|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Có một kịch bản đáng lo chẳng kém suy thoái, Fed có thể phải làm phật lòng thị trường

16:20 | 09/10/2024
Chia sẻ
Các nhà đầu tư từng băn khoăn liệu nền kinh tế Mỹ sẽ "hạ cánh mềm" hay "hạ cánh cứng". Có lẽ họ đã bỏ quên kịch bản thứ ba.

Sống lại một kịch bản

Trong hơn ba tháng qua, mối bận tâm hàng đầu của các nhà đầu tư là liệu nền kinh tế Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” hay lao đầu một cuộc suy thoái nghiêm trọng. Cuộc tranh luận chủ yếu tập trung vào Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).

Bản thân Fed sau đó đã báo hiệu một thay đổi lớn trong trọng tâm chính sách. Từ giờ, các quan chức sẽ gắng sức bảo vệ thị trường lao động sau hơn hai năm tập trung chống lạm phát.

Xuất phát từ mục tiêu mới, ngân hàng trung ương Mỹ đã quyết định hạ lãi suất 50 điểm cơ bản (bps) tại cuộc họp tháng 9, mở ra chu kỳ nới lỏng tiền tệ và khơi dậy hy vọng về một cuộc hạ cánh mềm.

Trong khoảng thời gian kể trên, kịch bản “không hạ cánh” - tình huống nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng nhưng lạm phát vẫn còn cao và có nguy cơ bùng phát trở lại - không còn lảng vảng trong tâm trí của các nhà đầu tư.

Tuy nhiên, chỉ cần một báo cáo việc làm bùng nổ là đủ để khơi lại những nỗi lo về kịch bản không hạ cánh.

Xoá tan nỗi lo suy thoái

Dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ cho thấy tăng trưởng việc làm tháng 9 đã vượt qua mọi ước tính của giới chuyên gia. Nền kinh tế tạo thêm 254.000 việc làm, đánh dấu mức cao nhất trong 6 tháng qua.

Cùng lúc, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm % xuống 4,1% - mức khá thấp so với trung bình lịch sử và thu nhập theo giờ của người lao động tăng 4% so với cùng kỳ năm trước.

Kết hợp với các dữ liệu công bố trước đó không lâu, ta có thể thấy nhu cầu lao động (thể hiện qua số vị trí trống đang cần lấp đầy) vẫn ở mức lành mạnh và tình trạng sa thải vẫn ở mức thấp.

Các dữ liệu cũng cho thấy ít người Mỹ làm việc bán thời gian vì lý do kinh tế hơn và những người gần đây mất việc đã có thể tìm thấy việc làm trong những lĩnh vực khác.

 

Để dễ hình dung, nền kinh tế Mỹ vài tháng qua giống như trò chơi ghép hình: hầu hết các mảnh ghép đều khớp, ngoại trừ một chi tiết. Chi tiêu của người tiêu dùng vẫn ổn định, tăng trưởng GDP vẫn tốt nhưng thị trường việc làm có vẻ rất bấp bênh.

Song, đến cuối tuần trước thì mảnh ghép cuối cùng cũng đã khớp vào bức tranh. Loạt dữ liệu gần đây đều chỉ ra sức mạnh bền bỉ của nền kinh tế số một thế giới.

Nền kinh tế này tăng trưởng 3% trong quý II (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm) và mô hình GDPNow của Fed chi nhánh Atlanta cho thấy tăng trưởng quý IV sẽ đạt khoảng 3,2%.

Chia sẻ với Financial Times, ông Mark Zandi - nhà kinh tế trưởng của Moody’s Analytics - nhấn mạnh: “Bạn không thể vẽ nên bức tranh nào đẹp hơn về thị trường việc làm và nền kinh tế. Nếu báo cáo này không khiến những kẻ gieo rắc nỗi lo suy thoái im lặng thì không có gì có thể làm được”.

 

Nhưng còn lạm phát

Nền kinh tế tăng trưởng ổn định là niềm vui của người tiêu dùng lẫn thị trường chứng khoán. Tuy nhiên, điểm còn vướng mắc là các quan chức Fed vẫn chưa hoàn toàn khống chế áp lực giá.

Quả thực, lạm phát đang tiếp tục đi xuống nhưng quá trình diễn ra rất chậm so với năm ngoái. Các thước đo lạm phát vẫn cao hơn mức mục tiêu 2% của Fed.

Vào tháng 8, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đi lên 2,5% so với cùng kỳ năm trước. Loại trừ giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động, CPI lõi tăng 3,2% so với một năm trước.

Chi phí liên quan đến nhà ở vẫn là một vấn đề đau đầu. Trong tháng đó, chi phí nhà ở đi lên 0,5% so với tháng trước, chiếm phần lớn mức tăng của CPI. So với cùng kỳ, khoản mục này tăng 5,2%.

Thước đo lạm phát ưa thích của Fed là chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) phát đi tín hiệu lạc quan hơn nhưng vẫn chung xu hướng.

Trao đổi với CNBC sau báo cáo CPI tháng 8, nhà kinh tế trưởng Lisa Sturtevant của Bright MLS cho hay: “Mặc dù lạm phát đã giảm, điều đó không có nghĩa là giá của những hàng hoá mà mọi người mua thực sự đã giảm”.

“Điều đó chỉ có nghĩa là giá cả không còn tăng nhanh. Trên thực tế, người tiêu dùng Mỹ đang trả nhiều hơn 20% cho hàng hoá và dịch vụ so với trước đại dịch”, vị chuyên gia lưu ý.

