Nếu xung đột Israel - Hamas lan rộng, hai tuyến vận tải biển này có thể làm đứt gãy nền kinh tế thế giới
"Chảo lửa" Trung Đông lại nóng
Ngày 7/10/2023, lực lượng Hamas đã mở cuộc tấn công lớn nhằm vào Israel. Tính đến ngày 31/10, cuộc chiến đã bước sang ngày thứ 25. Reuters cho biết quân đội Israel đã tấn công ít nhất 5.000 mục tiêu Hamas và giết chết hàng trăm thành viên của lực lượng này.
Tại cuộc họp của Liên Hợp Quốc hồi đầu tuần trước, Israel một lần nữa tuyên bố sẽ tiêu diệt Hamas, bác bỏ lời kêu gọi ngừng bắn từ người đứng đầu Liên Hợp Quốc, chính quyền Palestine và nhiều nước khác.
Số người thiệt mạng ở cả hai bên là hơn 9.700 và đang tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, khoảng 2,3 triệu dân thường ở Gaza đang bị mắc kẹt trong các toà nhà đổ nát và thiếu thốn nghiêm trọng nhu yếu phẩm. Hiện tại, giới chức Mỹ, châu Âu, các quốc gia Arab và Liên Hợp Quốc đang kêu gọi hai bên đình chiến để đưa viện trợ nhân đạo đến Dải Gaza.
Ở diễn biến khác, căng thẳng tiếp tục leo thang khi lực lượng vũ trang Hezbollah tại Lebanon tấn công vào phía bắc Israel, buộc quân đội nước này phải đáp trả. Hamas và Hezbollah đều được cho là đang nhận hỗ trợ từ Iran.
Wall Street Journal dẫn các nguồn tin thân cận cho biết giới chức Tehran đã có mặt trong một số cuộc họp lập kế hoạch của Hamas và Iran đã bật đèn xanh cho chiến dịch tấn công Israel. Các nguồn tin nói Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian đã đích thân tham dự hai cuộc họp của lực lượng Hamas.
Vai trò của Iran cho thấy xung đột có nguy cơ lan sang các nước khác trong khu vực, trở thành một cuộc chiến uỷ nhiệm giữa Israel và Iran. Đáng ngại hơn, xung đột có thể leo thang thành cuộc đối đầu trực tiếp giữa Israel và Iran.
Các nhà kinh tế của Bloomberg Economics cảnh báo trong kịch bản tồi tệ nhất, tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 1 điểm % xuống còn 1,7% vào năm 2024, trong khi lạm phát chạm mức 6,7%.
Nếu không tính cú sốc COVID và cuộc khủng hoảng tài chính năm 2007, đây sẽ là tốc độ tăng trưởng thấp nhất kể từ năm 1982, thời điểm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng mạnh lãi suất để ghìm cương lạm phát.
Tại sao một khu vực có diện tích chỉ 7 triệu km2 như Trung Đông lại có thể gây chấn động như thế? Một phần câu trả lời nằm ở tuyến đường biển cực kỳ quan trọng với hoạt động thương mại toàn cầu là eo biển Hormuz và kênh đào Suez.
Eo biển Hormuz
Eo biển Hormuz là cái tên thường xuyên xuất hiện trong các tin tức về bất ổn địa chính trị. Có hình dạng giống chữ V ngược, tuyến đường biển này nối Vịnh Ba Tư với Ấn Độ Dương, với Iran ở phía bắc và UAE cùng Oman ở phía nam.
Theo Bloomberg, eo biển Hormuz dài khoảng 161 km, rộng khoảng 34 km ở điểm hẹp nhất. Vùng nước bên trong được chia thành hai luồng tàu riêng biệt, mỗi luồng rộng 3 km.
"Điểm nghẽn của ngành dầu mỏ toàn cầu" khá nông, khiến tàu thuyền dễ bị trúng mìn. Đồng thời, do eo biển ở gần đất liền, đặc biệt là Iran, các tàu chở dầu lớn dễ bị tấn công bằng tên lửa hoặc bị tàu tuần tra đánh chặn.
Đối với lĩnh vực thương mại dầu mỏ toàn cầu, eo biển Hormuz đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Khoảng 20% tổng lượng dầu mà thế giới tiêu thụ được trung chuyển qua đây mỗi ngày.
Dữ liệu từ hãng phân tích Vortexa cho thấy, trong 9 tháng đầu năm nay, trung bình mỗi ngày có khoảng 20,5 triệu thùng dầu thô, khí ngưng tụ và các sản phẩm dầu mỏ khác đi qua Hormuz.
