|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Cái giá mà nền kinh tế Israel phải trả sau một năm chiến sự đắt đến đâu?

10:24 | 12/10/2024
Chia sẻ
Nền kinh tế Israel đang đối mặt với nhiều áp lực từ tình trạng thiếu hụt lao động, lạm phát và chi phí tài trợ chiến sự khổng lồ. Israel chưa rơi vào suy thoái, nhưng xung đột ở Trung Đông càng kéo dài sẽ càng bất lợi cho triển vọng tương lai của nước này.

(Hình minh họa: Financial Times). 

Vài ngày trước cột mốc một năm chiến sự giữa Hamas và Israel, Bộ trưởng Bộ Tài chính Bezalel Smotrich cho biết nền kinh tế Israel đang gặp căng thẳng nhưng vẫn rất bền bỉ.

Ông Smotrich thừa nhận nền kinh tế Israel đang phải chịu gánh nặng của cuộc chiến lâu dài và đắt đỏ nhất trong lịch sử quốc gia. Nhưng ông quả quyết: “Nền kinh tế Israel rất mạnh mẽ và đến ngày hôm nay vẫn thu hút được đầu tư nước ngoài”.

Xét trên nhiều khía cạnh, phát biểu của ông Smotrich là đúng. Nhưng nếu cuộc chiến kéo dài hoặc lan rộng ra toàn Trung Đông, nền kinh tế Israel có nguy cơ sẽ gặp phải khủng hoảng. 

GDP

Trong quý IV/2023, tức là ngay sau khi xung đột nổ ra, GDP Israel lao dốc nặng nề - giảm 19,4% so với quý liền kề (tốc độ đã chuẩn hóa theo năm). Tuy nhiên sang năm 2024, GDP của Israel đã phục hồi, quý I và II lần lượt tăng trưởng 17,2% và 0,7%.

Các số liệu trên cho thấy Isarel chưa rơi vào suy thoái và nền kinh tế vẫn đang mở rộng. Tuy nhiên, triển vọng của Israel đã xấu đi rõ rệt.

Gần đây, ngân hàng trung ương (NHTW) Israel đã cắt giảm đáng kể dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 từ 1,5% xuống 0,5% do Israel mở chiến dịch mới chống lại các mục tiêu Hezbollah ở miền nam Lebanon. Còn trước khi xung đột với Hamas nổ ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế ước tính GDP Israel có thể tăng trưởng 3,4% trong năm 2024.

 

Thương mại

Trong quý I/2024, tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ xuất khẩu của Israel đạt xấp xỉ 37 tỷ USD. Con số này phản ánh mức giảm gần 6% so với một năm trước. Tuy nhiên, trên thực tế, xuất khẩu đã bắt đầu suy yếu từ quý III/2022.

Người dân Israel đang mạnh tay mua sắm, chủ yếu là hàng nhập khẩu. Điều đó giúp cho kim ngạch nhập khẩu ba tháng đầu năm đi lên 7% so với cùng kỳ năm 2023, chấm dứt chuỗi giảm kể từ nửa sau năm 2022.

Tờ Times of Israel cho biết nhận định chung của các nhà kinh tế là sự phục hồi của tiêu dùng trong nước chỉ mang tính tạm thời, bắt nguồn từ các khoản chi khổng lồ của chính phủ cho quân đội và mua hàng hóa để viện trợ cho dân sơ tán.

 

Công nghệ

Công nghệ là lĩnh vực mang tính trọng yếu đối với Israel, đóng góp 18% cho GDP, 48% cho xuất khẩu và 30% nguồn thu thuế của chính phủ.

Ngành công nghệ Israel phụ thuộc lớn vào dòng vốn của nhà đầu tư ngoại và cuộc chiến với Hamas khiến tâm lý của nhà đầu tư chùng xuống đáng kể.

Israel chỉ có tổng cộng 400 startup công nghệ mới trong năm 2023, thấp hơn hẳn con số thường thấy là 1.400 startup trong những năm trước. Trong khi đó, nhiều công ty quốc tế lớn đang đóng cửa trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Israel.

Ngoài ra, việc hàng chục nghìn nhân viên công nghệ nhận lệnh nhập ngũ cũng làm gián đoạn hoạt động của doanh nghiệp.

Nếu chiến dịch quân sự kéo dài, Israel có thể gặp hiện tượng chảy máu chất xám, các nhân tài quyết định làm việc ở những nước khác thay vì ở lại quê nhà. Điều đó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến khả năng phát triển lâu dài của quốc gia.

Việc làm

Tình trạng thiếu hụt lao động là một trong những lực cản lớn nhất đến nền kinh tế quy mô 500 tỷ USD của Israel. Nguyên nhân chính là do chính phủ đã huy động khoảng 360.000 quân dự bị để phục vụ cho chiến sự, đồng thời cấm hàng trăm nghìn lao động Palestine vào nước này vì lo ngại an ninh.

