Ảnh hưởng kinh tế từ nguy cơ chiến tranh toàn diện tại Trung Đông
Trong bối cảnh căng thẳng giữa Iran và Israel đứng trước nguy cơ leo thang, các chuyên gia đưa ra hai kịch bản chính. Căng thẳng leo thang vào lúc Iran đã khôi phục sản lượng dầu về mức trước lệnh trừng phạt của Mỹ, đẩy giá dầu tăng mạnh.
Chỉ trong hai ngày đầu tháng 10/2024, giá dầu đã nhảy vọt từ 70 USD/thùng lên 76 USD/thùng, bù lại một nửa mức giảm trong tháng 9/2024. Ở châu Âu, giá khí đốt cũng tăng 3% trong ngày 2/10, khi Israel tạm ngừng hai dự án khai thác.
Giáo sư Alexey Grishchenko thuộc Khoa Quản lý Điều hành và Công nghiệp, Khoa Quản lý Cao cấp, Đại học Tài chính thuộc Chính phủ Liên bang Nga phân tích, Nga và ngân sách của Nga được hưởng lợi trong tình huống này. Nhờ đồng ruble yếu và giá năng lượng tăng cao, ngân sách Nga có thêm doanh thu từ dầu khí.
Các kim loại quý và kim loại màu cũng tăng giá 1,5–2,5% chỉ trong hai ngày, do nhu cầu sản xuất vũ khí tăng. Giá cổ phiếu các công ty vũ khí tăng, nhưng giá vàng và đồng USD không biến động lớn, trong khi thị trường chứng khoán cũng không giảm nhiều.
Theo Giáo sư Grishchenko, phản ứng cho đến nay không quá khủng khiếp. Tuy nhiên, nếu xung đột leo thang thành chiến tranh toàn diện, hậu quả kinh tế sẽ nghiêm trọng hơn nhiều.
Kịch bản xấu là khi Israel quyết định tấn công vào cơ sở hạ tầng ở Iran. Chuyên gia Igor Yushkov tại Đại học Tài chính trực thuộc Chính phủ Liên bang Nga và Quỹ An ninh Năng lượng Quốc gia (NESF) nhận định, Israel có thể tấn công chính các mỏ dầu hoặc cơ sở hạ tầng cảng để ngăn Iran xuất khẩu dầu.
Việc tấn công mỏ dầu mang đến tác hại tồi tệ hơn, vì chúng khó phục hồi hơn và mất nhiều thời gian hơn. Trong khi đó, hạ tầng cảng tập trung ở một nơi, dễ bị tấn công hơn nhưng dễ sửa chữa hơn và mất ít thời gian hơn.
Tuy nhiên, việc tấn công vào hạ tầng dầu mỏ thay vì hạ tầng khí đốt sẽ tạo ra thiệt hại lớn hơn, vì xuất khẩu dầu mang lại thu nhập ngoại hối cho Iran.
Tất cả người tiêu dùng trên thế giới sẽ bị ảnh hưởng khi xuất khẩu dầu từ Iran sụt giảm, vì giá sẽ tăng và họ sẽ phải trả nhiều tiền hơn cho “nhiên liệu đen”.
Trung Quốc sẽ chịu thiệt hại nặng nề nhất vì nước này là khách hàng duy nhất mua dầu của Iran.
“Trung Quốc sẽ thiệt hại kép. Thứ nhất, Trung Quốc sẽ mất cơ hội được mua dầu Iran với giá chiết khấu so với giá thị trường và sẽ phải mua dầu thay thế theo giá thực. Thứ hai, bất kỳ loại dầu nào trên thế giới cũng sẽ tăng giá do xung đột này”, chuyên gia Yushkov nói.
Đó là lý do vì sao Mỹ phản đối kịch liệt việc Israel nhắm vào hạ tầng dầu mỏ của Iran.
“Chính quyền hiện tại của Mỹ không muốn leo thang xung đột nữa; việc ngăn chặn sự đối đầu sẽ mang lại lợi ích cho họ. Hiện chỉ còn một tháng nữa sẽ tới cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ và nếu giá dầu tăng vọt bây giờ, thì đến khi bầu cử, giá xăng và dầu diesel tại các trạm xăng của Mỹ cũng sẽ tăng.
