|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

‘Hãng hàng không ngầu nhất thế giới’

15:58 | 17/11/2024
Chia sẻ
Middle East Airlines là hãng hàng không duy nhất còn hoạt động tại Lebanon giữa lúc Israel không kích vào nước này vì xung đột với nhóm vũ trang Hezbollah.

 Máy bay của MEA trên bầu trời. (Ảnh: Zuma Press). 

Niềm tự hào quốc gia

Người dân Lebanon từng có cảm xúc lẫn lộn về hãng hàng không quốc gia. Một mặt, Middle East Airlines (MEA) được yêu mến vì giúp các gia đình đoàn tụ trong cuộc nội chiến kéo dài hàng thập kỷ vào thế kỷ 20.

Mặt khác, các hành khách chán ghét MEA vì phải bấm bụng trả giá vé máy bay cao ngất ngưởng trong mùa du lịch cao điểm và chen chúc nhau trong những chiếc máy bay già cỗi.

Tuy nhiên, trong 7 tuần qua, MEA đã trở thành niềm tự hào dân tộc của người Lebanon và các phi công được ca ngợi là “anh hùng” vì có thể xoay xở giữa các cuộc không kích của Israel.

Tờ Financial Times (FT) cho biết MEA hiện là hãng hàng không duy nhất phục vụ các chuyến bay đến và rời khỏi Lebanon, giúp hàng chục nghìn hành khách đi đến nơi an toàn và mang về hàng viện trợ quý giá cho quốc gia.

Và MEA làm được điều đó từ sân bay thương mại duy nhất ở miền nam thủ đô Beirut - nơi rất gần với các khu vực bị Israel ném bom dữ dội trong những tuần gần đây.

Tuy lưu lượng hành khách tại sân bay giảm còn 30% so với mức trung bình trước thời chiến, MEA vẫn khai thác khoảng 40 chuyến bay mỗi ngày. Các chuyến rời Lebanon thường chật kín khách, còn chiều đi về thì có đến hơn 60% ghế trống.

Điều đó cho thấy số người Lebanon muốn rời đến nơi an toàn nhiều hơn hẳn con số đến đây làm việc hoặc thăm hỏi gia đình.

Cơ trưởng Mohammad Aziz, cố vấn của Chủ tịch MEA, cho biết: “Mục đích của chúng tôi lúc này không phải kiếm tiền, mà là giữ cho sân bay mở cửa và duy trì hoạt động cho đất nước”.

Hãng hàng không này gần như thuộc sở hữu hoàn toàn của ngân hàng trung ương Lebanon và đã ngừng công bố báo cáo tài chính kể từ năm 2021.

Gần đây, các bức ảnh máy bay MEA bay gần những ngọn lửa cháy rừng rực và các cuộn khói đen dày đặc đã tạo ra thêm thần thoại mới về hãng hàng không quốc gia Lebanon. Một số người ca ngợi MEA là “hãng hàng không ngầu nhất Trái đất”.

Một tiệm bánh ở Beirut thậm chí còn nướng bánh kem theo chủ đề MEA, bên trên có hình máy bay và mũ phi công, để bày tỏ sự ngưỡng mộ với những "người hùng". 

"Không có chỗ cho hoảng loạn" 

Anh Richard John, một cư dân 33 tuổi sống gần sân bay Beirut, bình luận: “6 tuần qua cho thấy rõ sự bền bỉ của sân bay nhỏ bé này và tài năng đặc biệt của các phi công MEA”. Anh cảm thấy rất ngưỡng mộ khi chứng kiến cảnh phi công hạ cánh sau màn khói trong khi máy bay chiến đấu của Israel ném bom các mục tiêu gần đó.

Anh nói tiếp: “Tại những nước khác, tình cảnh đó sẽ gây ra sự hoảng loạn. Nhưng chúng tôi chỉ có sân bay nhỏ. Chúng tôi không có lựa chọn thay thế, không có chỗ cho sự hoảng loạn”.

 MEA làm việc chặt chẽ với chính phủ Lebanon để mang hàng viện trợ về nước. (Ảnh: AFP). 

Cơ trưởng Aziz khẳng định MEA có “nghĩa vụ” duy trì hoạt động, mặc cho các tính toán rủi ro và chi phí khiến những hãng hàng không khác bỏ đi vì sợ hãi.

MEA đang đối mặt với không ít thách thức. Hoạt động gây nhiễu GPS của Israel buộc các phi công phải sử dụng hệ thống trước khi chế độ lái tự động ra đời.

Khoảng 20% trong số 22 chiếc máy bay Airbus của hãng phải đậu ở nước ngoài do chi phí bảo hiểm tăng vọt và nhằm mục đích giảm thiểu rui ro do xung đột. MEA cũng phải giảm số nhân viên tại sân bay để đề phòng trường hợp cần sơ tán.  

Khi Israel và Hezbollah giao tranh vào năm 2006, Israel gần như ngay lập tức khiến sân bay Beirut ngừng hoạt động bằng việc ném bom vào các đường băng và kho nhiên liệu.

Lần này, dù sân bay vẫn né được lửa đạn, bầu không khí xung quanh vẫn tĩnh lặng một cách đáng sợ. Các cửa hàng và quán cà phê xung quanh đều trống rỗng.

Cơ trưởng Aziz và các quan chức Lebanon nói với FT rằng họ đã được Liên Hợp Quốc và giới chức phương Tây đảm bảo rằng Israel sẽ không nhắm mục tiêu vào sân bay nếu nó chỉ phục vụ mục đích dân sự. Và theo một thỏa thuận ngầm, Israel sẽ cảnh báo trước hai tiếng nếu định tấn công sân bay.

Giang

Nhìn lại ngành chứng khoán Việt Nam sau 24 năm qua các làn sóng M&A (Phần 2)
Làn sóng M&A thứ nhất ngành chứng khoán Việt Nam sớm kết thúc và để lại kết quả không mấy khả quan, các tổ chức quốc tế lần lượt rời đi. Làn sóng M&A mới nổ ra với mô hình thâu tóm toàn bộ cổ phần, “thay tên đổi họ” với sự gia nhập của các tập đoàn Hàn Quốc và những định chế trong nước.