Chẳng có lý do gì để Fed giảm lãi suất thêm 50 bps
Ấn tượng sai lệch
Trao đổi với CNBC, các chiến lược gia kỳ cựu cho biết không có lý do gì để Fed hạ lãi suất thêm 50 điểm cơ bản (bps). Báo cáo việc làm mới nhất cho thấy ngân hàng trung ương Mỹ có thể đã hành động vội vàng.
Ông David Roche, nhà sáng lập kiêm chiến lược gia tại Quantum Strategy, nhận định động thái hạ lãi suất 50 bps vào tháng 9 là một phản ứng tức thời chứ không phải quyết định đã qua cân nhắc kỹ lưỡng.
Báo cáo việc làm tuần trước cho thấy các doanh nghiệp đã tuyển dụng thêm 254.000 lao động vào tháng 9, vượt xa dự báo 150.000 của các nhà kinh tế. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp giảm 0,1 điểm % xuống còn 4,1%.
Chiến lược gia Roche nói những con số này khiến “động thái giảm lãi suất mạnh tay của Fed trông thật ngớ ngẩn và hoảng loạn”.
“Lỗi của Fed là quá phụ thuộc vào dữ liệu và không có tầm nhìn chiến lược”, ông viết trong email gửi CNBC hồi cuối tuần trước.
Vì lẽ đó, “Fed không nên hạ lãi suất mạnh tay... trừ khi có chuyện gì đó thực sự tồi tệ xảy ra”, chẳng hạn như xung đột Trung Đông leo thang đến mức Israel ném bom vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Chia sẻ trực tiếp với CNBC vào đầu tuần này, ông Roche cảnh báo động thái của Fed có thể gây hại vì nó tạo ra ấn tượng sai lệch về nền kinh tế Mỹ.
“Thứ nhất, nó tạo ấn tượng rằng nền kinh tế mong manh hơn và trên thực tế nền kinh tế vẫn ổn và không cần Fed phải hành động mạnh mẽ”, nhà sáng lập Quantum Strategy nói.
“Thứ hai, nó tạo ấn tượng là Fed sẽ cắt giảm lãi suất nhiều lần xuống mức thấp hơn so với dự kiến. Lãi suất chính sách sẽ không tụt xuống dưới 4% hay 3,5% và lý do là nền kinh tế rất khoẻ mạnh, các doanh nghiệp có thể kiếm tiền mà không cần chi phí đi vay giảm xuống”, ông tiếp lời.
Vị chiến lược gia cho biết bằng cách “giảm mạnh ngay từ đầu”, ngân hàng trung ương Mỹ đã khiến nhà đầu tư tin rằng họ sẽ “thực hiện nhiều đợt hạ lãi suất lớn khác”. Điều đó có thể khiến “thị trường bất ổn khi nhà đầu tư nhận ra thực tế”.
Tại cuộc họp tháng 9, Fed đã bảo vệ quyết định của mình. Các quan chức lưu ý đến những dấu hiệu cho thấy lạm phát đang giảm bớt và thị trường lao động đang suy yếu.
“Ủy ban đã tự tin hơn rằng lạm phát đang giảm bền vững về mức mục tiêu 2% và chúng tôi đánh giá rủi ro để đạt được mục tiêu việc làm và lạm phát là tương đương nhau”, tuyên bố sau cuộc họp có đoạn.
Kỳ vọng của các nhà giao dịch về đợt cắt giảm lãi suất lớn vào tháng 11 đã tụt mạnh sau báo cáo việc làm tháng 9.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, xác suất Fed giảm 25 bps hiện là 87,4%. Trong khi đó, xác suất Fed giữ nguyên lãi suất là 12,6% và xác suất giảm 50 bps là 0. Vào tuần trước, xác suất giảm 50 bps lên tới 34,7%.
Trong biểu đồ dot plot mà các quan chức công bố sau cuộc họp tháng 9, họ dự kiến sẽ hạ chi phí đi vay liên ngân hàng thêm 50 bps từ giờ cho đến cuối năm. Hiện tại, Fed chỉ còn hai cuộc họp vào ngày 6 - 7/11 và 17 - 18/12.
Hai điểm cơ bản
Ông Bob Parker, cố vấn cấp cao tại Hiệp hội Thị trường Vốn Quốc tế, đồng ý với ông Roche rằng “hoàn toàn không có lý do để Fed giảm lãi suất mạnh tay nữa”.
“Chúng ta đang quay trở lại với hai điểm cơ bản. Thứ nhất, khả năng nền kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, ít nhất là trong quý IV năm nay và có thể là quý I năm sau, gần như bằng 0.
Và lạm phát toàn phần lẫn lạm phát lõi đều đang trên mức mục tiêu 2% của Fed, vì vậy lý do để cắt giảm lãi suất mạnh tay là không có”, ông Parker lập luận.
“Đúng là có lý do để giảm lãi suất vừa phải từ 25 đến 50 bps từ bây giờ cho đến tháng 1 năm sau, nhưng lý do để giảm 50 bps tại cuộc họp tiếp theo thì không tồn tại”, vị cố vấn nhấn mạnh.
Giám đốc Dave Pierce của GPS Capital Markets cho biết tâm lý tiêu cực còn sót lại xung quanh nền kinh tế Mỹ tập trung vào lạm phát và tác động của áp lực giá đến những người dân bình thường.
“Nền kinh tế hoạt động tốt và không ai dám khẳng định điều ngược lại, nhưng vẫn còn rất nhiều người phải vật lộn ngoài kia, đặc biệt là khi lạm phát vẫn còn và giá cả đã tăng đáng kể trong những năm gần đây”, ông nói.