Các thành viên chủ chốt của OPEC là Arab Saudi, Iraq, UAE, Kuwait và Iraq xuất khẩu phần lớn dầu thô qua Hormuz, mỗi ngày trung bình gần 12 triệu thùng.
Ngoài ra, khoảng 80 triệu tấn, tương đương 20% lượng khí hoá lỏng (LNG) toàn cầu, đi qua Hormuz mỗi năm. Qatar, nhà xuất khẩu LNG lớn nhất thế giới, vận chuyển gần như toàn bộ qua điểm nghẽn này.
Kênh đào Suez
Kênh đào Suez quan trọng đối với thương mại toàn cầu đến nỗi nhiều cường quốc từng cố gắng tranh giành kể từ khi nó hoàn thành vào năm 1869. Suez hiện thuộc sở hữu của chính phủ Ai Cập.
Tuyến đường biển nhân tạo này dài 193 km, cắt qua Ai Cập để nối Biển Địa Trung Hải với Biển Đỏ. Đây là điểm trung chuyển trọng yếu của các tàu chở hàng qua lại giữa châu Á, châu Âu và miền đông nước Mỹ.
Theo GlobalSecurity.org, thời gian tàu đi từ điểm đầu đến điểm cuối của Suez là khoảng 13 - 15 giờ. Nếu không có Suez, một siêu tàu chở dầu thô từ Trung Đông đến châu Âu sẽ phải đi thêm 9.650 km quanh Mũi Hảo Vọng của châu Phi cũng như chịu thêm chi phí nhiên liệu khoảng 300.000 USD.
Theo cơ quan quản lý kênh đào Suez, vào năm 2019, tuyến đường biển này trung chuyển tổng cộng 1,03 tỷ tấn hàng hoá - cao gấp 4 lần so với kênh đào Panama.
Suez trung chuyển mọi thứ từ dầu thô, cà phê hoà tan đến hàng may mặc, trong đó có 4,5% lượng dầu thô, 9% sản phẩm tinh chế, 8% LNG toàn cầu. Ngoài ra, Suez còn cho phép 54,1 triệu tấn ngũ cốc, 53,5 triệu tấn quặng và kim loại, cùng 35,4 triệu tấn than đi qua mỗi năm.
Tháng 3/2021, siêu tàu container Ever Given bị mắc cạn trên kênh đào Suez trong 6 ngày. Ước tính ít nhất 369 tàu chở hàng bị ảnh hưởng, tổng giá trị hàng hoá bị kẹt lại đạt 9,6 tỷ USD.
Mây mù che phủ triển vọng kinh tế
Nhìn chung, bất kỳ gián đoạn nào đến hai tuyến đường biển huyết mạch của Trung Đông đều có thể đẩy chuỗi cung ứng toàn cầu vào tình trạng hỗn loạn, từ đó cản trở hoạt động kinh tế giữa lúc lạm phát và lãi suất cao đang đè nặng tăng trưởng.
Hiện tại, quân đội Israel đang tiến công vào Dải Gaza nhằm tiêu diệt Hamas, đồng thời đánh trả Hezbollah ở phía bắc. Nếu Israel quyết định tấn công Iran hoặc các nhóm uỷ nhiệm của Iran, Tehran có thể trả đũa các tàu liên quan Israel hoặc Mỹ đi qua eo biển Hormuz - biến tuyến đường biển này thành nơi nguy hiểm với hoạt động vận tải quốc tế.
Quả thực, kể từ đầu năm 2015, Iran đã nhiều lần nhắm vào các tàu buôn đi qua Hormuz khi căng thẳng với Mỹ và các đồng minh leo thang. Nhiều doanh nghiệp đã tránh Hormuz do lo ngại vấn đề an ninh.
Nhà phân tích Cormac Mc Garry của hãng tư vấn Control Risks cảnh báo: “Bất kỳ tàu biển nào có mối liên hệ với Israel đều đặc biệt dễ bị ảnh hưởng. Bất luận chiến sự diễn ra như thế nào, nếu Israel trả đũa Iran và Iran tấn công tàu biển có liên quan tới Israel ở eo biển Hormuz, các cuộc tấn công của Iran sẽ ác liệt hơn bình thường”.
Rủi ro đó khiến các công ty bảo hiểm hàng hải và chủ tàu phải cảnh giác cao độ. Hàng hoá có thể phải đi vòng từ Hormuz qua kênh đào Suez. Song, Suez chưa chắc sẽ an toàn. Nếu tuyến giao thông huyết mạch bị đóng cửa do cuộc xung đột (như từng xảy ra vào năm 1956 và năm 1967 - 1975), tàu sẽ phải đi vòng qua châu Phi.
