|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Các nhà đầu tư thận trọng với thị trường Đông Nam Á

10:30 | 29/03/2025
Chia sẻ
Các nhà đầu tư đang phản ứng với mức độ bất ổn và rủi ro ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu và có xu hướng tạm dừng "rót vốn" vào khu vực Đông Nam Á năng động.

Các nhà đầu tư toàn cầu đang trở nên thận trọng với thị trường Đông Nam Á. (Ảnh minh họa: DDproperty).

Các thị trường quốc tế đang phản ứng với mức độ bất ổn và rủi ro ngày càng tăng trong nền kinh tế toàn cầu. Tin tức về một số sàn giao dịch chứng khoán lớn của Đông Nam Á gần đây không mấy khả quan. Kể từ giữa tháng 9/2024, chỉ số tổng hợp Jakarta đã giảm khoảng 18%. Tại phiên 18/3/2025, chỉ số này đã giảm mạnh 5%, khiến sàn chứng khoán tự động ngừng giao dịch.

Bài viết của ông James Guild - một chuyên gia về thương mại, tài chính và phát triển kinh tế ở Đông Nam Á - dựa trên những phân tích về những biến động trong dòng vốn, đăng tải trên trang “The Diplomat” có nội dung chính như sau:

Indonesia không phải là thị trường chứng khoán duy nhất trong khu vực đang gặp khó khăn. Chỉ số SET của Thái Lan đã giảm với tốc độ tương tự trong cùng thời điểm, mặc dù không có đợt bán tháo lớn nào trong một ngày như vừa xảy ra ở Jakarta. Cả đồng rupiah của Indonesia và đồng baht của Thái Lan cũng đã mất giá kể từ tháng 9/2024. Vậy tất cả những điều này có ý nghĩa gì? Các nhà đầu tư có thực sự chán nản với Đông Nam Á không. Và nếu có thì tại sao?

Lời giải thích rõ ràng nhất là tăng trưởng trong khu vực, hoặc ít nhất là ở một số nền kinh tế lớn trong khu vực, có thể đang chậm lại. Nền kinh tế hướng đến xuất khẩu của Thái Lan đã phải vật lộn để phục hồi sau đại dịch COVID-19, liên tục hoạt động kém hiệu quả so với dự báo kinh tế.

Tình hình thương mại toàn cầu hiện tại không tốt cho các quốc gia phụ thuộc vào thương mại như Thái Lan. Trong khi đó, ngân sách của chính phủ đang thâm hụt khá lớn để chi trả cho các biện pháp kích thích có hiệu quả đáng ngờ như chương trình ví kỹ thuật số trị giá hàng tỷ USD. Tất cả những điều này có thể khiến các nhà đầu tư thận trọng.

Tại Indonesia, có dữ liệu cho thấy sức mua của người tiêu dùng đang suy yếu. Một số công ty lớn như “gã khổng lồ” dệt may Sritex đã phá sản và sa thải hàng nghìn công nhân, trong khi công ty năng lượng nhà nước Pertamina hiện đang vướng vào một vụ bê bối tham nhũng lớn.

Chính phủ mới chỉ nắm quyền trong vài tháng đang phải vật lộn để trấn an thị trường rằng họ có thể kiểm soát được chính sách tài khóa. Việc thành lập một quỹ đầu tư với phạm vi hoạt động không rõ ràng, cùng với các báo cáo về tình trạng thiếu hụt trong thu thuế dường như đã khiến các nhà đầu tư hoảng sợ.

Đây rõ ràng là những yếu tố quan trọng. Trên thực tế có nhiều yếu tố kể trên có thể tránh được nếu có các lựa chọn chính sách khác. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố bên ngoài giúp đẩy nhanh dòng vốn chảy ra. Yếu tố chính là nền kinh tế toàn cầu đang bước vào giai đoạn bất ổn và rủi ro gia tăng, với các tranh chấp thương mại trở thành "chuẩn mực" khi nền kinh tế lớn nhất thế giới hành động theo cách ngày càng khó lường.

Không ai có thể dự đoán chính xác điều gì sẽ xảy ra với những xung đột thương mại, nhưng có thể biết rằng chúng đang làm gia tăng mức độ bất ổn và rủi ro chung trong nền kinh tế toàn cầu. Và nếu có một điều luôn là yếu tố rủi ro với thị trường thì đó là sự bất ổn.

Khi bất ổn ở mức cao, các nhà đầu tư thường có xu hướng chuyển sang các tài sản thanh khoản hơn ở các thị trường được cho là an toàn. Trên thực tế, điều này có nghĩa là bán các tài sản rủi ro hơn (ví dụ cổ phiếu ở thị trường mới nổi) và chuyển sang các tài sản thanh khoản được tính bằng đồng USD.

Do đó, hiện tượng dòng vốn đang chảy ra, thị trường chứng khoán suy yếu và tiền tệ mất giá ở một số nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á có thể là do sự kết hợp của các yếu tố bên trong và bên ngoài. Những trở ngại đối với kinh tế toàn cầu và bất ổn do tranh chấp thương mại có khả năng sẽ gây ra biến động tiền tệ và bán tháo cổ phiếu.

Tuy nhiên, vào thời điểm căng thẳng địa chính trị leo thang và rủi ro gia tăng trong nền kinh tế toàn cầu, các chính phủ trong khu vực sẽ không có lợi khi thử nghiệm các chính sách tài chính và kinh tế không chính thống.

Liệu các nhà đầu tư có đúng khi thận trọng với thị trường Thái Lan và Indonesia không? Tất nhiên là khó có thể đưa ra một kết luận chính xác. Thái Lan có khả năng phải đối mặt với một chặng đường khó khăn khi thương mại toàn cầu vẫn bị gián đoạn và không có lý do gì để tin rằng mọi thứ sẽ sớm cải thiện trong bối cảnh này. Ở Indonesia, câu chuyện về một nền kinh tế đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng đang ngày càng gia tăng.

Để có thể đưa ra bất kỳ tuyên bố chắc chắn nào, các nhà phân tích cần nhiều dữ liệu hơn nữa. Nhận thức về rủi ro gia tăng có thể tác động đến thị trường và thị trường vừa gửi đến Chính phủ Indonesia một thông điệp khá rõ ràng về cảm nhận của họ về vấn đề đó.

Hằng Linh