Và đối với người Mỹ, đây là tín hiệu ngay lập tức cho thấy đảng Dân chủ đang hoạt động không hiệu quả”, chuyên gia Igor Yushkov lập luận.
Kịch bản tồi tệ hơn đồng nghĩa với việc xung đột lao vào vòng xoáy, các bên tấn công nhau càng gay gắt và dẫn đến eo biển Hormuz, nơi lưu chuyển tới 20% tổng lượng dầu trên thế giới và khoảng 20% tổng lượng khí tự nhiên hóa lỏng, bị đóng cửa.
Việc đóng cửa eo biển Hormuz dù chỉ trong vài ngày cũng đủ dẫn đến một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. 20 triệu thùng dầu sẽ bị ách lại ở Vịnh Ba Tư mỗi ngày.
Đây là phần lớn dầu xuất khẩu từ Saudi Arabia, Các Tiểu Vương quốc Arập thống nhất (UAE), Kuwait, Iran, Iran. Châu Á cũng sẽ rơi vào một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, vì tất cả khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) từ Qatar sẽ bị phong tỏa.
Trong trường hợp này, giá có thể vọt lên 120 USD, thậm chí 140 USD cho một thùng dầu và vài nghìn USD cho 1.000 mét khối khí đốt, ông Yushkov mô tả hậu quả.
“Tất nhiên, không chỉ người tiêu dùng dầu mỏ phải gánh chịu chi phí này. Những gì xảy ra sẽ được so sánh với cuộc khủng hoảng năng lượng năm 1973, khi các nước Arập ngừng cung cấp dầu cho phương Tây”, chuyên gia Yushkov nói.
“Trong trường hợp xảy ra chiến tranh khu vực quy mô lớn có Mỹ tham dự, khi Iran tấn công căn cứ quân sự của Israel, giá dầu sẽ tăng từ 95 USD/thùng lên 120 USD/thùng. Trong phạm vi này thì vẫn có thể bán dầu. Còn nếu giá vượt quá 150 USD/thùng thì sẽ không có người mua.
Điều này có nghĩa là suy thoái kinh tế toàn cầu. Lạm phát sẽ gia tăng ở khắp nơi. Nếu lạm phát ở các nước phát triển lên tới 15%, thì lạm phát lương thực sẽ là 30–35%, và đây là sự tàn phá toàn cầu. Đồng USD sẽ mất giá, trong khi vàng tăng giá như một tài sản phòng hộ trong thời kỳ khủng hoảng. Khủng hoảng lương thực sẽ xảy ra ở Trung Quốc do giá năng lượng quá cao.
Trung Quốc sẽ bắt đầu tích cực chuyển đổi sang các loại năng lượng thay thế. Một cuộc chiến như vậy nói chung sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi sang các nguồn nhiên liệu mới trên toàn thế giới”, Chủ tịch Trung tâm Nghiên cứu Trung Đông, giảng viên thỉnh giảng tại Trường Kinh tế Cao cấp Murad Sadygzade nhận định.
Cũng theo Chủ tịch Murad Sadigzade, xung đột quân sự có lợi cho các công ty cung cấp vũ khí chính cho Trung Đông - đó là các công ty của Mỹ, Pháp, Anh và Đức, cổ phiếu của các công ty này ngày càng tăng giá. Ở một khía cạnh nào đó, Nga và Tuyến đường biển phía Bắc có thể hưởng lợi.
Chuyên gia này nói: “Căng thẳng ở Trung Đông sẽ làm gián đoạn chuỗi cung ứng hàng hóa, do đó sẽ cần khai thác các tuyến đường phía Bắc xuyên qua Trung Á, qua Nga, qua tuyến đường biển phía Bắc”.
Tuy nhiên, nhìn chung, xung đột đến quy mô như vậy cũng không có lợi cho Nga với tư cách là bên bán tài nguyên. Giá quá cao tác động đến nhu cầu, khiến tiêu thụ cả dầu và khí đốt toàn cầu sụt giảm.
Trong tình huống Israel thực hiện các cuộc tấn công hạn chế vào hạ tầng dầu mỏ của Iran, giá dầu có khả năng tăng lên 90 USD/thùng.
Mức giá như vậy sẽ không làm giảm nhu cầu, trong khi giá dầu của Nga sẽ tăng lên hơn 70 USD/thùng, cho phép Nga kiếm được nhiều tiền hơn.