CPI quay trở lại mức âm sau 13 tháng, cho thấy giảm phát vẫn đeo bám Trung Quốc

Hai cô gái đi qua một bảng quảng cáo của JD.com tại Thượng Hải. (Ảnh: Bloomberg).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Trung Quốc đã giảm xuống mức âm lần đầu tiên kể từ tháng 1 năm ngoái do giá thực phẩm, thuốc lá và rượu tụt dốc.
Cụ thể, theo dữ liệu do Tổng cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc công bố hôm Chủ nhật, CPI tháng 2 của nền kinh tế tỷ dân đã giảm 0,7% so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả trên vừa đảo ngược mức tăng 0,5% vào tháng 1 vừa thấp hơn ước tính giảm 0,5% của các nhà kinh tế tham gia khảo sát của Reuters.
Nếu so với tháng liền trước, CPI tháng 2 của Trung Quốc giảm 0,2%, trái ngược với mức tăng 0,7% vào tháng 1.
Khi loại trừ biến động của giá thực phẩm và năng lượng, CPI lõi giảm 0,1% so với cùng kỳ năm trước. Đây là lần đầu tiên CPI lõi giảm kể từ năm 2021 và lần thứ hai thước đo này rơi xuống mức âm trong 15 năm qua.
Trong khi đó, tình trạng giảm phát giá sản xuất đã kéo dài sang tháng thứ 29. Vào tháng 2, chỉ số giá sản xuất (PPI) tụt 2,2% so với cùng kỳ năm trước, mạnh hơn ước tính giảm 2% của các nhà kinh tế.

Bản báo cáo được công bố trong bối cảnh các nhà đầu tư đang tiếp tục tìm kiếm các dấu hiệu cho thấy những biện pháp kích thích của Bắc Kinh có thể giúp thúc đẩy nền kinh tế phục hồi.
Hôm 5/3, trong khuôn khổ kỳ họp Quốc hội, Bắc Kinh đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 ở mức “khoảng 5%” và vạch ra một số kế hoạch nhằm ổn định tăng trưởng bằng cách hỗ trợ nhu cầu trong nước.
Bắc Kinh cũng hạ mục tiêu lạm phát giá tiêu dùng hàng năm từ mức 3% trong những năm gần đây xuống “khoảng 2% - mức thấp nhất trong hơn hai thập kỷ, CNBC thông tin thêm.
Các nhà kinh tế nhận định Trung Quốc không dễ hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 5% trong năm nay, đặc biệt là trong bối cảnh tiêu dùng nội địa vẫn yếu và tranh chấp thương mại với chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump leo thang.
Chia sẻ với Bloomberg, ông Zhang Zhiwei, nhà kinh tế trưởng tại Pinpoint Asset Management, đánh giá: “Nền kinh tế Trung Quốc vẫn phải đối mặt với áp lực giảm phát. Nhu cầu trong nước vẫn yếu”.