|
 Thuật ngữ VietnamBiz
Quốc tế

Ngoại trưởng Mỹ răn đe: 'Chúng tôi có hai con đường dành cho Nga'

07:41 | 24/01/2022
Chia sẻ
Hôm 23/1, Ngoại trưởng Antony Blinken một lần nữa cảnh báo Mỹ sẽ đáp trả nghiêm khắc nếu Nga tấn công vào Ukraine.

Hậu quả khốc liệt dành cho Nga

Trong cuộc phỏng vấn trên đài CNN, Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh: "Nếu Nga đưa thêm quân vào Ukraine một cách hung hăng, động thái đó sẽ kích hoạt một phản ứng nhanh chóng, nghiêm khắc và thống nhất từ Mỹ và châu Âu".

Tổng thống Joe Biden đã đưa ra cảnh báo tương tự trước đó một ngày, theo các quan chức Nhà Trắng. Ông Biden được cho là đã nhóm họp cùng đội ngũ cố vấn an ninh quốc gia để thảo luận về chính sách gây hấn của Nga.

Nga đang tăng cường binh lính gần biên giới với Ukraine, khiến phương Tây lo ngại rằng Điện Kremlin sẽ thực hiện xâm lược quốc gia Đông Âu này.

Theo tình báo Mỹ, nếu xảy ra, cuộc tấn công có thể diễn ra sớm nhất là trong vòng một tháng tới. Tuy nhiên, Moscow khẳng định họ không có kế hoạch chiếm đánh Ukraine.

Ngoại trưởng Mỹ răn đe : 'Chúng tôi có hai con đường dành cho Nga' - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đứng cùng Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov trước cuộc gặp ngày 21/1 vừa qua. (Ảnh: Reuters).

Trong một nỗ lực nhằm ngăn cản Điện Kremlin, chính quyền Tổng thống Biden và các đồng minh phương Tây đã đe dọa sẽ đưa ra các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhất đối với Nga.

Trước đó, Thứ trưởng Ngoại giao Wendy Sherman của Mỹ cho biết lệnh trừng phạt có thể nhằm vào các tổ chức tài chính quan trọng của Nga cũng như siết chặt kiểm soát xuất khẩu đối với một số lĩnh vực công nghiệp quan trọng của nước này.

Trong tuần qua, các quan chức Mỹ, châu Âu và Nga đã tổ chức nhiều cuộc đàm phán cấp cao. Ông Blinken nhấn mạnh, bước tiếp theo là tùy thuộc vào quyết định của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

"Chúng tôi có hai con đường dành cho nước Nga. Một con đường thông qua ngoại giao và đối thoại. Con đường còn lại báo hiệu những hậu quả to lớn nếu Nga gây hấn tại Ukraine", ông Blinken cho hay.

Ngoại trưởng Mỹ lưu ý, dù Washington ưu tiên đối thoại cùng Nga, siêu cường số một thế giới vẫn đang tiếp tục tăng cường năng lực phòng thủ để đề phòng bất trắc.

Ukraine nhận lô vũ khí thứ hai từ Mỹ

Ở diễn biến khác, cũng cuối tuần qua, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết nước này vừa nhận được lô hàng vũ khí thứ hai từ Mỹ trong khuôn khổ viện trợ phòng thủ trị giá 200 triệu USD, theo Reuters.

"Đợt thứ hai đã đến Kiev! Hơn 80 tấn vũ khí để tăng cường năng lực quốc phòng của Ukraine, quà từ những người bạn Mỹ. Và đây chưa phải là lô cuối cùng", ông Reznikov viết trên Twitter.

Nỗi lo sợ Nga tấn công vào Ukraine đã khiến các nhà phân tích và nhà đầu tư phải cân nhắc những ảnh hưởng tiềm tàng trên thị trường tài chính. Song, việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014 cũng chỉ khiến thị trường toàn cầu "rùng mình" trong một vài ngày, sau đó mọi việc đều sớm lắng xuống.

Tuy nhiên, giới đầu tư không khỏi lo lắng trước tác động của cuộc tấn công đối với thị trường hàng hóa, vì Ukraine là một mắt xích quan trọng để Nga cung ứng khí đốt cho châu Âu.

Hệ thống đường ống kết nối các mỏ dầu khí ở Siberia với châu Âu là tài sản kinh tế quan trọng của Ukraine, vì chúng giúp Kiev có lợi thế trong các cuộc đàm phán về nhập khẩu dầu khí từ Nga.

Song, cũng từ đây mà lĩnh vực năng lượng của Ukraine phải đối mặt với không ít thách thức. Đầu tiên là vai trò của Nga, đất nước cung ứng phần lớn lượng khí đốt cho Ukraine trong nhiều năm qua.

Nga là một rủi ro chính trị đối với Ukraine, không chỉ ở lĩnh vực năng lượng mà còn trên địa hạt chính trị, kinh tế và an ninh. Moscow thường xuyên sử dụng năng lượng như một công cụ địa chính trị chống lại Kiev.

Chẳng hạn, dưới thời cựu Tổng thống Ukraine Viktor Yushchenko - một nhà lãnh đạo thân phương Tây, Nga đã trừng phạt đất nước láng giềng bằng cách cắt nguồn cung khí đốt trong hai năm 2006 và 2009.

Tuy nhiên, sau nhiều năm, Ukraine đã phần nào đa dạng hóa được nguồn cung khí đốt trong nước. Liên minh châu Âu (EU) mới chính là khu vực sẽ lâm nguy nếu Nga dùng khí đốt làm một quân cờ đàm phán.

Theo thông tin từ Ủy ban châu Âu (EC), khoảng 90% nguồn cung khí đốt của EU là hàng nhập khẩu và Nga là một trong các đối tác chính, bên cạnh Na Uy. Trong quá khứ, đa phần khí đốt từ Nga vào EU đều phải đi qua Ukraine.

Mức độ lệ thuộc của EU vào nguồn cung khí đốt của Nga đã thể hiện rõ rệt vào năm ngoái, khi dự trữ khí đốt của Nga chạm mức thấp kỷ lục và đẩy giá của mặt hàng này lên mức cao kỷ lục.

Các chuyên gia năng lượng còn cảnh báo EU đang trở thành "con tin" của đại gia khí đốt Nga, đặc biệt là khi Moscow đang muốn dùng khí đốt để ép Đức phê duyệt đường ống Nord Stream 2 - một hệ thống có thể thay thế vai trò trung chuyển của Ukraine. Nói một cách nào đó, Nga đang "cùng lúc nhắm bắn hai con chim".

Khả Nhân