Một phần do tình trạng thiếu hụt lao động, tỷ lệ thất nghiệp ở Israel đang trong đà giảm, đi xuống còn 2,6% vào tháng 8/2024.

 

Lạm phát

Ngành nông nghiệp và xây dựng đang vật lộn với tình trạng thiếu thốn lao động khi người Palestine không còn được phép đến Israel làm việc.

Chi phí nhà ở và thực phẩm lên cao khiến áp lực lạm phát ở Israel tăng lên đáng kể. Dữ liệu chính thức cho thấy lạm phát tháng 8 của Israel đạt 3,6%, cao hơn hẳn khoảng mục tiêu của chính phủ là 1 - 3%.

Chi phí tiền lương gia tăng và các khoản chi của chính phủ để phục vụ cho cuộc chiến cũng góp phần kéo giá cả đi lên.

 

Lãi suất

Bất chấp triển vọng tăng trưởng ảm đạm, lạm phát khiến các nhà hoạch định chính sách tiền tệ Israel không thể giảm lãi suất để kích thích nền kinh tế.

Hôm 9/10, NHTW Israel quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4,5% tại cuộc họp thứ 6 liên tiếp, với lý do là đà tăng trên diện rộng của giá cả và sự suy yếu của đồng nội tệ shekel. Quyết định này phù hợp với dự báo của hầu hết các chuyên gia.

Các quan chức NHTW cũng không dự kiến sẽ giảm lãi suất trong năm 2025 mà thậm chí còn đề cập tới khả năng tăng lãi suất nếu cần thiết. 

Nền kinh tế Israel có thực sự ổn?

Kể từ tháng 10/2023 đến nay, chi phí phát sinh từ chiến sự ước tính đạt 250 tỷ shekel (tương đương 66 tỷ USD). Trong bối cảnh Israel mở rộng phạm vi chiến đấu tới miền nam Lebanon, chắn chắn phí tổn trong thời gian tới sẽ còn tăng cao.

Năm nay, tỷ lệ nợ/GDP của Israel dự kiến sẽ đi từ 62% lên 67%, trong khi đó thâm hụt ngân sách chính phủ cũng tăng lên 8,3% GDP, cao hơn nhiều so với dự đoán trước đây là 6,6%.

Gần đây hai tổ chức lớn là S&P và Moody’s đã hạ xếp hạng tín dụng của Israel. Ông Amir Yaron, Thống đốc NHTW Israel, kêu gọi các nhà lãnh đạo chú ý đến đánh giá của các tổ chức xếp hạng tín dụng, bởi chúng phản ánh quan điểm của thế giới về rủi ro của nền kinh tế Israel.

Ông nhấn mạnh: “Niềm tin của các thị trường và tổ chức kinh tế quốc tế là điều cần thiết cho sự ổn định của nền kinh tế Israel”.

Các nhà đầu tư ngoại đang rút lui khỏi thị trường trái phiếu và chứng khoán của Israel. Số liệu từ UNCTAD cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Israel sụt 29% trong năm 2023 - mức thấp nhất kể từ năm 2016.

Ông Chen Herzog, nhà kinh tế trưởng của công ty kế toán và tư vấn kinh tế BDO, có quan điểm rất bi quan về nền kinh tế Israel.

Ông lập luận rằng cho tới nay công chúng vẫn có tiền tiêu nhờ chính phủ bỏ ra số tiền khổng lồ để mua vũ khí và thiết bị quân sự từ doanh nghiệp. Còn trên thực tế, năng suất nền kinh tế đang ở mức thấp, xuất khẩu và đầu tư cũng đã giảm đáng kể.

Ông cảnh báo: “Thị trường không có cách nào để tài trợ cho chi phí ngày càng lớn của chính phủ. Tất cả các chỉ số đều cho thấy chúng ta đang tiến tới một cuộc suy thoái sâu sắc”.


Diễn đàn Đầu tư Việt Nam 2025 (Vietnam Investment Forum 2025) với chủ đề “Khai thông & Bứt phá” do trang TTĐT tổng hợp VietnamBiz, Việt Nam Mới tổ chức sẽ diễn ra vào ngày 8/11/2024 tại GEM CENTER, TP HCM.

Sự kiện quy tụ giới chuyên gia cao cấp trong lĩnh vực đầu tư, tài chính là các nhà làm chính sách, CEO, CFO, CIO các ngân hàng, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, công ty bất động sản, các hãng xếp hạng, công ty cung cấp dữ liệu và hàng trăm nhà đầu tư có kinh nghiệm lâu năm trên thị trường chứng khoán và bất động sản.

Diễn đàn hứa hẹn mang lại không gian để các chuyên gia bàn luận về các xu hướng đầu tư mới, các góc nhìn chiến lược, mở ra nhiều ý tưởng đầu tư phù hợp cho giai đoạn mới. Đồng thời tạo cơ hội gặp gỡ, kết nối giữa nhà đầu tư và các đối tác tiềm năng trên thị trường.

Thông tin chi tiết chương trình: https://event.vietnambiz.vn/

Giang