|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Hàng hóa

Thị trường dầu hoài nghi lời đe dọa của Tổng thống Mỹ

13:42 | 01/04/2025
Chia sẻ
Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa áp thuế đối với các nước mua dầu thô của Nga có tác động không đáng kể đến thị trường dầu hôm 31/3 khi giới thương nhân đang đánh giá mức ảnh hưởng của lời đe dọa này đối với Trung Quốc và Ấn Độ, theo Reuters.

Lời đe dọa áp thuế 25-50% đối với các nước mua dầu thô của Nga sẽ có tác động lớn đến thị trường dầu nếu điều này trở thành hiện thực. Nhưng giới phân tích và thương nhân đang đặt câu hỏi liệu đây có phải chỉ là một trong nhiều “lá bài” của Tổng thống Donald Trump trong các cuộc đàm phán với Nga hay không.

Ông Adi Imsirovic, một thương nhân kiêm tư vấn năng lượng, cho biết,Tổng thống Trump thường thay đổi quyết định, khiến thị trường khó theo kịp. Giới đầu tư không còn tin vào lời đe dọa này nữa, trừ khi nó được chính thức áp dụng và duy trì trong vài tuần.

Giá dầu hôm 31/3 tăng nhẹ khi dầu Brent tăng 1,4% lên trên 74 USD/thùng. Hồi đầu tháng, giá dầu Brent đã giảm xuống sát 68 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ tháng 12/2021.

Trung Quốc và Ấn Độ là 2 khách hàng chủ chốt mua dầu của Nga và phản ứng của 2 nước này đóng vai trò quan trọng quyết định gói trừng phạt thứ 2 có ảnh hưởng nghiêm trọng đến Nga – nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới – hay không.

Ấn Độ hiện vượt Trung Quốc trở thành khách mua lớn nhất dầu thô của Nga. Năm 2024, dầu thô của Nga chiếm 35% tổng nhập khẩu dầu của Ấn Độ. Nếu tổng thống Trump gia tăng áp lực lên Ấn Độ, thị trường xuất khẩu dầu của Nga sẽ chịu ảnh hưởng đáng kể.

Hồi tháng 2, Bộ trưởng Dầu khí Ấn Độ cho biết, các nhà máy lọc dầu của nước này sẽ chỉ mua dầu thô của Nga từ các công ty và tàu biển không chịu lệnh trừng phạt của Mỹ.

Các doanh nghiệp dầu khí quốc doanh của Trung Quốc đã “né” dầu thô của Nga với việc Sinopec và Zhenhua đã tạm ngừng mua, trong khi các doanh nghiệp khác đã giảm lượng mua vào trong bối cảnh Mỹ gia hạn các lệnh trừng phạt.

Các nhà nhập khẩu hàng đầu dầu Nga của Trung Quốc là các nhà máy lọc dầu độc lập và không có nhiều mối liên hệ với hệ thống tài chính của Mỹ. Điều này giúp họ chịu ảnh hưởng ít hơn trước áp lực và lệnh trừng phạt từ Mỹ.

Khi trả lời câu hỏi về thuế quan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cho biết, hợp tác giữa Trung Quốc và Nga không chịu tác động của bất kỳ bên thứ 3 nào.

Theo giới phân tích, nếu thuế quan trở thành mối nguy nghiêm trọng, thị trường sẽ cân nhắc mức độ thực thi trên thực tế và liệu OPEC có tăng sản lượng để bù đắp lượng sụt giảm từ Nga hay không.

Việc Mỹ tuyên bố áp thuế đối với các nước mua dầu của Venezuela hồi tuần trước có thể đóng vai trò như một tiền lệ để thị trường đánh giá tác động của chính sách tương tự đối với Nga

Khách hàng Trung Quốc đã tạm dừng mua dầu từ Venezuela trước khi các lệnh trừng phạt của Mỹ có hiệu lực hôm 24/3.

HT