|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cước vận tải biển vọt lên 10.000 USD vì bất ổn ở Biển Đỏ, áp lực lạm phát có nguy cơ phình to trở lại

08:30 | 22/12/2023
Chia sẻ
Trong bối cảnh các hãng vận tải biển phải chuyển hướng khỏi Biển Đỏ do lo ngại bị phiến quân Houthi tấn công, các nhà quản lý logistics đang phải đối mặt với hai vấn đề đau đầu cùng lúc.

Tàu container của gã khổng lồ ngành vận tải biển Maersk. (Ảnh: Getty Images).

Trong bối cảnh nhiều tàu hàng chuyển hướng khỏi Biển Đỏ do lo ngại bị phiến quân Houthi tấn công, giá cước vận tải biển và hàng không đều tăng chóng mặt. Cùng lúc, hàng trăm tỷ USD hàng hoá đang bị mắc kẹt. Cả hai đều là mối đe doạ với chuỗi cung ứng toàn cầu và triển vọng lạm phát.

Cước vận tải biển tăng nóng

Hôm 21/12, mức trần giá cước vận tải biển đã nhảy vọt chỉ trong vài giờ. Theo thông tin mà CNBC ghi nhận được, các nhà quản lý logistics đã được thông báo là giá cước cho một container 40 feet đi từ Thượng Hải đến Anh đã chạm mức 10.000 USD.

Tuần trước, giá cước là 1.900 USD cho một container 20 feet và 2.400 USD cho một container 40 feet. Ngoài ra, chi phí chở hàng bằng xe tải ở Trung Đông hiện đang được báo cao gấp đôi so với tuần qua.

Các chủ hàng ở Mỹ có nhiều lựa chọn về tuyến đường biển, nhưng doanh nghiệp châu Âu thì không vì họ phụ thuộc rất nhiều vào kênh đào Suez.

Việc chuyển hướng tàu hàng đối với châu Âu sẽ tốn nhiều thời gian hơn và do đó các chủ doanh nghiệp tại đây đang chuyển sang dùng máy bay để vận chuyển sản phẩm của mình.

Ông Judah Levin, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu của Freightos, cho biết giá cước hàng ngày tính theo Freightos Air Index đã giảm đáng kể từ cuối tháng 11, nhưng việc doanh nghiệp tìm đến vận tải hàng không trong tuần này đã thúc đẩy giá đi lên trở lại.

Theo vị chuyên gia, giá cước vận tải hàng không đã tăng 13% trong tuần này, từ 3,95 USD/kg lên 4,45 USD/kg.

 

158 tàu rời Biển Đỏ, chở lượng hàng hoá trị giá 105 tỷ USD

Chia sẻ với CNBC, công ty vận tải quốc tế Kuehne + Nagel cho biết tính đến sáng ngày 21/12, 158 tàu đã chuyển hướng khỏi Biển Đỏ. Các tàu này chở hơn 2,1 triệu container hàng hoá và theo ước tính của MDS Transmodal thì giá trị hàng hoá là khoảng 105 tỷ USD.

Hiện chưa có dấu hiệu nào cho thấy các cuộc tấn công của lực lượng Houthi sẽ chấm dứt.

IKEA là một trong các doanh nghiệp báo trước rằng việc chuyển hướng tàu thuyền sẽ ảnh hưởng đến lượng hàng hoá có sẵn của công ty.

Trao đổi với CNBC, IKEA cho biết hãng nội thất này đang làm việc với các đối tác vận tải để kiểm soát đơn hàng và đảm bảo an toàn cho nhân viên làm việc trong chuỗi giá trị của mình.

Phát ngôn viên của IKEA cho hay: “Điều chúng tôi có thể chia sẻ bây giờ là tình hình ở kênh đào Suez sẽ gây ra sự chậm trễ và hạn chế về nguồn cung đối với một số sản phẩm của công ty”.

Các phương án cho hàng hoá bị mắc kẹt

Các CEO trong lĩnh vực logistics cho biết họ đang phân loại số hàng hoá bị mắc kẹt và đối với trường hợp của châu Âu hoặc Trung Đông, họ đang tìm cách vận chuyển một số sản phẩm chọn lọc bằng đường hàng không.

Các chủ hàng ở Mỹ cũng đang cân nhắc một số tuyến thương mại thay thế như xuyên Thái Bình Dương đến Bờ Tây và thậm chí là cả kênh đào Panama. Cân nhắc của họ chủ yếu liên quan đến thời gian và chi phí vận chuyển.

Bên cạnh đó, các cảng như Dubai và Aqaba cũng đang được xem là những lựa chọn thay thế khả thi ở Trung Đông.

Cũng theo CNBC, đối với hàng hoá tại các cảng mà tàu hàng không thể tiếp cận, các tàu trung chuyển nhỏ hơn sẽ chịu trách nhiệm đến lấy hàng và đưa hàng đến một cảng lớn hơn. Khi đến đó, các container sẽ được chất lên tàu có sức chứa lớn hơn và tiếp tục hành trình dài hơn trên biển.

Triển vọng lạm phát

Đà tăng đột ngột của cước vận tải biển và tác động đến việc này đến lạm phát cũng phụ thuộc vào thời gian tàu chuyển hướng và thời gian các chủ tàu phải trả chi phí vận chuyển cao hơn.

Các CEO trong lĩnh vực logistics cho biết khi tình trạng bế tắc kéo dài một tháng, chuỗi cung ứng và người tiêu dùng toàn cầu sẽ bắt đầu cảm nhận được áp lực lạm phát.

Các nhà bán lẻ thành viên của Hiệp hội May mặc và Giày dép Mỹ (AAFA) đang theo sát tình hình ở Biển Đỏ. Họ thúc giục chính phủ triển khai ngay lập tức và toàn diện chiến dịch “Người Bảo vệ Thịnh vượng” (Operation Prosperity Guardian) để đảm bảo an toàn cho tuyến đường thuỷ quan trọng.

Ông Steve Lamar, CEO của AAFA, cho hay: “98% hàng may mặc của chúng tôi được nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, duy trì hoạt động vận tải an toàn và giá cả phải chăng là vô cùng cần thiết với chúng tôi. Các thành viên đã buộc phải chuyển hướng hàng hoá và đang bị tính thêm phụ phí”.

Vị CEO nhắc đến sự cố của kênh đào Suez, nhấn mạnh đây là một ví dụ cho thấy bất kỳ sự gián đoạn nào trong cửa ngõ thương mại này đều có tác động ngay lập tức đến cước vận tải và giá hàng hoá.

Yên Khê