Chiến sự càng căng thẳng, số lượng tàu biển sẵn sàng đi qua Hormuz và Suez càng dễ thu hẹp và cước vận tải sẽ tăng chóng mặt. Tất cả đều sẽ ảnh hưởng đến thị trường hàng hoá toàn cầu, đặc biệt là dầu mỏ.
Dữ liệu từ Baltic Exchange cho thấy, giá cước vận chuyển dầu thô trên 16 tuyến đường chính đã tăng trung bình hơn 50% so với ngày 9/10. Trong đó, giá cước đi qua Địa Trung Hải tăng gấp đôi.
Kéo theo đó là giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã tăng gần 18% kể từ mức đáy vào tháng 6 và có thời điểm nhảy vọt lên hơn 92 USD/thùng sau khi Hamas tấn công Israel.
Cuộc chiến giữa Israel và Hamas diễn ra ở thời điểm không thể bất lợi hơn khi mà OPEC+ đang tiếp tục giảm sản lượng, trong khi nhu cầu của Trung Quốc dự kiến sẽ tăng lên. Hồi giữa tháng 9, Arab Saudi và Nga đã gia hạn kế hoạch giảm sản lượng tự nguyện đến cuối năm 2023, mỗi ngày cắt tổng cộng 1,3 triệu thùng.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) dự báo nhu cầu dầu thô toàn cầu sẽ tăng 2,3 triệu thùng/ngày lên 101,8 triệu thùng/ngày trong năm nay và thêm 880.000 thùng/ngày vào năm 2024. IEA cảnh báo việc OPEC+ hạ sản lượng sẽ khiến nguồn cung bị thâm hụt đáng kể trong quý IV.
Ở diễn biến khác, Mỹ có thể tăng cường lệnh trừng phạt lên dầu thô của Iran, một động thái nguy hiểm khác cho thị trường năng lượng. Hiện tại, Iran đang sản xuất khoảng 3 triệu thùng dầu/ngày, một nửa xuất khẩu sang Trung Quốc.
Khoảng 20% nguồn cung dầu mỏ thế giới đến từ Trung Đông nên giá có nguy cơ sẽ tăng mạnh, dù có thể không tăng gấp 4 lần như trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973.
Trong một phân tích gần đây, ngân hàng Rabobank dự đoán nếu kênh đào Suez đóng cửa, giá dầu sẽ vọt lên gần 100 USD/thùng và nếu eo biển Hormuz bị tấn công, giá có thể lên hơn 150 USD/thùng.
Giá dầu tăng chắc chắn là tin xấu đối với cuộc chiến chống lạm phát của Fed hay Ngân hàng Trung ương châu Âu. Tuy đã hạ nhiệt so với mức đỉnh vào năm ngoái, lạm phát trên toàn cầu hiện vẫn còn cao hơn nhiều so với mức mục tiêu.
Đơn cử, lạm phát tính theo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ đã hạ từ mức 9,1% vào tháng 6/2022 xuống còn 3,7% vào tháng 9, nhưng vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed. Kể từ tháng 3/2022, ngân hàng trung ương Mỹ đã nâng lãi suất 525 điểm cơ bản lên mức cao nhất trong 22 năm.
Chủ tịch Jerome Powell và các đồng nghiệp tại Fed đã phát hiệu sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa vào cuối năm nay. Tuy nhiên, một làn sóng lạm phát mới có thể buộc các nhà hoạch định chính sách thay đổi kế hoạch.
Một khi chu kỳ nâng lãi suất tiếp tục, rủi ro cho nền kinh tế toàn cầu sẽ gia tăng. Tại một hội nghị ở Arab Saudi vào ngày 25/10, người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế Kristalina Georgieva gọi cuộc xung đột ngày càng tồi tệ giữa Israel và Hamas là một đám mây mù khác đang che mờ triển vọng kinh tế vốn đã u ám.
Chia sẻ với CNBC, bà nói: “Những gì chúng ta đang thấy trong một thế giới vốn đã đầy rẫy nỗi lo là ngày càng nhiều những mối bận tâm khác”.
Quả thực, lo ngại của bà Georgieva là có cơ sở. Bằng chứng là những dự báo tăng trưởng GDP và lạm phát có phần đáng ngại mà Bloomberg và những tổ chức khác đưa ra kể từ khi chiến sự nổ ra trên Dải Gaza vào ngày 7/10.