ngành.
Anh Fu, công nhân xây dựng, không thể chấp nhận rằng một gã khổng lồ như Country Garden lại không thể trả lương cho anh. Anh đã đình công và đang chờ được trả lại 10.000 nhân dân tệ mà công ty nợ, sau đó sẽ quay trở lại quê nhà ở tỉnh Quý Châu.
Công chức Chen nói rằng tiền thuê nhà mà gia đình anh được đền bù đã sắp cạn. Huyện của anh cũng đang gặp khó khăn về tiền mặt do doanh thu từ việc bán đất giảm mạnh.
Những câu chuyện giống như của anh Fu, Chen và chị Huailan đang diễn ra khắp Trung Quốc, tờ Bloomberg. Trên mạng xã hội Douyin, các công nhân xây dựng và chủ nhà đang kêu gọi chính quyền trừng phạt Country Garden vì tạm dừng các dự án và trì hoãn thanh toán.
Ông Christopher Marquis, Giáo sư tại Trường Kinh doanh Judge Cambrige, nhận xét: “Những vụ sụp đổ và vỡ nợ trong ngành bất động sản sẽ làm tổn thương các ngân hàng và nhiều cá nhân, và có nguy cơ gây ra vòng xoáy kinh tế tiêu cực”.