 

Chưa kể, mối lo ngại về lạm phát đã lần nữa trỗi dậy sau khi giá dầu thô tăng mạnh. Giá dầu Brent đã phá mốc 80 USD/thùng vào ngày 7/10 sau khi truyền thông đưa tin Israel đang chuẩn bị đáp trả vụ tấn công bằng tên lửa của Iran.

Giá dầu tụt nhẹ vào ngày hôm sau nhưng đà tăng từ tuần trước vẫn chưa kết thúc. Một khi Israel, Iran và các lực lượng uỷ nhiệm của Tehran không xuống thang căng thẳng, thị trường năng lượng vẫn sẽ tiếp tục cảnh giác.

Giới chuyên gia cho rằng Tel Aviv khó có thể ngồi im. Hai câu hỏi quan trọng bây giờ là đòn phản công của Israel sẽ nghiêm trọng đến mức nào và liệu nước này có nhắm vào các cơ sở dầu mỏ của Iran hay không.

Một rủi ro là Israel có thể tấn công vào Đảo Kharg, nơi xử lý khoảng 90% lượng dầu xuất khẩu của Iran. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, Iran xuất khẩu trung bình 1,8 triệu thùng dầu/ngày vào tháng 8, một con số khá cao.

Trong cuộc phỏng vấn với CNN, Giám đốc Kevin Book của ClearView Energy Partners cảnh báo nếu kịch bản đó xảy ra, giá dầu thế giới có khả năng sẽ nhảy vọt lên 86 USD/thùng.

 

Một số nhà phân tích cho rằng công suất dự phòng của liên minh dầu mỏ OPEC là lý do thị trường năng lượng bình tâm như bây giờ. Tuy nhiên, tuyên bố này giả định rằng tất cả thành viên OPEC đều sẽ phản ứng ngay lập tức với tình trạng gián đoạn nguồn cung của Iran.

Giả định trên có phần không phù hợp vì OPEC đã cắt giảm sản lượng trong nhiều năm nhằm mục đích kéo giá dầu lên cao hơn. Cho nên, không phải nước nào cũng có thể phản ứng tức thời khi gián đoạn xảy ra.

Rủi ro lớn hơn là Iran có thể trả đũa bằng cách làm tắc nghẽn dòng chảy năng lượng ra khỏi Eo biển Hormuz, tuyến đường vận chuyển dầu mỏ quan trọng nhất thế giới. Hiện tại, phiến quân Houthi do Iran hậu thuẫn đang kiểm soát nơi này.

Đi qua Eo biển Hormuz là cách duy nhất để đưa dầu từ Vịnh Ba Tư ra thế giới. Theo ClearView, giá dầu có nguy cơ phá mốc 100 USD/thùng nếu tuyến đường thuỷ này bị ách tắc.

Fed nên làm gì?

Nhìn từ các dữ kiện phía trên, báo cáo việc làm tháng 9 chưa hẳn là tin vui, mà có thể là bằng chứng mới cho những người đã nhận thấy sự mất kết nối trong quyết định hạ lãi suất của Fed và bức tranh kinh tế. Không hạ cánh vẫn là một kịch bản mà các nhà đầu tư nên xem xét.

Quả thực, sau báo cáo việc làm tháng 9, thị trường đã thay đổi nhận định. Giờ đây, họ cho rằng ngân hàng trung ương Mỹ nhiều khả năng sẽ hạ lãi suất từ từ chứ không mạnh tay như trước.

Theo CME Group, các nhà giao dịch dự đoán Fed sẽ hạ lãi suất 50 bps vào cuối năm 2024, mỗi lần 25 bps. Và từ giờ đến tháng 10/2025, lãi suất được kỳ vọng sẽ giảm tổng cộng 150 bps thay vì 200 bps.

Một số nhà kinh tế và nhà đầu tư nổi tiếng, bao gồm hai cái tên gạo cội Stanley Druckenmiller và Mohamed El-Erian, cảnh báo Fed không nên để bản thân bị chi phối bởi các dự báo của thị trường hay dự báo của riêng mình.

Ông El-Erian nhấn mạnh “lạm phát chưa chết” và Fed nên cảnh giác với mục tiêu kép (ổn định giá cả và toàn dụng việc làm) thay vì chỉ tập trung hỗ trợ thị trường lao động.

Tương tự, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ Larry Summers đăng trên nền tảng mạng xã hội X rằng một động lực lạm phát chính là tăng trưởng tiền lương danh nghĩa dường như không giảm tốc.

Theo ông, báo cáo việc làm tháng 9 cho thấy bất kỳ đợt giảm lãi suất bổ sung nào cũng cần có cách tiếp cận thận trọng.

 

Một số người thậm chí còn nhận định rằng báo cáo việc làm mới có thể là tín hiệu cho thấy Fed không nên hạ chi phí đi vay vào tháng sau. Các quan chức ngân hàng trung ương sẽ nhóm họp vào ngày 6 - 7/11, ngay sau ngày bầu cử tổng thống.

Trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg vào cuối tuần trước, nhà kinh tế Ed Yardeni nói quyết định hạ 50 bps trước đó là không cần thiết và Fed nên ngừng tay. Ông bày tỏ: “Tôi cho rằng một số quan chức Fed đang hối hận vì đã quá tay”.

Với lập trường “diều hâu” hơn, ông George Catrambone - trưởng bộ phận thu nhập cố định tại DWS Americas - gợi ý: “Kịch bản có thể xảy ra là Fed không cắt giảm lãi suất nữa hoặc thực sự phải tăng lãi suất trở lại".

Yên Khê